15/07/2023 13:20 GMT+7

Báo cáo tài chính quý 2: Nhiều nơi thê thảm, nhiệt điện, chứng khoán lại khởi sắc

Các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu bước vào "mùa" công bố báo cáo tài chính quý 2-2023. Thống kê từ một số doanh nghiệp công bố sớm cho thấy nhiều nơi có kết quả suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh khó khăn trong quý 2-2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh khó khăn trong quý 2-2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp than chi phí lãi vay cao

CTCP Thép Mê Lin (MEL) là doanh nghiệp đầu tiên ngành thép công bố báo cáo tài chính quý 2 với 179 tỉ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. 

Song giá vốn tăng cao, lãi gộp giảm. Kết thúc kỳ, MEL báo lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 1 tỉ đồng, giảm 37% so với năm trước. 

Ông Phạm Quang - tổng giám đốc công ty - lý giải quý 2 chịu tác động của giá thép trên thị trường, giá bán giảm, sản lượng bán thấp, trong khi lãi suất vay của các ngân hàng cao nên lợi nhuận giảm.

Tính chung 6 tháng, doanh thu MEL đạt 309 tỉ đồng, giảm 25% và lãi sau thuế hơn 3 tỉ đồng, giảm 75%. Tính đến 30-6-2023, hàng tồn kho 444 tỉ đồng, chiếm 74% tổng tài sản. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng còn 3,7 tỉ đồng, giảm 76%.

Một doanh nghiệp khác cũng suy giảm trong kết quả kinh doanh, đó là CTCP Đầu tư TDG Global (TDG).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TDG có doanh thu thuần 432 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính giảm mạnh tới 80%, chỉ còn hơn 500 triệu đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng 45%, từ 9,6 tỉ đồng lên hơn 14 tỉ đồng.

TDG lãi sau thuế vỏn vẹn 1,67 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Minh Hiếu - tổng giám đốc TDG - cho biết nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do hoạt động tài chính giảm mạnh, cùng với đó chi phí tài chính tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi tăng gần 60% so với cùng kỳ 2022.

Một số doanh nghiệp khác cũng có lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh trong quý 2 như CTCP Gỗ MDF VRG - Quảng Trị (giảm 89%); CTCP Đầu tư Điện lực 3 (giảm 66%); CTCP Sông Đà 7 (giảm 86%), CTCP Cao su Tây Ninh (giảm 75%)...

Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp trong quý 2-2023, đơn vị: Tỉ đồng - Biểu đồ: N.M.

Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp trong quý 2-2023, đơn vị: Tỉ đồng - Biểu đồ: N.M.

Một công ty nhiệt điện làm ăn khá nhờ nắng nóng

Bên cạnh gam màu xám, một số doanh nghiệp cũng đã có xu hướng khởi sắc hơn trong quý 2.

Cụ thể, CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) có doanh thu quý 2 đạt 641 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2022; còn lợi nhuận trước thuế đạt 31,6 tỉ đồng, gấp gần 1,8 lần.

Ông Lê Văn Huy - tổng giám đốc BTP - lý giải do ảnh hưởng nắng nóng trên diện rộng 3 miền, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng cao, tình hình thủy văn không thuận lợi nên sản lượng điện phát của công ty được huy động tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Riêng lợi nhuận sản xuất điện quý 2 lãi 7,4 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 7,3 tỉ đồng. Nguyên nhân do giá điện năm trước là tạm tính, thấp hơn giá chính thức. Cùng với đó là khoản cổ tức được chia từ đầu tư tài chính là 12,17 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái bằng 0.

Một doanh nghiệp cùng ngành khác là Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) cũng có doanh thu khá hơn khi đạt 3.708 tỉ đồng, tăng 53%. Do giá vốn hàng bán tăng cao, lợi nhuận gộp giảm, do vậy lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỉ đồng, song giảm không đáng kể so với năm trước.

Là công ty đầu tiên trong ngành công bố báo cáo tài chính quý 2, Chứng khoán MB (MBS) kỳ này có doanh thu đạt 401 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các doanh thu như từ nghiệp vụ môi giới, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (EVTPL), lãi bán tài sản tài chính... đều giảm. Tuy nhiên một số khoản như lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn đạt gần 46 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ; cổ tức, tiền lãi phát sinh từ các tài sản chính FVTPL đạt 42 tỉ đồng, tăng 162%...

Chi phí hoạt động kỳ này của MBS cũng giảm đáng kể, chỉ còn 119 tỉ đồng, trong khi năm trước 202 tỉ đồng. Do vậy kết thúc quý 2, MBS báo lãi sau thuế hơn 123 tỉ đồng, tăng 3%. Lũy kế 6 tháng, MBS có doanh thu 737 tỉ đồng, giảm 34%; lãi sau thuế 244,8 tỉ đồng, giảm 24%.

Không chỉ có công ty chứng khoán khởi sắc hơn trong bối cảnh thị trường phục hồi, một số doanh nghiệp "tay ngang" trong đầu tư chứng khoán cũng "gỡ" lại.

Đó là trường hợp CTCP Đầu tư CMC (CMC), doanh nghiệp này doanh thu thuần quý 2 đạt gần 5,3 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2022. CMC vẫn báo lãi sau thuế 3,4 tỉ đồng sau một loạt quý thua lỗ liên tiếp trước đó.

Ông Ngô Trọng Vinh - chủ tịch HĐQT CMC - cho biết trong quý 2 thị trường chứng khoán thuận lợi, do vậy những cổ phiếu công ty mua trước đây hồi phục mạnh, các khoản trích lập dự phòng được hoàn nhập khi giá tăng mạnh trở lại.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần CMC đạt 15 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ hơn 1 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Chủ yếu vẫn do thị trường phục hồi tốt, công ty này tiếp tục cơ cấu lại danh mục các khoản đầu tư và các cổ phiếu nắm giữ.

Bất động sản đứng hình, chứng khoán nổi lên trở lạiBất động sản đứng hình, chứng khoán nổi lên trở lại

Chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất từ đầu năm đến nay khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 130 điểm (+13%), thuộc nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trên thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên