02/02/2024 07:25 GMT+7

Ai không nên tắm lá mùi già ngày 30 Tết?

Cây rau mùi (ngò rí) có trong nhiều bài thuốc đông y và là nguyên liệu nấu nước tắm. Không chỉ ở Việt Nam, rau mùi còn được trồng tại nhiều nước ven Địa Trung Hải, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc với quy mô lớn lấy quả làm thuốc và chưng cất tinh dầu.

Cây mùi (ngò rí) già - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cây mùi (ngò rí) già - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết và rửa mặt vào sáng mùng một Tết là một tục lệ phổ biến, cũng là nét đẹp văn hóa được nhiều gia đình gìn giữ và duy trì đến ngày nay.

Tục lệ này mang ý nghĩa tinh thần, là cách tẩy trần, gột rửa, xua tan những chuyện không vui của năm cũ và cầu mong đón nhận nhiều điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Ngoài ý nghĩa này thì việc tắm lá mùi già cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi cho biết rau mùi có chứa hàm lượng lớn tinh dầu cùng với nhiều thành phần đa dạng như chất béo, chất protein, xenlulozo, chất không nitơ, axit béo omega 3 và omega 6, chất chống oxy hóa, các vitamin (vitamin A, B1, B2, C…) cùng rất nhiều thành phần khác.

Thành phần chính của tinh dầu là coriandrola chiếm 70-90%. Rau mùi được sử dụng cả rễ, thân và lá khi còn tươi. Theo đông y, đây là loại rau có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, lưu thông khí huyết, chống mệt mỏi, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe.

Do vậy, khi tắm lá mùi già, hương thơm của lá mùi nhẹ nhàng giúp cơ thể thư giãn, sảng khoái, xua tan mệt mỏi, phiền muộn và hỗ trợ chữa mất ngủ. Điều này rất có lợi cho những người hay bị chứng đau nhức nửa đầu, căng thẳng, suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm.

Hiện nay có các sản phẩm tinh dầu mùi già đã được chiết xuất từ hạt hoặc thân cây rau mùi để tiện lợi khi sử dụng. Tuy nhiên, lá rau mùi già có chứa thành phần aldehyde, có thể khiến một số người thấy khó chịu.

Hoặc những người bị bệnh về hô hấp như hen phế quản hay viêm phổi mãn tính, có thể bị kích ứng gây cảm giác khó thở. Do vậy, những người bệnh này cần hạn chế sử dụng hoặc phải pha loãng nồng độ khi tắm.

Mặt khác, khi tắm hoặc rửa mặt bằng nước cây mùi già không chỉ giúp làm sạch cơ thể mà còn có tác dụng làm đẹp da, chữa viêm da và trị mụn, do chúng có chứa hoạt chất oxy hóa giúp kháng viêm, kháng khuẩn tốt.

Trong một nghiên cứu trên Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ năm 2020, khi đánh giá thành phần hóa học, hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng sinh của tinh dầu rau mùi cho thấy chúng có khả năng ngăn chặn sự hình thành màng sinh học của một số chủng vi khuẩn có nhiều trên da như tụ cầu vàng, tụ cầu trắng, trực khuẩn mủ xanh… và có tác dụng kháng nấm đối với nấm Candida.

Mặt khác, trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam cho biết quả mùi có vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, thúc đậu sởi cho mọc, trị các nốt đen trên mặt…

Nhiều bài thuốc dân gian đã được áp dụng và mang lại hiệu quả trong chữa viêm da, nhất là mụn nhọt. Ví dụ như giã nát rau mùi, lấy khoảng một thìa cà phê nước cốt trộn với một chút bột nghệ. Rửa mặt sạch sẽ và bôi hỗn hợp này lên mặt trước khi đi ngủ sẽ giúp da mặt hồng hào, giảm mụn.

Tuy nhiên, trong lá mùi có chứa nhiều tinh dầu, trước khi sử dụng cần phải xem da có bị kích ứng với chúng hay không. Ngoài ra, khi da đang bị bong tróc hoặc nhiễm trùng thì không nên tắm lá mùi hoặc bất kể loại lá nào khác.

Khi trẻ em hay những người mắc bệnh sởi thì cũng không nên tắm lá mùi. Bởi lẽ việc tắm lá mùi có thể khiến bạn bị dị ứng thêm và chúng chỉ có hiệu quả khi sởi chưa mọc. Việc điều trị lúc này phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài những lợi ích trên thì rau mùi còn có nhiều tác dụng khác với sức khỏe như hỗ trợ giảm cholesterol, phòng tránh xơ vữa động mạch, bảo vệ tim mạch, chống đột quỵ; giúp ổn định đường máu, hỗ trợ điều trị các bệnh đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, cải thiện thị lực, chống lão hóa…

4 điều cấm kỵ khi ăn rau mùi kẻo tự 4 điều cấm kỵ khi ăn rau mùi kẻo tự 'rước độc' vào cơ thể

Bệnh nhân hen phế quản, viêm phổi mãn tính không nên ăn nhiều rau mùi vì có thể gặp phản ứng kích ứng, dị ứng đường thở, không tốt cho tình trạng bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên