Chợ Bờ Đắp (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tọa lạc ngay cửa ngõ vào cảng Sa Kỳ và những ngôi làng nổi tiếng với trai tráng thẳng tiến Hoàng Sa bám biển giữ chủ quyền, từng đón nhận một người ngây dại.

Những người già ở đây, ai cũng có thể nhớ rõ thời điểm xóm biển nhỏ bất ngờ tiếp nhận một người lạ. Anh đói nhưng không biết xin ăn.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 1.

Đó là năm 1993, cái chợ khó nghèo chỉ toàn cá với tôm ấy bỗng xuất hiện chàng thanh niên chỉ nói được mỗi từ "Đông... Đông". Người ta đoán đó là tên của anh, còn hỏi gì cũng không nói được.

Tối, Đông ngủ lại ở chợ, ai cho gì ăn nấy, cũng không biết mở miệng xin ai cái gì.

Khi biết chuyện, ông Phạm Nam - một người dân trong xóm tìm đến, kéo chàng trai điên điên dại dại ấy về nhà tắm rửa, cho ăn rồi mua cho mấy bộ quần áo mới.

Năm đó, anh Phạm Hồng Thái (con trai ông Nam) từ trường học trở về, lần đầu tiên chạm mặt anh Đông và gắn bó với nhau cho đến tận bây giờ.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 2.

Ông Thái vẫn nhớ lúc đưa Đông về nhà nuôi. Mới được hai ngày, chàng trai nổi cơn khiến cả nhà tháo chạy, chờ anh nguôi ngoai mới dám trở về.

"Lần đó, ảnh muốn nói gì đó nhưng cả nhà tôi không hiểu được. Mọi người đùa với ảnh, thấy anh cười, ai cũng cười phá lên, lập tức anh ấy đuổi đánh. Từ đó, ảnh nói gì mọi người cũng ừ ờ, chẳng dám cười hay to tiếng", ông Thái kể.

Thời gian trôi đi, Đông lúc tỉnh táo nhất chỉ nói được nhà mình ở đâu đó, Quảng Nam hoặc Đà Nẵng. Cũng nhiều lần anh Thái cố gắng tìm kiếm cội nguồn cho thành viên mới của gia đình nhưng bất lực.

Thời điểm ấy, mọi thông tin quá khó khăn, anh Thái thôi những chuyến đi tìm, chuyên tâm thay cha chăm sóc người anh mới đến nhà.

Sống là phải có tên, anh Thái dựa vào từ Đông thường được nói ấy để đặt tên cho người anh nuôi và lấy họ của mình làm họ cho anh. Cái tên Phạm Đông ra đời từ đó.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 3.
26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 4.

Năm 1994, anh Thái tốt nghiệp, về quê công tác tại Trạm Y tế xã Bình Châu. Cũng từ lúc này, anh Thái thay cha lo mọi chuyện từ ăn uống đến vệ sinh cho anh Đông.

Hai người trạc tuổi nhau, dù có vô thức cũng dễ tìm thấy sự đồng điệu hơn cả. Những lần Đông điên điên khùng khùng, chỉ có anh Thái mới làm nguôi ngoai nhanh nhất.

Yêu thương thật sự có sức mạnh lớn lao, bởi không biết đến bao lần hàng xóm mắng vốn khi Đông bất ngờ đến quậy phá, đánh người vô cớ.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 5.

"Ảnh đâu biết gì, mình bỏ ảnh thì khác gì kẻ độc ác. Ai cũng muốn mình tỉnh táo, nếu mình hiểu điều đó thì sẽ yêu thương ảnh nhiều hơn", ông Thái chia sẻ. Có lẽ điều giản đơn ấy là sức mạnh đủ đầy cho sự ràng buộc ấy.

Phải chạy chữa cho người anh không máu mủ ruột rà cũng là nhiệm vụ ông Thái đặt ra cho mình.

Vốn học ngành y, ông Thái đủ hiểu biết để theo dõi tâm lý mỗi ngày của ông Đông. Việc kiểm soát thần trí tạm thời ổn định ở ba năm đầu tiên, ông Đông trở nên hiền lành và ít khi lên lơn.

Gia đình ông Thái đã rất vui mừng, đó như sự khởi đầu tốt đẹp và những dự tính đi tìm máu mủ cho ông Đông trỗi dậy nhiều hơn.

Nhưng nỗi thất vọng lại tràn về. Năm 1998, bệnh tình ông Đông bất ngờ trở nặng, các cuộc nổi loạn nhiều và trầm trọng thêm. Hành vi không còn dễ kiểm soát.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 6.

Bác sĩ Thái chăm sóc người bệnh tại Trạm Y tế xã - Ảnh: T.T

"Năm ấy, anh Đông đập nát nhiều vật dụng trong nhà, thậm chí đánh cha tôi gãy tay. Đỉnh điểm để đi đến quyết định không tiếp tục cưu mang. Nhưng khi cơn điên nguôi đi, nhìn ảnh hì hục ăn, nhìn ánh mắt ngơ ngác nhìn mọi người... cả nhà không ai đành lòng bỏ", ông Thái kể.

Tình người lâu dần thành tình thân, thay vì "đuổi đi", ông Thái bắt đầu tìm hiểu rõ hơn về bệnh tình của người anh nuôi.

Bác sĩ chuyên khoa được mời đến nhà bắt bệnh, những toa thuốc được kê nhiều hơn, bệnh tình ông Đông sau đó cũng chuyển biến rõ rệt.

Nhưng cũng bất ngờ, ông Đông cự tuyệt uống thuốc, dỗ mấy cũng không được. Ông Thái lại phải nghĩ ra cách trộn thuốc và cơm, nước dừa... cho uống.

"Có lần ảnh phát hiện tôi trộn thuốc vào cơm nên đuổi đánh làm tôi chạy thục mạng", bác sĩ Thái cười hiền.

Khốn khổ là vậy, nhưng gia đình chưa bao giờ lo lắng bằng một buổi sáng năm 2016. Ông Đông bất ngờ than đau ở bụng, cả nhà tá hỏa đưa đi bệnh viện. Kiểm tra mới hay ông bị thủng dạ dày.

Từ ca phẫu thuật cho đến chăm sóc ông Thái đều có mặt bên ông Đông. Mọi công việc phải gác lại trong khoảng thời gian ấy, và đó cũng là lần ông Thái nhận ra thà ông Đông điên khùng quậy phá ông còn... vui hơn.

"Lúc đó nhìn anh thương lắm. Bình thường anh ăn hơn lon gạo không đủ no, vậy mà đau xuống, đến muỗng cháo cũng khó nuốt. Tôi phải nói chuyện tào lao cho anh quên cơn đau để ăn", ông Thái chia sẻ.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 7.
26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 8.

Sống trên đời phải biết mình từ đâu đến, điều thiêng liêng tìm cội nguồn cho anh trai chưa khi nào nguôi đi theo tháng năm. Ông Thái vẫn trăn trở với điều ấy.

Cuối năm 2018, trong một lần hai anh em trò chuyện, ông Đông bất ngờ nói đến hai cái tên Võ Hữu Lân, Võ Hữu Thứ. Và ông Thái vội vàng ghi lại.

Trong trái tim người bác sĩ ấy, hai cái tên như chiếc chìa khóa mở ra bí mật được giấu kín suốt 26 năm ròng rã.

"Đó có lẽ là lần tỉnh táo hiếm hoi trong đời anh trai tôi", ông Thái tâm sự.

Tối 20-2 vừa qua, ông Thái kể câu chuyện của anh trai mình trên facebook cá nhân. Mong muốn tìm lại cội nguồn cho ông Đông nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người. Ai đó đã mang câu chuyện chia sẻ lên trang facebook "Tôi yêu Đà Nẵng".

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 9.

Cội nguồn mở ra...

Lời hẹn sáng hôm sau gia đình ông Đông sẽ vào nhận con cháu khiến giấc ngủ ông Thái chập chờn. Ông đã chờ đợi giây phút ấy quá lâu trong đời mình.

Ngày 21-2, xã biển Bình Châu xôn xao khi người đàn ông khùng điên chuyên quậy phá lại nở nụ cười khi gặp người thân của mình. Máu mủ là sợi dây liên kết không điều gì ngăn cản được.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Lê, mợ ông Đông, nghẹn ngào: "Tôi cũng thật không ngờ, Đông điên khùng nhưng vẫn nhận ra tôi và mọi người".

Trong buổi gặp như chuyện như cổ tích ấy, ông Thái và gia đình mình cố gắng xua đi những giọt nước mắt. Ông muốn mọi người phải cười vui bởi đây là cuộc đoàn tụ.

Ông Nguyễn Văn Bình, anh trai ông Đông, nắm chặt đôi bàn tay ông Thái. Lời cảm ơn không đủ để nói hết sự biết ơn...

Ông Bình kể em trai bị bệnh từ năm 12 tuổi, năm 25 tuổi bỗng bỏ nhà đi, rồi biệt tăm. Hơn 10 năm gia đình đi khắp nơi nơi tìm kiếm nhưng không có kết quả. Ai cũng nghĩ ông Đông đã chết, ở nhà trên bàn thờ đã đặt di ảnh ông.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 11.

"Nào ngờ 26 năm sau gặp lại em trai lành lặn khỏe mạnh thế này. Gia đình tôi biết ơn sự cưu mang chăm sóc của gia đình ông Thái. Chẳng biết lấy gì để cảm tạ ơn đức lớn lao này", ông Bình nói.

Phút giây nghẹn ngào cũng trôi qua, ông Thái phải để người anh đặc biệt trở về với cội nguồn. Trước khi tiễn ông Đông, ông Thái không quên dặn dò gia đình cho "anh của mình" uống thuốc.

Có nằm mơ, ông Thái cũng không nghĩ đến cuộc đoàn tụ của hôm nay. 26 năm, thời gian đủ dài để xóa đi tất cả. Gia đình ông Thái cũng đã chuẩn bị nơi ăn chốn ngủ cho ông Đông đến cuối đời, nhưng hôm nay tất cả phải xếp lại để chào đón một cuộc sống mới cho ông.

"Tôi buồn vì từ nay bữa ăn không còn anh trai nữa, nhưng vui bởi tìm máu mủ cho anh Đông là mong muốn cả đời của tôi và gia đình", ông Thái tâm sự.

26 năm cưu mang tìm kiếm cội nguồn cho một người điên - Ảnh 12.

TRẦN MAI
T.T
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên