18/11/2020 13:21 GMT+7

Ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường?

X.LONG - B.NGỌC
X.LONG - B.NGỌC

TTO - Hiện có ý kiến lo ngại về ‘lỗ hổng’ giám sát các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường khi không tổ chức HĐND cùng cấp. Song, theo nhiều chuyên gia, không thiếu cơ chế để giám sát, kiểm soát, vấn đề cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.

Ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường? - Ảnh 1.

Thủ tục hành chính sẽ đơn giản, nhanh gọn hơn khi tổ chức chính quyền đô thị - Ảnh: B.N.

Quốc hội đã ban hành các nghị quyết thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, và thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM từ 1-7-2021. Hiện có nhiều lo ngại về ‘lỗ hổng’ giám sát các cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường khi không tổ chức HĐND cùng cấp.

Không có HĐND cùng cấp, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều công cụ giám sát khác với chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường. Đó là đảng ủy các cấp, mặt trận tổ quốc, người dân, báo chí, cần thiết lập cơ chế giám sát phù hợp.

Không thiếu kênh giám sát

Ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường? - Ảnh 2.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh: B.N.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội, vì thế toàn bộ hoạt động nhà nước thuộc trách nhiệm giám sát của Đảng. Cơ quan Đảng phải đề cao vai trò giám sát, chịu trách nhiệm trước các hoạt động của nhà nước, điều này đã được ghi trong hiến pháp.

Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc các cấp cũng có chức năng giám sát, phản biện xã hội với toàn bộ hoạt động của nhà nước, của cán bộ, công chức. Chúng ta cũng có kênh giám sát trực tiếp từ nhân dân, cần phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Cuối cùng là sự giám sát của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Để thực hiện tốt chức năng giám sát hoạt động của cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường, cần có những thể chế, quy định cho phù hợp với quyết định mới để nâng cao hiệu quả giám sát.

Theo ông Phúc, trong hệ thống thể chế hiện nay không thiếu các cơ quan để kiểm soát, giám sát. Trong Đảng có cơ quan kiểm tra của Đảng các cấp, trong Chính phủ có cơ quan thanh tra các cấp, rồi Quốc hội có cơ quan kiểm toán. Các cơ quan này có trong hệ thống chính quyền từ trung ương đến cấp huyện.

HĐND TP.HCM sẽ giám sát chủ tịch quận

Ai sẽ giám sát chính quyền đô thị cấp quận, cấp phường? - Ảnh 3.

Ông Hoàng Thanh Tùng, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Quốc hội - Ảnh: B.N.

Ngày 18-11, ông Hoàng Thanh Tùng, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết ba nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đều quy định về cơ chế giám sát. 

Bình thường cơ quan hành pháp chịu sự giám sát của HĐND, phải báo cáo trước HĐND, chịu sự chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu HĐND ngang cấp. Với mô hình chính quyền đô thị, khi không còn HĐND ngang cấp ở quận, ở phường thì HĐND TP.HCM trực tiếp giám sát UBND cấp quận. 

Chủ tịch UBND cấp quận ngoài báo cáo với chủ tịch UBND TP.HCM, phải báo cáo trước HĐND TP.HCM, các đại biểu hội đồng sẽ chất vấn trực tiếp với lãnh đạo UBND cấp quận.

Theo định kỳ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo thành phố, HĐND TP.HCM cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch UBND quận như các chức danh khác được HĐND bầu ra. 

Đây là điểm mới trong giám sát hoạt động của chính quyền đô thị, nhưng điều này không áp dụng với TP Thủ Đức sẽ được lập ra trong thời gian tới. TP Thủ Đức cũng là đô thị trực thuộc TP.HCM nhưng sẽ chịu sự giám sát của cơ quan dân cử cùng cấp.

Về cơ chế kiểm tra, lãnh đạo UBND các quận do lãnh đạo thành phố bổ nhiệm nên chịu sự kiểm tra của UBND TP.HCM, trường hợp cần sẽ đưa ra các hình thức xử lý phù hợp.

Hiện TP.HCM cũng có cơ chế đối thoại, khi hoạt động cơ quan hành chính cấp quận có vấn đề, người dân kiến nghị về các bất cập trong hoạt động của các cơ quan hành chính thì HĐND sẽ yêu cầu lãnh đạo quận giải trình, các ban trực thuộc HĐND cũng có quyền yêu cầu chủ tịch quận giải trình về các vấn đề đại biểu hội đồng, người dân, dư luận quan tâm.

Hơn nữa, sau 3 năm tổ chức chính quyền đô thị, theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thực hiện, để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

‘Bảo đảm quyền được bầu, bãi nhiệm của người dân’

Hiến pháp đã hiến định quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân chứ không phải Quốc hội hay HĐND các cấp, vì thế cần tạo lập một thể chế phù hợp với quyền đó, thiếu thì phải lập thêm, chưa có thì phải xây dựng để người dân thể hiện quyền của mình. Đó là quyền được bầu, quyền được bãi nhiệm chính quyền.

Còn từ góc độ luật pháp, thể chế, cơ chế kiểm soát cơ quan hành chính các cấp đã có, nếu cơ quan hành chính làm sai thì các cơ quan kiểm soát, giám sát củ9a Dảng, nhà nước có thể vào cuộc xử lý trách nhiệm - một chuyên gia về chính sách công cho biết.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Người dân chờ sự đổi mới Chính quyền đô thị TP.HCM: Người dân chờ sự đổi mới

TTO - Trọng tâm của chính quyền đô thị là xây dựng nền hành chính 'quý hồ tinh bất quý hồ đa'. Từ phường, quận, tới các sở, ban ngành được xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

X.LONG - B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên