14/10/2023 10:03 GMT+7

45 năm trọn một chữ 'thương'

HÀ THANH
và 1 tác giả khác

45 năm trước, người ta kháo nhau 'cô này bị thế nào mới chịu lấy anh thương binh chứ?'. 45 năm trôi qua, bà Bích vẫn mỉm cười trọn vẹn một tình yêu chớm nở từ tình thương với người chồng cựu chiến binh, gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn.

Bà Bích bên ông Luân - mối tình vượt thời gian, nồng ấm sau gần nửa thế kỷ khiến điều dưỡng, y bác sĩ ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành ai cũng thán phục - Ảnh: HÀ QUÂN

Bà Bích bên ông Luân - mối tình vượt thời gian, nồng ấm sau gần nửa thế kỷ khiến điều dưỡng, y bác sĩ ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành ai cũng thán phục - Ảnh: HÀ QUÂN

Tôi cũng sống đàng hoàng với đời, tiền bạc không nhiều nhưng gia đình hạnh phúc, với tôi, như vậy là đủ.
Thương binh Lê Đức Luân

Trước khoảng thềm phòng an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh), bà Nguyễn Thị Bích (67 tuổi) đang nhặt bỏ những cọng rau vàng úa, chọn những cọng rau xanh mởn để nấu bữa trưa cho chồng. Cạnh bên là người bạn đời gắn bó suốt 45 năm qua - thương binh Lê Đức Luân (69 tuổi).

Mối tình vượt thời gian

Tuổi đôi mươi xung phong ra chiến trường chiến đấu và bị thương do trận bom năm 1972, hai năm sau, thương binh Lê Đức Luân được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) để an dưỡng.

Rời quê nhà Vĩnh Phúc, ông Luân gắn bó, ở trung tâm đến nay đã gần nửa đời người. Bị tổn thương cột sống không thể di chuyển, từ ngày đó, cuộc sống của ông Luân gắn chặt với xe lăn.

Khi trái gió trở trời, vết thương thể xác giày vò ông Luân, nhưng chẳng thể nào đau đớn hơn vết thương tinh thần. Thương cảm với những khó khăn của các anh bộ đội, nhiều người tự nguyện mang thêm từng nắm cơm, trái bắp tới trung tâm.

Cách trung tâm điều dưỡng không xa, tranh thủ thời gian rảnh, cô gái trẻ tên Bích lại theo chân mọi người men theo từng lối nhỏ từ làng Phủ (xã Ninh Xá, Thuận Thành) để thăm các thương binh.

Bà Bích bộc bạch, chiến tranh gian khổ ác liệt, biết bao thanh niên đã cống hiến, hy sinh thanh xuân tươi đẹp để giành lại bình yên cho đất nước. 

Ngày ngày đến thăm, chăm sóc các thương binh nặng, tình cảm chân thành với các anh trong trái tim cô gái trẻ làng Phủ càng nhân lên.

Bấy giờ chiến tranh đâu đâu cũng khó khăn, sáng ra có chút bắp, bà lại nấu lên trộn với cơm cho các anh thương binh ăn sáng. Thỉnh thoảng có chút hạt đậu xanh hay củ mì, củ lạc mót được ngoài đồng ruộng, bà lại mang đến cho các anh đổi món.

Đến chơi tình cờ quen biết anh thương binh tên Luân, chẳng hiểu sao cô thôn nữ này lại rung rinh trái tim, thương anh. Mới ngoài tuổi đôi mươi, xinh xắn, hiền lành, cô thôn nữ Bích được bao chàng trai trong làng ngoài huyện để ý, có anh sinh viên đại học rồi anh kỹ sư đến tận nhà hỏi cưới nhưng cô đều lắc đầu, chỉ gật đầu với anh thương binh kia.

Ưu điểm là cả hai nói chuyện rất hợp nhau. Trong gia đình bà Bích cũng có anh trai đang tham gia chiến đấu trên chiến trường, do đó bà dễ đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn, đau đớn mà ông đang phải chịu cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thương nhất là những lúc vết thương của ông tái phát. Bệnh tật từ vết thương cột sống năm xưa ở chiến trường khiến ông đau đớn hằng đêm. Bà Bích nhớ một lần chồng ngã sõng soài trong nhà vệ sinh ở bệnh viện, không một tiếng kêu than, bà thắt cả ruột gan lại. "Khi ấy, lòng mình càng thương anh nhiều hơn" - bà Bích xúc động.

Lúc ấy người ta kháo nhau: Hay cô này bị thế nào mới lấy thương binh, chứ người bình thường ai lại lựa chọn như vậy? Biết bao nhiêu người hỏi cưới mà tôi không chịu, chỉ chịu mỗi ông ấy thôi. Duyên số đến thôi.
Bà Nguyễn Thị Bích

Bằng lòng với hạnh phúc mình có

Suốt 45 năm qua, bà Bích trở thành "đôi chân thứ hai" của ông; là người vợ, người bạn tri kỷ cùng chồng vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Từ nỗi đau thể xác tới nỗi đau về tinh thần, bà là người thấu rõ tất cả. Chính tình yêu thương của người vợ đã tiếp thêm năng lượng tích cực để ông Luân dần lấy lại tinh thần.

Trở về từ chiến trường, dù mang thương tật vĩnh viễn, ông Luân nhận thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều anh em, đồng đội đã nằm lại trên chiến trường. Vì vậy, ông quyết phải sống, sống xứng đáng để "tàn nhưng không phế".

"Mình còn trẻ, nếu giờ buông xuôi, mất đi thì còn quá sớm. Thế là tôi tự nhủ lòng mình, nghĩ đến những ngày tháng tươi đẹp có vợ ở bên, tôi lại có động lực cố gắng" - người thương binh già giãi bày.

Suốt mấy mươi năm qua, đôi vợ chồng cứ bảo nhau mà sống, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Tình cảm cứ lớn dần trong hai ông bà như cây con trong vườn. Đến khi có một mụn con, dù nằm trên xe lăn, ông Luân cũng phụ giúp bà trông coi con.

Nhìn đứa trẻ tinh nghịch vui đùa trước khoảng sân nhỏ, ông chỉ mong một ngày nào đó có thể đứng lên bồng bế con như bao người cha khác.

"Tôi không thể đứng dậy, không thể bước đi nhưng tôi vẫn có thể chia sẻ, lắng nghe, động viên vợ vượt qua khó khăn và rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn", ông Luân thủ thỉ.

Đến nay, sau bao thăng trầm, vợ chồng ông bà Luân Bích đã có với nhau bốn người con, ai nấy đều khỏe mạnh, học giỏi, có công ăn việc làm ổn định.

Gia đình nhỏ lớn dần, đón thêm chín đứa cháu hai bên nội ngoại.

Còn với bà Bích, hạnh phúc chính là bằng lòng với những gì mình có. Cũng nhờ mối lương duyên tốt lành ông trời ban cho, ông bà luôn có nhau, bầu bạn sớm hôm. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tạm bằng lòng với hiện tại, phấn đấu về tương lai phía trước, như thế mới là hạnh phúc!

Khi ta già đi, tình yêu ở trong hình hài khácKhi ta già đi, tình yêu ở trong hình hài khác

Từ lúc nào không biết ta thương cho tuổi trung niên, cái tuổi gánh cả hai đầu: con đang lớn, mẹ cha đang 'bé' lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên