30/11/2023 08:58 GMT+7

Bàn giải pháp xóa sổ tín dụng đen

Sáng nay báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; luật sư, chuyên gia kinh tế...

Quang cảnh hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 30-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quang cảnh hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 30-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.

Nguyên nhân khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo lãnh đạo câu lạc bộ tài chính tiêu dùng là do nạn bùng nợ. Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.

Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao đổi cùng ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro FE Credit bên lề hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao đổi cùng ông Marcin Figlus - giám đốc khối quản trị rủi ro FE Credit bên lề hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty FE Credit cho biết việc thu hồi nợ vô cùng khó khăn, thậm chí có trường hợp khách vay không trả nợ mà còn hành hung lại nhân viên của công ty.

Với thực trạng trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các công ty tài chính đều lo ngại tín dụng đen sẽ bùng phát. Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng việc tín dụng tiêu dùng phát triển là tất yếu khách quan, đáp ứng nhu cầu vốn của bộ phận khách hàng yếu thế, không đủ điều kiện tiếp cận vốn từ ngân hàng. Nên việc tín dụng tiêu dùng giảm bao nhiêu thì tín dụng đen sẽ phát triển bấy nhiêu.

Đại diện ban tổ chức và chuyên gia tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện ban tổ chức và chuyên gia tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy, Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào? Đây là chủ đề hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ 8h30 ngày 30-11 tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp); Ngân hàng Nhà nước; luật sư, chuyên gia kinh tế cùng bàn giải pháp làm sao xóa sổ tín dụng đen, để người dân thuận lợi khi tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức.

Lãi suất lên đến hàng ngàn % mỗi năm

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ mặc dù chủ đề “Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?” không mới, nhưng mới ở chỗ tình hình càng ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh công nghệ phát triển.

Chỉ trong vòng 6 tháng gần đây, Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh về tình trạng cho vay và đòi nợ trái pháp luật. Hàng loạt ứng dụng phát triển ào ạt, với phương thức cho vay đơn giản hơn nhưng giăng ra nhiều bẫy với người vay.

Rất nhiều bài báo cảnh báo hoạt động cho vay dễ dàng, nhưng lãi suất lên đến hàng ngàn phần trăm một năm, thu hồi nợ trái pháp luật.

Vấn đề này để lại hệ lụy, khiến kênh cho vay tiêu dùng chính thống vô cùng khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng giảm tới 40%, lượng nợ xấu của nhiều công ty tài chính ở mức báo động tăng đến 20% so với cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều hội nhóm trên Zalo, Facebook chỉ nhau cách bùng nợ, trốn nợ bất hợp pháp, gây ra sự méo mó trong thị trường cho vay tiêu dùng.

Quảng cáo cho vay tiêu dùng dán đầy trên đường tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quảng cáo cho vay tiêu dùng dán đầy trên đường tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các diễn biến vừa qua cũng cho thấy nhu cầu của người dân về vay tiêu dùng vẫn rất lớn, để mua sắm cũng như trang trải khi ốm đau, bệnh tật. Nhưng trên thị trường tồn tại thực trạng dòng tiền ngắt khúc, người dân chuyển qua kênh cho vay phi chính thức, tín dụng đen. Công ty tiêu dùng, công ty tài chính không cho vay hoặc không dám cho vay, vì không thu hồi được hoặc vô cùng khó khăn.

“Hội thảo hôm nay là cơ hội để cùng bàn ra giải pháp, khơi thông dòng tín dụng cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu người dân, người lao động. Cũng như tiếp sức, góp phần hoàn thiện chính sách trong việc xử lý thu hồi nợ trái pháp luật, khơi thông giúp công ty tài chính mạnh dạn cho vay, trang bị kiến thức cơ bản cho người vay”, ông Trần Xuân Toàn nói. 

Cần phải hành động ngay

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hoạt động tín dụng tiêu dùng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Thông qua hoạt động tín dụng này, người dân có điều kiện để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời mang lại hiệu quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tín dụng tiêu dùng cũng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến cuối tháng 10-2023 dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đạt 955.000 tỉ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Nếu so với những năm gần đây thì tốc độ tăng này khá thấp. 10 tháng đầu năm 2022, tín dụng tiêu dùng tăng đến 18,8%.

Tuy nhiên tốc độ tăng này cũng phù hợp với tình hình hiện nay vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động, công nhân giảm nên nhu cầu vay để chi dùng cũng ít hơn.

Chia theo mục đích tiêu dùng, thì nhu cầu vay để mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM. Đến cuối tháng 10-2023 dư nợ cho vay tiêu dùng theo mục đích này đạt 612.000 tỉ đồng, chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Tín dụng trung dài hạn chiếm 85% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM.

Tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình: đạt 343.000 tỉ, chiếm 36%. Trong đó tín dụng cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 99.000 tỉ, tăng 11,6% so với cuối năm 2022.

Phương thức và sản phẩm tín dụng ngày càng đa dạng. Cho vay theo phương thức điện tử đang mở rộng, cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán của cá nhân và cho vay qua thẻ tín dụng ngày càng phổ biến hơn. Tăng trưởng tín dụng qua thẻ tín dụng đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm tăng 25%.

Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tín dụng tiêu dùng góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Thông qua cho vay tiêu dùng, kích người dân mua sắm, tiêu dùng, góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thuận lợi. Khi thị trường hàng hóa phát triển, có tác động ngược trở lại kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng tiêu dùng cũng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, về phòng chống tín dụng đen, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người yếu thế.

Hoạt động tín dụng tiêu dùng có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Với trên 13 triệu dân và thị trường tài chính phát triển, TP.HCM sẽ là mảnh đất đầy dư địa và tiềm năng cho tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên theo ông Lệnh, để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả hai phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Về phía người vay, cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi ở phía các tổ chức tín dụng, cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay. Một khi ngành ngân hàng làm tốt thì đương nhiên người vay sẽ chọn lựa vay ở các tổ chức tín dụng chính thống, được cấp phép, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Cần có trần lãi suất cho vay tiêu dùng

TS Lê Thị Hoàng Thanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), nhận định thực trạng bùng nợ vay tiêu dùng đang đặt ra những thách thức cho những cơ quan quản lý tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại khách sạn REX sáng 30-11.

TS Lê Thị Hoàng Thanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS Lê Thị Hoàng Thanh, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cụ thể, bà Thanh kiến nghị cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.

Tại thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

“Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ” - tiến sĩ Thanh nhận định.

Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.

Đại biểu tham dự hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại biểu tham dự hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước như tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Còn ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12 - 48%/năm; tại Brazil là 30 - 70%; tại Mỹ chỉ khoảng 8 - 36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10 - 40%/năm.

Các nước cho rằng việc kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, trần lãi suất cho vay tiêu dùng cũng bảo vệ quyền lợi của bên đi vay.

Đặc biệt, bà Thanh đề nghị kiểm soát chi phí như phí phạt quá hạn, phí thẩm định… Theo kinh nghiệm tại Nhật Bản, bất kể các món tiền gồm lãi suất, các khoản phí như phí kiểm tra, phí hoa hồng, phí giảm giá… đều được tính là lãi suất.

Các diễn giả và khách mời cùng thảo luận các biện pháp xóa sổ tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các diễn giả và khách mời cùng thảo luận các biện pháp xóa sổ tín dụng đen - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do vậy, Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Mức lãi suất 85%/năm là khó có thể chấp nhận được, gây rủi ro cho bên cho vay.

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ì trả nợ.

Các quy định hiện hành vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng.

Đơn cử, thông tư số 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước có quy định về thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, không đe dọa khách hàng.

Số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h;

Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành còn tiềm ẩn những vấn đề dễ dẫn đến tranh chấp, lợi dụng để khiếu nại, chây ì thực hiện nghĩa vụ của người đi vay. Điển hình là về lãi suất như theo thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng… 

Xóa sổ tín dụng đen, cách nào? Bùng món nợ nhỏ, hậu quả rất toXóa sổ tín dụng đen, cách nào? Bùng món nợ nhỏ, hậu quả rất to

Nhiều người vay cứ cần là vay, không tính đến khả năng trả nợ, khi không cố được nữa thì bùng nợ. Tưởng bùng được nợ là lợi trước mắt nhưng chính là đang bít đường tiếp cận nguồn vốn vay từ các kênh chính thức mãi về sau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên