26/07/2023 09:47 GMT+7

355 tỉ đồng chi sai: Nhà đầu tư phải trả cho ngân sách

Nhiều năm nay, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) hoàn trả ngân sách 355 tỉ đồng chi sai theo kết luận của kiểm toán, trong khi nhà đầu tư nói đợi họ "đòi lại" được số tiền đã chi sai trên.

Đường dẫn cầu Phú Mỹ kết nối với nút giao Mỹ Thủy và đường vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đường dẫn cầu Phú Mỹ kết nối với nút giao Mỹ Thủy và đường vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuy nhiên một số đơn vị, trong đó có Ngân hàng Sacombank, cho rằng số tiền 198 tỉ đồng mà PMC đề nghị hoàn trả là không có căn cứ. Vậy pháp lý trong vụ việc này thế nào?

Nhà đầu tư phải trả cho ngân sách 355 tỉ đồng

Trước những ý kiến khác nhau của PMC (nhà đầu tư) và Ngân hàng Sacombank, luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng nhà đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách số tiền 355 tỉ đồng thanh toán sai theo kết luận kiểm toán.

Bởi lẽ, theo quy định Luật Kiểm toán nhà nước, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kết luận kiểm toán gắn với quyết định cơ quan thẩm quyền được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Nếu công ty không thực hiện sẽ bị các chế tài liên quan theo quy định.

Như vậy, việc nhà đầu tư viện dẫn lý do số tiền thanh toán sai đó đã chi trả cho ngân hàng và các nhà thầu khác để thoái thác, chậm hoặc không thực hiện việc hoàn trả ngân sách là hoàn toàn không có cơ sở.

"Việc nhà đầu tư đã thanh toán cho ngân hàng, nhà thầu... là việc cá nhân của nhà đầu tư. Đó không phải lý do hợp pháp để giải trừ trách nhiệm hoàn trả ngân sách của nhà đầu tư theo kết luận kiểm toán. Khi UBND TP có yêu cầu thì nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả ngay lập tức cho ngân sách", ông Hà Hải nói.

Còn việc nhà đầu tư đã chi thanh toán cho ngân hàng, nhà thầu, đối tác khác... được xem xét giải quyết trong quan hệ hợp tác, dân sự giữa các chủ thể này.

Theo luật sư Hà Hải, kết quả kiểm toán ngoài chỉ ra các sai phạm về tài chính để các đơn vị được kiểm toán khắc phục nhằm tránh thiệt hại cho ngân sách còn là cơ sở ban đầu để cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm tiếp theo của đơn vị được kiểm toán. Tùy vào mức độ, tính chất vi phạm pháp luật về tài chính, tài sản công mà cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm tương ứng.

"Trong trường hợp qua kiểm toán phát hiện vi phạm pháp luật về tài chính, tài sản công đến mức phải xử lý hình sự thì bên cạnh làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ dòng tiền 355 tỉ được chi, thanh quyết toán ra sao và thu hồi cho ngân sách. 

Ngân sách nhà nước sẽ luôn được ưu tiên để thu hồi, bảo đảm. Còn lại các nghĩa vụ tài chính, tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư và đối tác, ngân hàng, nhà thầu... sẽ được giải quyết theo các quy định pháp luật tương ứng".

Nếu nhà đầu tư muốn đòi lại tiền đã thanh toán từ ngân hàng, nhà thầu... họ phải giải quyết thông qua con đường tòa án hoặc trọng tài với nhau. Còn trách nhiệm hoàn trả ngân sách thì nhà đầu tư có nghĩa vụ thi hành ngay.
Luật sư Hà Hải (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM)

Ba năm "đòi tiền" chưa được

Vào năm 2013, dự án đường dẫn nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT trả bằng tiền đã được hoàn thành. Dự án do PMC thực hiện. Sau đó, TP.HCM đã quyết toán với tổng vốn 2.972 tỉ đồng và tiếp nhận bàn giao hạ tầng từ nhà đầu tư.

Tới năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận dự án có một số sai sót và yêu cầu phải nộp lại ngân sách số tiền 355,4 tỉ đồng chi sai. Đồng thời, thực hiện các thủ tục theo quy định với các khoản chi phí đầu tư chưa đủ căn cứ, cơ sở quyết toán với giá trị 646,5 tỉ đồng.

Sau khi có kiểm toán, các sở ngành của TP đã rà soát và liên tục đốc thúc nhà đầu tư nhanh chóng nộp tiền vào ngân sách. 

Suốt ba năm qua, chỉ riêng Sở Tài chính TP đã có 10 văn bản đốc thúc nộp tiền mà công ty chưa thực hiện đầy đủ. Do vậy, mới đây TP đã kiến nghị Kiểm toán Nhà nước khu vực IV xử phạt công ty này. 

Để đẩy nhanh tiến độ thu hồi, các sở ngành TP đang rà soát giấy phép đăng ký kinh doanh, các nguồn thu, các dự án (nếu có), trạm thu phí BOT do công ty này quản lý để có các biện pháp chế tài.

Trong khi đó theo PMC, trong 355 tỉ đồng mà Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thu hồi gồm có 198 tỉ đồng (một phần lãi vay trong quá trình xây dựng và lãi trả chậm) đã trả cho Ngân hàng Sacombank và 157 tỉ đồng trả cho các nhà thầu. 

Giữa tháng 7-2023, công ty đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước kiến nghị thu hồi 198 tỉ đồng từ Ngân hàng Sacombank (đơn vị cho vay vốn dự án đường dẫn).

Theo PMC, năm 2018 TP.HCM đã ký phụ lục hợp đồng xác nhận tổng mức đầu tư và giá trị hợp đồng BT dự án. Giá trị hợp đồng là 2.792 tỉ đồng, trong đó phần lãi vay trong thời gian xây dựng gần 594,5 tỉ đồng và lãi trả chậm là hơn 157 tỉ đồng. 

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị thu hồi và nộp lại ngân sách số tiền liên quan đến lãi vay của ngân hàng là 198 tỉ đồng, bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng 153 tỉ đồng, lãi trả chậm 44,9 tỉ đồng.

Đường dẫn cầu Phú Mỹ: TP.HCM đòi 355 tỉ, công ty nói đang đòi ngân hàng và nhà thầuĐường dẫn cầu Phú Mỹ: TP.HCM đòi 355 tỉ, công ty nói đang đòi ngân hàng và nhà thầu

Liên quan đến bài viết: '10 lần đòi 355 tỉ đồng không được, TP.HCM đề nghị phạt công ty làm đường nối cầu Phú Mỹ', nhà đầu tư đã có trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên