25/04/2022 13:40 GMT+7

Anh Tây mê làm nông nghiệp hữu cơ Việt

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Xuất thân là kỹ sư công nghệ thông tin, sau khi cưới vợ người Việt Nam, anh Marco Kranz quyết định rời nước Đức chuyển đến Đà Lạt sinh sống, và trở thành người nông dân "bất đắc dĩ".

Anh Tây mê làm nông nghiệp hữu cơ Việt - Ảnh 1.

Anh Marco và chị Huệ tại buổi “Gặp gỡ nông dân, thêm yêu sản phẩm” diễn ra hồi giữa tháng 4-2022 - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Những ai có mặt tại chương trình "Gặp gỡ nông dân, thêm yêu sản phẩm" do Organica tổ chức tại TP.HCM mới đây đã không khỏi bất ngờ khi biết câu chuyện tình đẹp giữa Marco Kranz và bà xã Trần Thị Huệ (quê Vũng Tàu) bắt đầu bằng những dòng tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Chuyện tình xuyên biên giới

Chị Trần Thị Huệ đã có 15 năm gắn bó với Đà Lạt, chuyên tư vấn nông nghiệp cho các công ty hạt giống của Hà Lan. Cả hai quen nhau từ những ngày đầu của "kỷ nguyên COVID-19" (cuối năm 2019) qua một ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Dù chỉ nhắn tin nhưng cả hai đều dành cho nhau những tình cảm rất đặc biệt. Sau buổi gặp mặt đầu tiên tranh thủ thông qua chuyến công tác châu Âu của chị Huệ, cả hai đưa ra một thỏa thuận: "Anh Marco sẽ đến VN ăn Tết Nguyên đán, ngược lại chị Huệ sẽ đón Noel tại Đức vào năm tới".

Đầu năm 2020, anh Marco sang VN đón tết, cũng là để thực hiện một phần của thỏa thuận. "Trời ơi, tôi khá "khớp" trước những câu hỏi từ gia đình vợ. Bố cô ấy hỏi tôi liên tiếp ba câu, nào là có quen nghiêm túc không? Kế hoạch tiếp theo sẽ là gì? Khi nào thì sẽ đám cưới và sinh con?", anh Marco cười nhớ lại.

Tháng 3-2020, chị Huệ tiếp tục sang châu Âu để công tác. Và bất đắc dĩ khi bị kẹt lại nhiều tháng liền vì dịch nhưng đó cũng là dịp để cả hai hiểu nhau nhiều hơn, nhờ đó mà "vế sau" của thỏa thuận giữa hai người đã được thực hiện khi năm đó chị Huệ đón Noel tại Đức.

Nếu anh Marco chinh phục cô vợ Việt bằng sự hóm hỉnh, kiến thức trong ngành công nghệ thì chị Huệ lại "tán gục" anh chồng Tây chỉ bằng một vườn rau trên sân thượng. 

"Nhà anh Marco có khoảng sân thượng rộng 80m2 bỏ không. Dịch rảnh rỗi nên tôi đã kiếm đất, hạt giống và biến khoảng sân đó thành một khu vườn với bạt ngàn rau củ quả, nhiều đến nỗi cả mùa dịch đó gia đình và nhiều hàng xóm chẳng cần ra siêu thị mua rau", chị Huệ cười nói.

Tháng 8-2020, hai người đăng ký kết hôn tại Đức.

Đưa công nghệ vào làm nông nghiệp

Anh Marco quyết định thôi công việc IT ổn định tại quê nhà và theo vợ về VN, chọn Đà Lạt là nơi xây tổ ấm vào đầu tháng 1-2021. Tại đây, cả hai tìm thuê một mảnh vườn nhà kính rộng khoảng 2.500m2, bắt tay xây dựng khu nông trại theo phương pháp hữu cơ.

Việc khởi sự ở thời điểm mà cả nước đang "lockdown" hoàn toàn để phòng chống dịch khiến mọi kế hoạch diễn ra khá trầy trật. Vượt khó khăn, một hệ thống thoát nước ngầm với mục đích ngăn không để nước tưới ở những vườn xung quanh ngấm sang, qua đó ngăn được nguy cơ nhiễm dư lượng hóa chất từ vườn khác được anh Marco xây dựng cho vườn cây hữu cơ Max Organic - tên của cậu con trai.

Đặc biệt, anh đã bỏ ra nhiều tuần liền để viết nên một ứng dụng quản lý nhà kính dành riêng cho khu vườn của gia đình. Dựa vào những yêu cầu cơ bản về nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng, thời tiết, tốc độ phát triển của cây... được chị Huệ cung cấp, từ đó thông qua bộ cảm biến, ứng dụng tự hệ thống các chỉ số và đưa ra lệnh điều chỉnh phù hợp.

Cũng nhờ áp dụng công nghệ thông tin nên dù đang ở xa, cả hai vẫn có thể quan sát, kiểm soát, điều hành được hoạt động ở Max Organic một cách dễ dàng. 

"Là dân công nghệ nhảy sang làm nông tại một đất nước xa lạ khó chứ, nhưng bù lại tôi có gia đình, được yêu thương và hiện rất hạnh phúc. Thời tiết ở Đà Lạt rất dễ chịu, con người VN quá thân thiện giúp tôi có thêm động lực gắn bó với nơi này", anh Marco tâm tình.

Từ đó đến nay, khu vườn Max Organic được chị Huệ chia làm hai, gần nửa diện tích để trồng dâu tây giống "Hana" có nguồn gốc từ Nhật Bản, phần còn lại trồng các loại rau củ như ớt, xà lách, củ cải đỏ... 

Tất cả đều được canh tác hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học... "Cũng vì quá hữu cơ mà ngay sau mùa vụ đầu thì cả khu vườn bị dịch sâu phá hoại gần hết, dùng chế phẩm sinh học cũng chẳng làm gì được chúng mà phải thức mấy đêm liền để bắt sâu bằng tay, mãi sau này thì dùng thiên địch để trị sâu bệnh", chị Huệ nhớ lại.

Nỗ lực đạt chuẩn hữu cơ

Theo chị Huệ, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước về nông sản xanh, sạch ngày một nhiều, đặc biệt là sau những trận đại dịch COVID-19. Thấy được tiềm năng, thế nhưng làm nông nghiệp hữu cơ nói chung và nông nghiệp hữu cơ tại VN nói riêng lại rất khó, bởi ngoài việc cần nắm bắt chi tiết về kỹ thuật trồng trọt thì cần hiểu rõ về quy trình sản xuất hữu cơ cũng như các sản phẩm phân bón, chế phẩm dùng trong sản xuất hữu cơ...

"Vừa qua thì tôi đã gửi mẫu sang Hà Lan nhờ kiểm định theo các tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và tất cả đều đạt chỉ tiêu, hầu như đó là thành quả đầu tiên sau bao ngày nỗ lực phấn đấu vật vã sản xuất nông sản chuẩn hữu cơ của hai vợ chồng", chị Huệ cười.

Chàng Tây xây cộng đồng thiện nguyện ở Hà Nội Chàng Tây xây cộng đồng thiện nguyện ở Hà Nội

TTO - Mỗi tối thứ năm hằng tuần, người ta hay bắt gặp Christopher Axe, chàng trai Tây, đứng trước sân ga Hà Nội và các tình nguyện viên, nhà hảo tâm cùng nhau làm thiện nguyện.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên