04/08/2023 11:32 GMT+7

30 năm Mùa hè xanh - hành trình khát khao cống hiến - Kỳ 1: Những ngày đầu sinh viên tình nguyện

Lấy năm 1994 khởi đầu chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè thì đến nay phong trào tình nguyện hè tuổi trẻ TP.HCM đã ngót nghét ba thập niên. Thật khó đong đếm hết những phần việc, công trình ý nghĩa ra đời từ đây.

Các chương trình Sinh hoạt hè, tiền thân chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè chỉ bắt đầu với 35 sinh viên tham gia - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại

Các chương trình Sinh hoạt hè, tiền thân chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè chỉ bắt đầu với 35 sinh viên tham gia - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại

Chỉ biết rằng sau ngần ấy năm, các chương trình, chiến dịch tình nguyện vẫn như thuở đầu đầy hăng hái sức trẻ và khát khao cống hiến...

Chứng kiến cảnh hàng ngàn sinh viên hăng hái tham gia chiến dịch Mùa hè xanh khiến ông Huỳnh Công Ba (nguyên trưởng phòng công tác chính trị và học sinh, sinh viên - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) không khỏi xúc động. Thời gian đầu, chương trình công tác hè khởi nguồn cho các chiến dịch tình nguyện của TP.HCM chỉ bắt đầu vỏn vẹn với 35 con người "gieo hạt" trong gian khó.

Chuyến "công tác hè"

Ông Nguyễn Phú Bình (đã mất tháng 3-2013) và ông Huỳnh Công Ba là "cặp bài trùng" vẫn được nhắc nhiều mỗi dịp kể về phong trào tình nguyện của bao lứa thanh niên TP.HCM. Đơn giản vì họ là người vạch ý tưởng, xây nên những viên gạch nền móng cho chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè và sau này là chiến dịch Mùa hè xanh đầy ý nghĩa.

Tình cờ gặp ông Ba ngay sân Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nơi khai sinh chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, đúng hôm Đoàn trường này tổ chức lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh. Ở chiến dịch lần thứ 30 năm nay của trường này có hơn 700 sinh viên tình nguyện tham gia, chia thành 15 đội hình chuyên trách. Mừng vui và đầy tự hào, đó là các cung bậc cảm xúc của ông Ba...

Ký ức những năm tháng đầu ùa về trong ông Ba. Giai đoạn 1986 - 1987, "cặp bài trùng" Nguyễn Phú Bình và Huỳnh Công Ba tổ chức một chương trình cho sinh viên trường, đặt tên là công tác thực hành chính trị - xã hội. Các thế hệ sinh viên trường vẫn quen gọi là "công tác hè". Khi đó, sinh viên tham gia sẽ nghỉ học 1 tuần, đi về khu Sông Bé (nay Bình Phước) lao động, trồng cây.

Sau năm 1990, ông Ba là trưởng ban công tác thực hành chính trị - xã hội (Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM), đề xướng chương trình công tác hè theo hướng mới, gắn với chuyên ngành sư phạm là thế mạnh của sinh viên trường mình. Ngày ra quân, toàn đội hình chỉ vỏn vẹn 35 sinh viên cùng nồi niêu xoong chảo, củi, than. Trên chiếc xe buýt cũ, toàn đội xuôi quốc lộ 22 chia về ba xã (Tân Thông Hội, Tân An Hội và Phước Thạnh, thị trấn Củ Chi) với một mục tiêu: xóa mù chữ.

Nghĩ thì dễ nhưng hồi đó dựng các lớp học xóa mù chữ trong thiếu thốn đủ đường, con chữ không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân thì mọi chuyện lại không hề đơn giản.

Những ngày đầu mới về các xã, cả nhóm tỏa đến từng nhà vận động bà con xuống lớp. Bất ngờ sau cả buổi trời vận động, ai cũng ra về với vẻ mặt ngơ ngác rằng "đột nhiên ai cũng biết chữ". Nhiều người sau này mới dám giãi bày phần họ ngại vì tuổi tác đã lớn, phần vì sợ mọi người biết mình không biết chữ... Động lực để họ tham gia lớp học thì nhiều vô kể, nhưng thiết thực nhất vẫn là lý do đi học "biết chữ đặng còn hát karaoke".

"Dù vận động từ nhà tới ruộng, cam kết luôn nếu con bị ốm thì sẽ cử sinh viên về nhà chăm để họ được đến lớp nhưng thời gian đầu ít người học lắm. Dĩ nhiên chúng tôi vẫn không bỏ cuộc, có nhiêu dạy nhiêu, từ đó người dân thấy mình thiệt bụng nên mới đi đông", ông Ba kể.

Những buổi học của lớp xóa mùa chữ ngày ấy - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại

Những buổi học của lớp xóa mùa chữ ngày ấy - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại

Những lớp học dưới ánh đèn dầu

Tuy nhiên, chuyện người dân không tham gia lớp học xóa mù chữ chưa hẳn là khó khăn cuối của chương trình công tác hè thuở đầu. Thời đó, để thực hiện được chương trình thì nhóm ông Ba phải tự chuẩn bị kinh phí cho các khoản học bổng tặng học sinh nghèo, sách vở cho người học, tạo điểm trường rồi cả nơi ở, chi phí, đồ ăn thức uống cho toàn đoàn...

Các lớp xóa mù chữ thường chỉ buổi tối, vì ban ngày người dân còn phải đi làm. Do chưa có điện, nên phải học bằng đèn dầu. Để có quỹ học bổng cho học sinh nghèo, ông Ba cùng các sinh viên đội công tác xã hội trường tổ chức bưng thùng lạc quyên, tìm đến các tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), trung tâm Anh ngữ tìm giúp đỡ.

Dần dần, các buổi học xóa mù chữ xen kẽ cùng chương trình sinh hoạt hè, sinh hoạt thiếu nhi đã gây được cảm tình dân địa phương. Hình ảnh người dân bịn rịn níu tay thành viên đoàn, thủ thỉ "năm sau về tiếp" là rõ ràng nhất cho sự thành công của công tác hè.

Từ ba xã, công tác hè năm 1991 (lần hai) được nhân rộng ra sáu xã. Khi bước sang năm thứ ba đã phủ khắp 21 xã toàn thị trấn Củ Chi. Uy tín công tác hè vang xa, từ đó mà mọi khó khăn trước đó cũng dần được hóa giải. Nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm chung vai góp sức mà ông Ba và các sinh viên nhẹ gánh hơn trong việc chuẩn bị kinh phí, học bổng. Các tiểu thương chợ An Đông cũng hỗ trợ, bán ba lô làm học bổng tặng trẻ em nghèo với giá rất hữu nghị. Nơi ăn chốn ở của cả đội cũng không là nỗi bận tâm nữa vì chỉ cần sinh viên bước xuống xe, sẽ được người dân chờ đón về nhà để "cùng ăn, cùng ở, cùng làm".

Sau ba lần tổ chức công tác hè, ông Nguyễn Phú Bình khi ấy chuyển công tác về Thành Đoàn TP.HCM, từ đó đề xuất nhân rộng hoạt động này cho sinh viên toàn thành phố tham gia. Ông Ba chỉ biết chương trình công tác hè do ông và người đồng sự "gieo hạt" được Thành Đoàn TP.HCM chính thức đổi tên mới thành chiến dịch "Ánh sáng văn hóa hè".

Sinh viên Trương Thị Thùy Trâm (ĐHSP TP.HCM) xóa mù chữ cho thanh niên tại khu phố 5, xã An Lạc, huyện Bình Chánh trong chiến dịch Ánh sáng Văn hóa hè 1994 - Ảnh: T.T.D.

Sinh viên Trương Thị Thùy Trâm (ĐHSP TP.HCM) xóa mù chữ cho thanh niên tại khu phố 5, xã An Lạc, huyện Bình Chánh trong chiến dịch Ánh sáng Văn hóa hè 1994 - Ảnh: T.T.D.

Một ngày đầu tháng 7-1994, hơn 700 sinh viên nhiều trường đại học, cao đẳng trên toàn TP.HCM hồ hởi tham gia lễ ra quân mùa đầu tiên của chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè. Trong gần 3 tháng, chiến dịch đã xóa mù chữ cho 483 người ở mức 1 và 504 người ở mức 2.

Cái tên "Ánh sáng văn hóa hè" được ông Ba lý giải rằng việc tham gia các lớp học, nhiều người biết chữ, từ đó mở ra ánh sáng mới, văn hóa mới... Trong khi lớp, học này chỉ được dựng lên khi vào hè, vì thế đặt tên Ánh sáng văn hóa hè.

Từ Bình Chánh, chiến dịch mở rộng địa bàn đến tất cả các huyện ngoại thành TP.HCM, thậm chí lan sang huyện Đông Phú, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước). Qua 3 mùa chiến dịch đã có 5.780 người được xóa mù chữ đạt mức 1 và 15.132 người được xóa mù chữ mức 2. Cũng vào cuối 1996, TP.HCM đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Xem như nhiệm vụ chính của chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đã hoàn thành.

Cùng lúc đó, ông Ba nhận ra con chữ đã "bình dân", người dân không còn "mù" nữa nên việc xóa mù chữ không còn phù hợp để trở thành mục tiêu nhất nhất cho chiến dịch. Thời điểm đó, người dân cần nhiều hơn ngoài con chữ, đó phải là thuốc men, thăm khám y tế, cầu đường, kiến thức nông lâm ngư, kế hoạch sinh đẻ...

"Từ đó tôi mới đứng ra kêu gọi các trường, từ luật, kinh tế, nông lâm, bách khoa, y dược cùng sư phạm thực hiện một chiến dịch lớn hơn. Ai mạnh gì thì làm công tác đó, nông lâm thì chỉ bà con cách trồng cây, y dược thì khám phát thuốc, bách khoa thì xây cầu, làm đường", ông Ba kể.

Hành trình Mùa hè xanh

Hè 1997, khi nhiệm vụ chính là xóa mù chữ mà chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đảm nhiệm được xem là đã hoàn thành, Ban thường vụ Thành Đoàn TP.HCM quyết định đẩy mạnh phong trào tình nguyện trong sinh viên học sinh TP lên bước cao hơn. Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè chuyển đổi phương thức, nội dung, cách vận động hoàn toàn khác trước, rồi được đổi tên thành chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh.

Đến năm 2000, địa bàn chiến dịch mở rộng đến tỉnh Bến Tre, Trà Vinh cũng là lúc Trung ương Đoàn chính thức chọn mô hình TP.HCM phát động ra cả nước.

-----------------------

"Má về, má Lạc về"... tiếng gọi vui của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở II TP.HCM vang lên khi ánh đèn xe của bà Lạc rọi tới cổng.

Kỳ tới: Những má, ba có cả trăm người con

Tình nguyện hôm nay, nghĩ về xã đảo thanh niên ngày maiTình nguyện hôm nay, nghĩ về xã đảo thanh niên ngày mai

Lần đầu tiên xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) được chọn làm mặt trận biển đảo cấp thành tập trung nhiều nguồn lực và hoạt động trong chiến dịch tình nguyện hè TP.HCM 2023 với mục tiêu xây dựng xã đảo thanh niên trong tương lai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên