06/02/2018 17:28 GMT+7

6,38 tỉ USD vốn ngoại vô TP.HCM chủ yếu mua cổ phần doanh nghiệp

N.BÌNH - D.N.HÀ
N.BÌNH - D.N.HÀ

TTO - Trong số 6,38 tỉ USD vốn ngoại đổ vào TP.HCM năm 2017, phân nửa là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước.

6,38 tỉ USD vốn ngoại vô TP.HCM chủ yếu mua cổ phần doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp - Ảnh: N.BÌNH

Phân tích con số này tại buổi làm, duyệt các nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM năm 2018, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở, cho biết đây là xu hướng rõ trong năm qua và hiện cơ quan này đang xem xét và nghiên cứu để có những chính sách điều chỉnh kịp thời. 

Tính đến nay, tại TP.HCM có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 45 tỉ USD.

Riêng trong năm 2017, tổng vốn thu hút qua hình thức đầu tư mới, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp doanh nghiệp trong nước ở TP.HCM đã đạt 6,38 tỉ USD, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. 

Trong số đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 803 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,34 tỉ USD, 194 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 962,63 triệu USD.

Đáng chú ý, thành phố cũng chấp thuận cho 2.276 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với tổng số vốn đăng ký 3,68 tỉ USD.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nguồn vốn FDI này, TP.HCM đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Sử Ngọc Anh, đóng góp của vốn FDI vào tăng trưởng của kinh tế TP.HCM là rất lớn, nhưng sự lớn mạnh của khối này thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập cũng để lại nhiều lưu ý, đặc biệt trong một số lĩnh vực như bán lẻ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng vốn FDI vào TP.HCM cho thấy các chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố đã phát huy hiệu quả. 

Tuy nhiên, ông Phong vẫn yêu cầu các sở, ban ngành nghiên cứu thêm vai trò, chính sách nào đã tạo được sự hấp dẫn của thành phố với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phong cũng cho rằng câu chuyện hơn một nửa vốn FDI đi qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A) không chỉ là vấn đề vốn góp mà còn là kiểm soát, mua bán doanh nghiệp, cần phải nghiên cứu những ngành nghề nào đang diễn ra sôi động để có bám sát, điều chỉnh kịp thời.

"Trong thu hút FDI, TP.HCM chủ trương những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, hạn chế ngành tham dụng lao động. Sắp tới Khu công nghiệp của thành phố sẽ mở rộng thêm 1.000ha, chúng ta phải tính toán, tùy theo cơ cấu ngành nghề mà thu hút", ông Phong lưu ý.

N.BÌNH - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên