09/11/2016 16:59 GMT+7

Bán hàng ở phố cổ nên mặc quần áo dân tộc

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Đó là đề xuất của kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lân, phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội tại toạ đàm 'Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống khu Phố cổ Hà Nội: khó khăn và giải pháp'.

Ảnh tư liệu
Một góc phố cổ Hà Nội - Ảnh tư liệu

 Tọa đàm do Hội KTS Hà Nội tổ chức sáng 9-11 tại Hà Nội.

Ths Trần Thị Thúy Lan - phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết hiện khu vực phố cổ là nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố với diện tích sử dụng đất là 4-6m2/người, thậm chí có phường chỉ đạt 2m2/người.

Trong khi đó, chất lượng của hoạt động du lịch ở đây chưa cao. Bộ mặt kiến trúc nơi này ngày càng có nhiều thay đổi với những công trình kiến trúc mới được xây dựng, trong đó có nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép với hình thức và quy mô không phù hợp với kiến trúc phố cổ.

KTS Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư VN) chỉ ra nhiều “thực tế ngổn ngang” của khu phố cổ: ngày một nhiều công trình thương mại xây cất mới có quy mô và hình thức kiến trúc làm hỏng không gian, như một số khách sạn mới xây ở phố Gia Ngư, Hàng Bè, Hàng Gai… mà chính quyền không quản lý được.

Trong khu vực bảo tồn cấp 1 đang dần ken cứng theo xu thế đặc dần, rất thiếu những khoảng trống cần thiết, làm không gian các hoạt động văn hoá vừa thiếu, vừa nhỏ hẹp. Cơ sở hạ tầng bị thiếu, nhếch nhác, tạm bợ, giao thông lộn xộn, lại thêm người dân chỉ vào cuộc nửa vời với chính sách bảo tồn của chính quyền.

Một trong những giải pháp ông Đức đưa ra là chọn một nhóm 5 đến 7 nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống dạng “mái ngói thâm nâu” vừa để quảng bá kiến trúc phố cổ, vừa kết hợp làm nơi biểu diễn các hoạt động văn hoá truyền thống. Đồng thời, chính quyền phải bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống nhà vệ sinh, điểm đậu xe cũng như quy định về màu sắc, ánh sáng, âm thanh…

KTS Lê Văn Lân - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng không thể nhân nhượng với những vi phạm về quy mô, chiều cao của các ngôi nhà mặt phố.

“Nên hạn chế những mặt hàng thông thường, ưu tiên và thu hút những mặt hàng dân gian, đồ cổ, dịch vụ bấm huyệt, tẩm quất, vẽ truyền thần và ký họa chân dung, các món ăn dân giã… Nên quy định người bán hàng phải mặc quần áo dân tộc… Mọi việc liên quan đến bảo vệ, tôn tạo, xây dựng ở khu phố cổ phải được trưng cầu ý kiến người dân” - KTS Lê Văn Lân đề xuất.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên