28/04/2024 20:20 GMT+7

Tắm mát ở giếng cổ 2.000 năm tuổi trong chuỗi ngày nóng kỷ lục miền Trung

Hàng trăm người tụ tập về 14 giếng cổ 2.000 năm tuổi ở xã Gio An (Quảng Trị) để tắm giải nhiệt trong những ngày nắng nóng 42 độ C kỷ lục miền Trung.

Trẻ em đến chơi, tắm mát ở các giếng cổ Gio An - Ảnh: HOÀNG TÁO

Trẻ em đến chơi, tắm mát ở các giếng cổ Gio An - Ảnh: HOÀNG TÁO

Chiều 28-4, hàng trăm người có mặt ở các giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn, xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị) để giải nhiệt.

Giải nhiệt ở giếng quê hương

Các giếng cổ này có nguồn nước chảy không ngừng từ lòng đất, xung quanh có nhiều cây cổ thụ che bóng nên nguồn nước mát lành, thu hút nhiều người ở huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP Đông Hà đến tắm mát.

Gọi là giếng nhưng nơi này không được đào thành trụ tròn như giếng của người Kinh. Các giếng này có nguồn gốc do người Chăm xây dựng, lấy mạch nước từ trong lòng đất hàng nghìn năm qua. Giếng có các hòn đá cuội to sắp xung quanh, phía sau mạch nước là một ao nhỏ, sâu chừng 50cm. Nước chảy không ngừng từ mạch ra ao rồi theo các mương dẫn về ruộng rau liệt phía bên dưới.

Giếng Gai được che dưới bóng mát của một cây cổ thụ lớn. Hàng chục thanh niên, trẻ em xuống tắm, vui đùa thỏa thích.

Tương tự, giếng Ông cũng được một cây thị cổ thụ phủ bóng. Mạch nước chảy ra từ lòng đất mát rượi giữa ngày hè nóng 42 độ C.

Anh Nguyễn Thanh An cho hay cùng bạn từ xã kế bên đi xe máy qua tắm mát ở giếng Ông lúc 14h chiều. Nhóm bạn còn mang theo hoa quả để giải nhiệt.

"Nước giếng mát như ngâm đá, cứ thích ngâm mình mãi dưới này thôi", anh An cho hay.

Giếng Gai được che bóng bởi một cây to lớn, tán lá sum suê - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giếng Gai được che bóng bởi một cây to lớn, tán lá sum suê - Ảnh: HOÀNG TÁO

Phía dưới nguồn nước, người dân tạo ra các mương dẫn nước về ruộng rau. Nhiều trẻ em đi theo các mương, thỏa thích vui đùa, bơi và tắm ở mương.

Ông Lê Phước Hiếu - phó chủ tịch UBND xã Gio An - cho hay những ngày nắng nóng, có hàng trăm người dân trong xã và các huyện lân cận đến tắm giải nhiệt. Toàn xã có 14 giếng cổ Chăm. Ngoài 3 giếng trên, nhiều giếng khác cũng thu hút người dân đến tắm mát.

Bảo tồn giếng cổ Chăm 2.000 năm tuổi

Tháng 3-2024, tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt 3,2 tỉ đồng để lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống khai thác và xử lý nước Gio An (14 giếng cổ).

Hệ thống công trình khai thác nước cổ của người Chăm tại xã Gio An gồm 30 giếng nước, sử dụng chất liệu đá xếp, có kiến trúc độc đáo. Giếng phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Năm 2001, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 14 giếng tiêu biểu là di tích quốc gia. Đến nay, Quảng Trị đã khôi phục lại một số giếng cổ phục vụ du lịch.

Giếng có niên đại khoảng 2.000 năm, được cho là người Chăm xây dựng.

Hàng trăm người về các giếng cổ tắm mát - Ảnh: HOÀNG TÁO

Hàng trăm người về các giếng cổ tắm mát - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giếng Ông dưới bóng cây thị cổ thụ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giếng Ông dưới bóng cây thị cổ thụ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Phía bên dưới các giếng cổ là hệ thống dẫn nước và ruộng rau đặc sản của người dân Gio An - Ảnh: HOÀNG TÁO

Phía bên dưới các giếng cổ là hệ thống dẫn nước và ruộng rau đặc sản của người dân Gio An - Ảnh: HOÀNG TÁO

Giếng Chăm cổ: dân bảo tồn tốt hơn Nhà nướcGiếng Chăm cổ: dân bảo tồn tốt hơn Nhà nước

TTO - Tại Quảng Trị, giếng Chăm cổ được công nhận di tích thì liên tiếp bị phá hoại, trong khi nhiều giếng cổ chưa được công nhận di tích thì lại được người dân bảo tồn hết sức kỹ càng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên