26/09/2023 11:20 GMT+7

7 người nộp gần 11 tỉ đồng trúng đấu giá biển số ô tô

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết đến nay đã có 7 người nộp tiền trúng đấu giá biển số ô tô, với số tiền gần 11 tỉ đồng.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin tại tọa đàm - Ảnh: DANH TRỌNG

Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin tại tọa đàm - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 26-9, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Một trường hợp hoàn thành thủ tục cấp biển số

Tại tọa đàm, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc đến nay có bao nhiêu người trúng đấu giá biển số ô tô đã nộp tiền, đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục Cảnh sát giao thông - cho biết đến nay việc đấu giá biển số xe ô tô đã diễn ra được 4 ngày.

Kết thúc 4 ngày đấu giá, tổng số biển đã đưa ra đấu giá là 95 biển. Tổng số tiền trúng đấu giá (dự thu) là hơn 133 tỉ đồng.

"Hiện tại đã có 7 người nộp tiền trúng đấu giá biển số ô tô với số tiền gần 11 tỉ đồng. Có một trường hợp ở Hải Phòng đã hoàn thành các thủ tục cấp biển số trúng đấu giá", đại tá Nhật nói.

Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc thì biển số được đấu giá lại

Ông Nhật thông tin thêm theo quy định của Luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, nghị quyết 73, nghị định 39 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ô tô, nếu trường hợp bỏ cọc thuộc trường hợp hủy đấu giá thì biển số đó sẽ được đưa lại để tiếp tục đấu giá. Đồng thời cá nhân bỏ cọc sẽ bị mất tiền cọc (40 triệu đồng).

Theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả. 

Số tiền được trừ số tiền đặt trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe.

Đồng thời người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá.

Không bắt buộc ô tô cá nhân lắp camera giám sát

Cũng tại tọa đàm, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát, dữ liệu được truyền về Cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước, "điều này không cần bàn luận".

Còn với ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình để tự bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông, không bắt buộc.

Trên thực tế đã có rất nhiều phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.

Với việc này, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác…

Những bằng chứng từ camera giám sát hành trình cũng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác.

Về dữ liệu thu thập được từ thiết bị giám sát hành trình, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay cơ quan chức năng sẽ không thu thập, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác…

Điều 33 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Đấu giá biển số xe: Thị trường điều chỉnh sau những màn trả giá chục tỉĐấu giá biển số xe: Thị trường điều chỉnh sau những màn trả giá chục tỉ

Ngày 21-9, Công ty đấu giá Hợp danh Việt Nam tiếp tục đưa 18 biển số đẹp lên sàn đấu giá. Sau sự bùng nổ của phiên đấu hôm 15-9, mức giá được trả cho các biển số trong phiên này có xu hướng điều chỉnh giảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên