16/06/2011 07:26 GMT+7

70% cao ốc mang tên nước ngoài

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Việc chọn tên nước ngoài đặt cho cao ốc, trung tâm thương mại, khu đô thị mới đang trở thành xu hướng khá phổ biến. Thậm chí tại một số khu vực, cao ốc mang tên nước ngoài gần như lấn át cao ốc tên Việt.

Read this on Tuoitrenews.vn

sH4wiUjJ.jpgPhóng to
Một khu căn hộ trên đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.Phú Nhuận, TP.HCM có tên nước ngoài - Ảnh: T.T.D.
nQddL1fy.jpgPhóng to
Tên nước ngoài tại tòa nhà cao ốc văn phòng trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Giám đốc một doanh nghiệp ước hơn phân nửa cao ốc, trung tâm thương mại đã bị “Tây hóa” trong chuyện đặt tên.

Tràn lan “sính” ngoại

Vừa qua khỏi dốc cầu Kênh Tẻ, (hướng từ quận 4 về huyện Nhà Bè, TP.HCM) sẽ gặp ngay khu đất rộng hàng ngàn mét vuông nằm phía bên trái đường Nguyễn Hữu Thọ (P.Tân Hưng, Q.7). Theo quy hoạch, tại đây là dự án chung cư cao tầng. Dự án ban đầu giới thiệu có tên là Royal Garden, nhưng nay đã thấy chủ đầu tư trưng bảng mới tên The Era Royal Plaza. Tên dự án đã “Tây”, những hình ảnh quảng cáo về căn hộ kèm theo cũng “Tây” không kém: type 2A, type 3A, type penthouse 2...

Chưa có quy định về đặt tên dự án

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện Bộ Xây dựng chưa có quy định nào liên quan đến việc đặt tên cho các dự án nhà ở, trung tâm thương mại... Do vậy quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án, sở không thể buộc chủ đầu tư các dự án phải dùng tiếng Việt.

Dù một số chủ đầu tư có thể hiện tên công trình khi xin phép xây dựng nhưng lâu nay sở chưa quan tâm lắm đến vấn đề này, thường sở chỉ xem xét chức năng của chủ đầu tư cũng như địa điểm xây dựng, quy mô công trình, công năng sử dụng... để cấp phép.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở Xây dựng TP cho rằng sắp tới cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc đặt tên công trình, công trình dạng nào được đặt tên nước ngoài, công trình nào cần phải đặt tên Việt và phải đăng ký tên dự án. Việc này nhằm tránh trường hợp có nhiều công trình cùng sử dụng một tên, sau đó phát sinh tranh chấp.

Cách đó không xa, ngay góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (Q.7), dự án chung cư cao trên 30 tầng đang mọc lên dọc đường Nguyễn Hữu Thọ mang tên Sunrise City. Dường như để chứng minh dự án đẳng cấp, tiện nghi..., các tấm bảng quảng cáo đặt dọc công trình cũng không quên giới thiệu hàng loạt chữ Tây: child care service, library, music room..., kèm theo đó là những hình ảnh minh họa.

Cũng trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, vừa qua dốc cầu Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè) là gặp ngay cụm chung cư cao hàng chục tầng đang trong giai đoạn hoàn tất. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH xây dựng-sản xuất-thương mại Tài Nguyên nhưng tên của dự án rất Tây: Kenton Residences.

Cách đó vài trăm mét là dự án Hoàng Anh Gold House của một chủ đầu tư khác. Phía bên kia đường Nguyễn Hữu Thọ là một dự án “Tây” khác với tên Dragon City...

Tại các tuyến đường thuộc khu trung tâm TP.HCM, người đi đường hoa cả mắt bởi “rừng” chữ ngoại dùng để đặt tên cho các cao ốc văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại hay cửa hàng.

Đường Lê Thánh Tôn chỉ một đoạn ngắn khoảng 100m từ Tôn Đức Thắng đến Thái Văn Lung có cả chục cao ốc mang tên ngoại: tại số 6 Lê Thánh Tôn là cao ốc Gemadept Tower, địa chỉ số 8 kế bên là The Nomad, ở số 20 của tuyến đường này là Saigon Sky Garden, tại số 22 là The Lancaster, tại khu đất số 24 chuẩn bị xây dựng một cao ốc có tên Saigon Plaza...

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Hai Bà Trưng cũng có hàng loạt cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng mang biển ngoại: Avalon ở địa chỉ 53, Sailing Tower tại số 51, Centec Tower nằm ở số 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai...

Không chỉ xuất hiện tại các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM, xu hướng cao ốc gắn tên ngoại cũng đang phát triển ở những dự án khu dân cư, chung cư tại các tỉnh thành khác như dự án IJC Aroma (Bình Dương), Five Star (Long An)...

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ước có khoảng 70% các dự án mới (xây dựng từ năm 2000 trở lại đây) mang tên ngoại.

Nhắm vào thị hiếu khách hàng

Giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc (mà công ty và dự án nhà ở của công ty đều mang tên ngoại) cho biết ban đầu công ty mang tên Việt và cũng định đặt tên Việt cho dự án. Nhưng thời gian triển khai dự án căn hộ cao cấp có tên ngoại rất “sốt” trên thị trường nên công ty quyết định đổi tên dự án để nhắm vào thị hiếu của khách hàng.

Mặt khác do thiết kế, tư vấn, giám sát dự án... đều do công ty nước ngoài thực hiện và khi gửi văn bản qua lại họ thường viết sai tên tiếng Việt của công ty nên công ty đã quyết định đổi sang tên nước ngoài cho tiện giao dịch.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng có hai nguyên nhân khiến nhà đầu tư chọn tên ngoại để đặt cho dự án của mình. Một là doanh nghiệp muốn tạo sự chú ý để thu hút khách hàng vì không ít người nghĩ rằng dự án có “mác” ngoại thiết kế hiện đại, chất lượng cao hơn sản phẩm mang “mác” nội. Hai là một số chủ đầu tư chưa đủ tự tin về thương hiệu, sản phẩm của công ty mình nên mượn tên ngoại đặt cho dự án. Trong khi đó phần lớn khách hàng mà các chủ đầu tư này nhắm đến là người Việt Nam.

“Đó thật ra là cảm giác ảo từ phía chủ đầu tư và khách hàng. Trong khi điều quan trọng là chất lượng sản phẩm và việc thực hiện đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết” - ông Châu nói.

Ông Nguyễn Xuân Châu, tổng giám đốc một công ty tư vấn đầu tư bất động sản, nhận định việc sử dụng tên ngoại đặt cho dự án là thủ thuật của các chủ đầu tư trong việc tiếp thị dự án. Đặt tên ngoại khiến nhiều chủ đầu tư cảm thấy tự tin là dự án mình được “nâng tầm” hơn và khách hàng cũng đánh giá cao hơn.

Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, dự án có “nâng tầm” hay không chưa rõ, trước mắt các chủ đầu tư bán giá sản phẩm cao và thu lợi nhiều hơn. Còn ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng thông thường những dự án có thiết kế, chất lượng tương đương nhau nhưng nếu gắn “mác” ngoại thì khách hàng nghĩ dự án đó cao cấp và sẵn sàng trả thêm vài trăm ngàn đồng cho mỗi mét vuông so với dự án mang tên nội.

Chứng minh bằng tên Việt

Ông Nguyễn Văn Đực cho biết nhiều dự án chung cư của ông đều mang tên Việt: Thái An 1, 2, 3... và mong muốn sản phẩm của công ty thuần Việt, do chính người Việt làm ra và cảm thấy tự tin về điều này khi giới thiệu với khách hàng. Đồng thời ông cũng muốn chứng minh với khách hàng sản phẩm tên Việt không thua kém sản phẩm mang “mác” ngoại.

Theo ông Đực, với người Việt, sản phẩm mang tên Việt sẽ ấn tượng, dễ đi vào lòng khách hàng hơn những sản phẩm đặt tên ngoại.

Ông Lê Hoàng Châu nói rằng lẽ ra các dự án nhà ở, khu thương mại... ở VN nên đặt tên Việt, phần tên tiếng nước ngoài nếu cần thiết chỉ ghi nhỏ hơn ở phía dưới để thuận tiện cho việc giao dịch với các đối tác nước ngoài. Nhưng thực tế không ít doanh nghiệp chọn tên ngoại để đặt cho dự án của mình, lấn át cả phần tiếng Việt. Đó là điều đáng buồn.

Cá nhân ông cảm thấy điều này làm giảm lòng tự trọng, tự hào của dân tộc. Quy định không cấm doanh nghiệp dùng tên ngoại đặt cho dự án của mình nhưng đây là ý thức của mỗi doanh nghiệp.

“Tiếng Việt rất phong phú nên vấn đề không phải ở tên ngoại, tên khác biệt thì dự án mới ấn tượng hơn, mà quan trọng ở cách chọn từ ngữ Việt cho phù hợp với sản phẩm” - ông Châu nói thêm.

Hà Nội: ở chung cư “ngoại” khó làm ăn

Từ vài năm nay, tại các khu đô thị mới ở Hà Nội mọc lên hàng trăm khu nhà chung cư cao tầng, trung tâm thương mại được gắn những cái tên rất “Tây” như Handi Resco Tower, Ha Noi Towers, Somerset Grand Ha Noi... Điều này khiến rất nhiều người dân, thậm chí với ngay cả chủ căn hộ ở những khu chung cư có tên Tây này gặp phải một số khó khăn trong các giao dịch làm ăn và trong đời sống sinh hoạt.

Truy cập một số trang web giao dịch, mua bán bất động sản, có thể dễ dàng nhận thấy mức độ Tây hóa mà một số chủ đầu tư đặt tên cho các công trình. Trên các trang nhadatban.batdongsan.com.vn, muabannhadat.com.vn, batdongsan24h.net..., những chủ đề rao bán căn hộ hoặc giới thiệu các dự án xây dựng chung cư có tên nước ngoài như Ngọc Khánh Plaza, Vincom Village, tổ hợp tòa nhà The Pride... xuất hiện với tần suất khá lớn.

Theo ghi nhận tại một đoạn đường dài chưa đầy 3km trên đường Phạm Hùng, gần chục khu chung cư, tổ hợp văn phòng đã đưa vào sử dụng hoặc đang được xây dựng gắn tên Tây như Sico Tower, Handico Tower, Apex Tower, Vimeco... Cách đường Phạm Hùng 1km, trên đại lộ Thăng Long là dự án chung cư Lafontana và ngay gần đó là khu The Manor.

Tại khu đô thị Bắc An Khánh cũng có hai dự án “sính” tên ngoại là Tricon Towers và Splendora. Tại địa chỉ 458-460 đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), một dự án thành phố sinh thái có tên rất “Tây” Eco City mới được đổi sang cái tên khác cũng “Tây” không kém là Times City.

Tương tự tại các khu đô thị Văn Quán, Văn Phú, Văn Khê (Hà Đông) cũng có hàng chục khu chung cư cao cấp được gắn mác “Tây”.

Anh Nguyễn Nam, một người môi giới bất động sản sống ở khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra, cho biết chính anh cũng gặp phải một số rắc rối trong kinh doanh vì địa chỉ nơi ở có tên sính “ngoại”.

“Thỉnh thoảng phải đọc đi đọc lại cho khách hàng nhiều lần thì họ mới nghe được chính xác địa chỉ nơi ở của tôi. Đôi khi trong các giao dịch, để dễ dàng cho khách hàng và thuận lợi trong công việc, tôi chỉ dùng mỗi địa chỉ thuần Việt là Nam Thăng Long thôi” - anh Nam nói.

Theo anh, có khá nhiều khách hàng rất thích tìm mua những căn hộ chung cư cao cấp gắn tên nước ngoài nhưng đôi khi có nhiều khách chẳng thể nhớ và đọc được chính xác tên khu nhà mà mình tìm mua.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên