16/12/2023 09:27 GMT+7

15 năm không xong 19,7km, TP.HCM phải thay đổi gì để làm tiếp 200km metro?

Thông tin chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ về việc phải có cách làm mới để triển khai nhanh hơn các tuyến metro được bạn đọc rất quan tâm.

Metro số 1 được đặt mục tiêu sẽ khai thác thương mại vào tháng 8-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Metro số 1 được đặt mục tiêu sẽ khai thác thương mại vào tháng 8-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Metro quá chậm: Chủ tịch UBND TP đã nhìn thẳng, nói thẳng việc dân quan tâm

Thông tin Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ về làm một tuyến metro quá lâu hôm 15-12 đã nhận được sự quan tâm từ bạn đọc Tuổi Trẻ Online. Lãnh đạo TP đánh giá suốt 15-16 năm qua, chúng ta loay hoay làm tuyến metro số 1 dài 19,7km đến nay mới chuẩn bị hoàn thành.

Nếu tiếp tục triển khai theo cách cũ, để hoàn thành 200km còn lại cần khoảng 50-70 năm nữa, thậm chí 100 năm mới xong. Như vậy là quá chậm, chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta phải thay đổi, phải có cách làm mới, đột phá để hoàn thành toàn bộ mạng lưới còn lại khoảng 200km trong 12 năm.

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản hồi rất phấn khởi khi chủ tịch UBND TP.HCM đã nhìn thẳng, nói thẳng vào vấn đề mà người dân quan tâm. Rất khó để hài lòng khi các công trình cấp bách mà thời gian thi công lại tính bằng thập kỷ. Càng kéo dài càng đội vốn. Nếu tình trạng này kéo dài, đời con cháu chúng ta cũng không thấy mạng lưới metro hoàn chỉnh.

“Rất mừng khi nghe được phát biểu như thế này. Vậy là tâm tư đau đáu đã xuất hiện. Đây chính là khởi đầu tốt đẹp để thực hiện ước mơ bao phủ metro cho TP trong tương lai không xa”, bạn đọc Nguyễn Văn Thành gửi gắm.

Những cơ chế để làm metro nhanh hơn 

Theo Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, đề án sẽ xây dựng một tập hợp các cơ chế đột phá và vượt trội về quản lý quy hoạch, đất đai, đầu tư, tài chính, xây dựng, giao thông, doanh nghiệp, tiêu chuẩn - quy chuẩn…

Nội dung đề xuất theo hướng tiệm cận với các cơ chế quản lý phổ biến của các nước đã thành công trong phát triển metro. Đến nay, tổ công tác đã xây dựng bộ khung cơ bản về cơ chế để tiếp tục bàn thảo, tiếp nhận góp ý trong quá trình hoàn thiện.

Cụ thể về quy hoạch, đề xuất cho TP được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo đạt được các mục tiêu về phát triển và chỉnh trang đô thị, bao gồm việc điều chỉnh hướng tuyến hệ thống đường sắt đô thị kết hợp TOD.

Về đền bù, thu hồi đất, đề xuất trao thẩm quyền cho TP ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của dự án. Nguyên tắc xuyên suốt là đảm bảo đời sống người dân bị thu hồi đất “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

TP đề xuất được thu hồi đất ngay sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 của các khu vực nhà ga và khu vực TOD được phê duyệt.

Về tài chính, đề xuất cho TP được giữ lại nguồn thu từ đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD và các nguồn thu từ đất khác để đầu tư trực tiếp cho dự án, không đưa vào ngân sách. Bên cạnh đó, cho phép TP gia tăng nguồn thu từ phát hành trái phiếu quốc tế, trái phiếu Chính phủ, vay từ các tổ chức tài chính... mà không phụ thuộc vào hạn mức trần để làm dự án.

Về trình tự thủ tục đầu tư, đề xuất Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư một lần cho dự án có tổng chiều dài khoảng 200km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị. Phân cấp, ủy quyền để TP quyết định các vấn đề liên quan để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

Về khung tiêu chuẩn, đề xuất ủy quyền cho TP lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về metro phổ biến nhất trên thế giới. Việc này nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh để có giá thành tốt nhất. Đồng thời tăng tỉ lệ nội địa hóa, tiến tới làm chủ, phát triển ngành công nghiệp đường sắt, metro quốc gia

Về mô hình, đề xuất cho TP lựa chọn mô hình, thành lập tổng công ty quản lý đầu tư, xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống metro/TOD với chức năng kinh doanh đa ngành. 

Cho phép tuyển chọn nhân sự chất lương cao, thuê chuyên gia trong và ngoài nước cho tổng công ty theo chế độ lương cạnh tranh thị trường...

Quy trình làm một tuyến metro trung bình 12-15 năm

Theo quy định hiện hành, công tác chuẩn bị đầu tư metro thường là một tuyến riêng biệt, đều thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Trung bình thường mất 12-15 năm để làm một tuyến.

Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ lập đề xuất dự án trình Thủ tướng; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; lập báo cáo khả thi trình Thủ tướng phê duyệt dự án. Tổng thời gian từ 4-5 năm.

Giai đoạn thực hiện sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu; thi công xây dựng với thời gian từ 6-7 năm.

Giai đoạn kết thúc dự án sẽ nghiệm thu, bàn giao, đưa dự án vào vận hành khai thác với thời gian từ 2-3 năm.

Công ty vận hành metro số 1 TP.HCM đón tin vuiCông ty vận hành metro số 1 TP.HCM đón tin vui

Công ty vận hành metro số 1 TP.HCM được tháo gỡ khó khăn khi được chấp thuận bổ sung vốn điều lệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên