27/11/2018 16:43 GMT+7

69% gói thầu qua chỉ định thầu, nhiều 'thông thầu, quân xanh, quân đỏ'

N.AN
N.AN

TTO - Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình đấu thầu năm 2017; với 221.469 gói thầu, nhưng 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69% với 72.600 tỉ. Báo cáo nhấn mạnh: vẫn còn nhiều sai phạm.

69% gói thầu qua chỉ định thầu, nhiều thông thầu, quân xanh, quân đỏ - Ảnh 1.

Một dự án của TPHCM xin được làm theo hình thức chỉ định thầu - Ảnh: Tư liệu Tuổi trẻ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi Thủ tướng về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017 nhấn mạnh vẫn còn nhiều sai phạm, buông lỏng quản lý nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả.

Theo đó, giá trị tiết kiệm qua hình thức này chỉ đạt 1.900 tỉ đồng.

Qua công tác thanh tra hoạt động đấu thầu, cơ quan này phát hiện nhiều vấn đề, trong đó có 70 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu.

Tiêu cực đấu thầu vẫn "diễn biến phức tạp"

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017 có 102 cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, song chỉ có 18 quyết định xử lý vi phạm và nhiều phản ánh của nhà thầu về việc xử lý chậm trễ, không đúng quy định.

Những hành vi tiêu cực, vi phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều nơi diễn biến phức tạp.

Đó là tình trạng chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rộng rãi. Tổng hợp các nội dung công việc khác nhau về tính chất kỹ thuật vào một gói thầu để định hướng tới một hoặc một số nhà thầu nhất định.

Cản trở việc mua và nộp hồ sơ dự thầu của nhà thầu như dùng nhiều lý do để hạn chế hồ sơ mời thầu; cướp, hủy hoại hồ sơ dự thầu; địa điểm phát hành hồ sơ không rõ ràng, không theo thông báo mời thầu...

Các hành vi cản trở cuộc thầu như cố tỉnh bỏ thầu giá thấp, kiến nghị liên tục, không xác đáng đến các cấp tạo áp lực cho chủ đầu tư, bên mời thầu, gây cản trở, kéo dài thời gian trong đấu thầu.

Ngoài ra là đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu. Quá trình đánh giá hồ sơ còn mang tính chủ quan, không minh bạch để loại nhà thầu vì sai sót không nghiêm trọng...

Đặc biệt là hành vi "thông thầu", "quân xanh", "quân đỏ" dàn xếp giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với bên mời thầu như gửi hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chuẩn bị sơ sơ sài, không đầy đủ, không đủ năng lực tham gia dự thầu để trượt, giá dự thầu của các nhà thầu chênh lệch không đáng kể so với dự toán.

Trách nhiệm bộ, ngành địa phương chưa cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ một số địa phương thực hiện cuộc kiểm tra hoặc thực hiện khi có kiến nghị, khiếu nại về các vi phạm luật đấu thầu tại dự án.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp không thực hiện cuộc kiểm tra nào như Hải Phòng, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Hà Giang, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam...

Các cuộc kiểm tra chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, mang tính hình thức, không phát hiện được vi phạm hoặc có phát hiện nhưng xử lý không nghiêm.

Những hạn chế trên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do sự thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thêm vào đó là năng lực quản lý còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thống nhất trong chính sách của một số ngành, lĩnh vực về đấu thầu.

Bộ này kiến nghị cần tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định về đấu thầu, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thực hiện đấu thầu qua mạng theo đúng quy định. Đồng thời nâng cao, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công khai minh bạch thông tin dự án, tăng cường sự tiếp cận thông tin của nhà đầu tư...

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên