09/10/2014 09:17 GMT+7

​Ban quản lý dự án “ém” đất tái định cư

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Người dân Đà Nẵng mấy năm nay kêu TP chậm trả nợ đất tái định cư, trong khi các ban quản lý dự án luôn bảo không còn đất.

Dự án khu dân cư ở P.Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Đây là một dự án có tình trạng “ém” đất tái định cư - Ảnh: Hữu Khá

Tuy nhiên, khi đích thân bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào cuộc thì lộ ra sự thật đất tái định cư bị các ban quản lý dự án “ém” giữ.

Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại phiên giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND TP diễn ra ngày 8-10 cho biết đến năm 2014 có 1.389 hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng tại các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, số lô đất tái định cư TP đang nợ là 1.751 lô.

Có đất không giao, Nhà nước phải trả tiền thuê nhà cho dân

Trong khi đó, kết quả rà soát quỹ đất tái định cư tại 76 dự án nằm trong diện kiểm tra để trả nợ phát hiện đến 9.128 lô đã có đất thực tế (gấp hơn 5,2 lần tổng số lô đất nợ dân), đã có hạ tầng nhưng lại không bố trí cho dân.

Đại biểu Phan Thị Thúy Linh, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, hỏi vì sao đất tái định cư có mà lâu nay không bố trí cho dân?

Việc dân giải tỏa bị nợ đất tái định cư cuộc sống rất khó khăn, trong khi TP phải chi một khoản tiền lớn (trong ba năm đã chi hơn 63 tỉ đồng, riêng chín tháng đầu năm 2014 là 18 tỉ đồng) để hỗ trợ dân tiền thuê nhà ở. Vậy ai chịu trách nhiệm việc này, có kỷ luật ai không?

Đồng quan điểm với bà Linh, đại biểu Nguyễn Đăng Hải, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng, nói: “Phải đến khi đồng chí chủ tịch HĐND (cũng là Bí thư Thành ủy Trần Thọ) vào cuộc quyết liệt mới lòi ra chuyện còn đất... Vì sao lại có chuyện này? Bây giờ chúng ta có lập đoàn thanh tra hay không? Có công thì thưởng nhưng có tội phải phạt”.

Trả lời các vấn đề trên, ông Phùng Tấn Viết, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói từ khi thực hiện giải tỏa để mở rộng TP đến nay đã hình thành 17 ban quản lý dự án, công ty tham mưu cho UBND TP thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư.

Quá trình quản lý, điều hành chưa chặt chẽ, đã để xảy ra tình trạng như các đại biểu chất vấn. Trách nhiệm thuộc về UBND TP, tiếp đến là trách nhiệm của 17 người đứng đầu các ban quản lý, công ty thực hiện nhiệm vụ của UBND TP giao.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng Ban giải tỏa đền bù số 1, lý giải các lô đất thừa là đất đường 7,5m trở lên, còn đất bố trí cho dân là đất ở đường 5,5m nên không thể bố trí cho dân được. Không đồng tình với các lý giải trên,

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ nói đất đường 5,5m đã có sẵn đến 80%. Sở Xây dựng không nắm được nhu cầu đất tái định cư, không biết thừa, thiếu ở đâu. Sở Kế hoạch - đầu tư nắm không chắc, cân đối vốn không đúng với dự án tái định cư đang cần vốn. Cách giải thích quanh co không thấy trách nhiệm của đơn vị mình, trách nhiệm cá nhân mình trước nhân dân.

Lãnh đạo TP nhận trách nhiệm

Ông Thọ cũng cho biết công tác rà soát và trả nợ đất tái định cư được xử lý rốt ráo và giải quyết cơ bản. Dân có đất làm nhà, còn TP không phải trả tiền thuê nhà nữa. Các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phê bình nghiêm túc.

Lãnh đạo phải nhận khuyết điểm, thiếu sót. Theo ông Thọ, từ sự việc này cần rút kinh nghiệm về tổ chức bộ máy các ban đền bù giải tỏa. Sự phối hợp giữa các ban với các quận, huyện, phường, xã thiếu chặt chẽ, thiếu chia sẻ thông tin, thiếu vai trò nhạc trưởng. Vai trò tham mưu của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - đầu tư, Văn phòng UBND TP chưa tốt. Thiếu sự kiểm tra đến nơi đến chốn của lãnh đạo TP để kịp thời điều chỉnh.

Ông Thọ cho rằng để xảy ra tình trạng thừa đất mà không bố trí cho dân, trách nhiệm trước hết của lãnh đạo TP. Chủ tịch HĐND TP nhận trách nhiệm của mình trong việc này. Tuy vậy, trách nhiệm chính vẫn là các ban giải tỏa đền bù. 

Ông Trần Thọ xác nhận: “Tôi chính thức công bố đã cơ bản rà soát trả nợ đất tái định cư cho dân từ trước đến nay. Giải quyết một cách công khai, minh bạch bằng cách bốc thăm chứ không còn chuyện xin lô này lô kia”.

Buộc 51 cán bộ, công chức trả lại căn hộ

Theo báo cáo của TP Đà Nẵng, đến ngày 30-9 đã có ba đơn vị tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định sử dụng căn hộ chung cư của TP cho thuê qua đợt kiểm tra thứ 2.

Sở Nội vụ được giao theo dõi tiến độ các đơn vị xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm quy định quản lý căn hộ chung cư đã phối hợp với các ngành liên quan đề nghị mức kỷ luật như sau: áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với trường hợp cho ở nhờ; cảnh cáo đối với trường hợp cho thuê lại.

Đối với trường hợp sang nhượng nhà cho thuê thì áp dụng hình thức thấp nhất từ cảnh cáo, tùy theo tình tiết tăng nặng có thể áp dụng kỷ luật hạ bậc lương, giáng chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức không giao trả nhà.

Qua đợt kiểm tra thứ 2 của Công ty Quản lý nhà chung cư đã phát hiện 116 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định sử dụng căn hộ chung cư của TP cho thuê. Đến nay đã có 51 trường hợp trả lại căn hộ, 65 trường hợp về ở chính chủ hoặc có lý do chính đáng được UBND TP tiếp tục cho thuê.

 

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên