27/01/2022 08:15 GMT+7

Bánh dứa Ọm Chiếl của mẹ: Mùi hương ấy với tôi chính là Tết

TRẦM THANH TUẤN
TRẦM THANH TUẤN

TTO - Mỗi khi chướng thông ngọn, nhánh mai bên hiên nhà ấp ui biết bao nhiêu là nụ cũng là lúc Tết chạm ngõ. Nhà nghèo, tôi đã phải phụ mẹ từ sớm. Mẹ có nghề làm bánh trái cực nhọc quanh năm. Đôi bàn tay rám đen vì lửa lò cháy đỏ.

Bánh dứa Ọm Chiếl của mẹ: Mùi hương ấy với tôi chính là Tết - Ảnh 1.

Bánh dứa mẹ làm

Mắt mẹ sớm mờ đục vì hơi khói bốc lên. Chúng tôi lớn lên từ gánh bánh đủ loại, mẹ rong ruổi khắp chợ trên xóm dưới. Trong số hàng chục thứ bánh mà mẹ làm, tôi thích nhất là bánh dứa.

Mỗi khi Tết nhất, ngoài những thứ bánh mứt truyền thống mà mẹ đã dày công làm từ cuối chạp. Qua mùng, có người thân bạn bè đến chúc Tết, mẹ đều khoản đãi món bánh dứa mà khi ăn rồi ai cũng tấm tắc khen ngon. Dần dà nó trở thành một thứ "đặc sản" của nhà tôi mỗi khi năm hết xuân về.

Sống cùng với người Khmer nhiều năm, mẹ tôi nói tiếng Khmer rất sõi và học được hầu hết các món ăn truyền thống của họ. Trong số những món ăn ấy, mẹ làm bánh dứa rất ngon. 

Bánh dứa còn gọi là bánh rây, là món bánh truyền thống của người Khmer với tên gọi "Ọm Chiếl", chỉ có nhiều ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, nơi nhiều người Khmer sinh sống. Nhiều người làm bánh có bí quyết khác nhau nhưng nét đặc trưng vẫn là mùi thơm lá dứa và vị béo ngọt của cơm dừa. 

Nhìn cái bánh dung dị nhưng để làm ra không phải là chuyện dễ dàng. Để có được những cái bánh thơm ngon độc đáo, mẹ tôi phải chuẩn bị công phu và tỉ mẩn, nhất là khâu xay nếp, xào nhân và rây bột. 

Công đoạn nào cũng đòi hỏi phải khéo tay và nhiều kinh nghiệm. Những lúc nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán mẹ, tôi ứa nước mắt nhưng không thể giúp mẹ được gì vì khi vào những khâu quan trọng quyết định sự ngon dở của cái bánh mẹ đều tự tay làm.

Bánh dứa Ọm Chiếl của mẹ: Mùi hương ấy với tôi chính là Tết - Ảnh 2.

Rây bột

Mẹ tôi có bộ dụng cụ để chế biến "Ọm Chiếl" gồm: chảo, rây và bếp lò. Tính mẹ kỹ lưỡng, chảo dùng để chế biến bánh, mẹ không cho ai sử dụng để nấu các món ăn khác. 

Biết mẹ kỹ tính nên chỗ bán nếp luôn dành bán cho mẹ loại nếp rặt. Sau khi đem nếp về mẹ sẽ đem xay chung với lá dứa tươi để tạo hương thơm. Nhờ có lá dứa nên bột có màu xanh trông rất hấp dẫn.

Bột xay xong được đem cho vào bồng (một túi vải) ép bột cho ráo nước. Sau khi bột khô, mẹ sẽ bóp cho thật nhuyễn. Nhân bánh làm bằng cơm dừa nạo, ngào chung với đường và đậu phộng rang giã nhỏ cho đến khi dẻo, khô và thơm.

Khi chảo vừa nóng lên, mẹ sẽ bắt bắt đầu rây bột lên lòng chảo (do vậy mà nhiều người còn gọi bánh này là bánh rây). Công đoạn này cần sự khéo léo lẫn kinh nghiệm của người làm bánh. Mẹ nói phải rải một lớp mỏng thôi, nếu quá tay dày quá ăn sẽ không ngon mà còn hôi mùi bột. Rồi mẹ nhẹ nhàng rải thật đều theo hình tròn.

Những cái bánh của mẹ luôn xinh xắn là vì thế. Khi đã rây bánh xong mẹ sẽ cho nhân lên phần giữa của chiếc bánh. Xong cuốn bánh lại thành hình dẹp, trở đều cho đến khi bánh chín. 

Mẹ nói áo bánh nếu rây bị dày bánh sẽ vừa bị khét bên ngoài nhưng lại chưa chín phần bột bên trong nên các thao tác phải tiến hành một cách thuần thục và nhanh chóng, nếu không bánh sẽ bị khét.

Bánh dứa Ọm Chiếl của mẹ: Mùi hương ấy với tôi chính là Tết - Ảnh 3.

Nhân được bỏ vào bánh

Mẹt bánh có lót lá chuối đã được mẹ tôi chuẩn bị sẵn. Cái bánh đầu tiên được đưa lên mẹt, cái thứ hai sẽ được xếp lên cái thứ nhất (có lót miếng lá chuối nhỏ để tôi dễ lấy bán cho khách, bánh không dính vào nhau) cứ như thế mà đầy mẹt bánh. 

Mùi thơm của nếp dẻo pha trộn vị béo ngọt của nhân dừa, đặc biệt mùi lá dứa đặc trưng luôn làm hài lòng những vị khách thơm thảo đã mua ủng hộ bánh cho tôi trên bước đường quê mưa nắng. Bánh dứa của mẹ thơm ngon, lạ miệng và kích thích vị giác, càng ăn càng khoái khẩu vì hương vị không lẫn lộn với bất cứ loại bánh nào khác.

Giờ đây nhà tôi đã khấm khá hơn xưa, anh em tôi đều có gia đình và công ăn việc làm ổn định. Ba mẹ sống chung với thằng Út. Mẹ đã thôi làm bánh bán chợ, ba đã thôi làm thuê. 

Mỗi lần gia đình tụ họp, mấy đứa cháu đều nằng nặc đòi bà phải làm bánh dứa cho chúng ăn. Mỗi lần thấy mẹ lui cui vào bếp làm bánh, ngọn khói xưa như lẫn vào mắt tôi khiến sống mũi cay cay.

Năm nay, đại dịch COVID càn quét qua thành phố, nỗi nhớ quê luôn cồn cào trong tôi. Thành phố đã gượng dậy sau cơn ốm, đang dần trở lại với sức sống mãnh liệt. 

Trên một con ngõ, tôi đã bất giác bật khóc khi nhìn thấy một người phụ nữ xa lạ đang bán bánh dứa. Mùi thơm quen thuộc đã đưa tôi về với biết bao hoài niệm ấu thơ. Mùi thơm ấy, với tôi, chính là Tết.

Bánh dứa Ọm Chiếl của mẹ: Mùi hương ấy với tôi chính là Tết - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Tết xưa Tết nay, điều hay còn giữ Tết xưa Tết nay, điều hay còn giữ

TTO - Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - cựu giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người Việt rất giỏi trong việc sáng tạo và lưu giữ văn hóa, nên Tết nay dù khác rất nhiều Tết xưa của ông bà nhưng vẫn giữ được những gì tinh túy nhất của Tết.

TRẦM THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên