18/06/2023 05:30 GMT+7

Bao giờ doanh nghiệp được làm điện mặt trời áp mái nhà xưởng?

Bộ Công Thương đề xuất nhiều chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở và trụ sở của doanh nghiệp, còn với nhà máy, nhà xưởng thì vẫn phải chờ.

Bao giờ doanh nghiệp được làm điện mặt trời áp mái nhà xưởng? - Ảnh 1.

Điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều cơ chế khuyến khích

Bộ Công Thương vừa có đề xuất gửi Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Để khuyến khích, Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Tuy nhiên, hệ thống này phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.

Có nhu cầu lắp hệ thống năng lượng mặt trời để sử dụng cho gia đình, chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ rất quan tâm về các chính sách trên. Bởi theo chị tìm hiểu, để lắp được hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 3kW, bao gồm cả pin lưu trữ, có mức giá từ 70 - 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, do không được phát lên lưới và bán điện nên với nhu cầu gia đình thì chị Hương vẫn thấy khá lãng phí với phần điện không sử dụng hết, mà tiền đầu tư cũng là "quá sức" với gia đình.

Anh Thịnh, quản lý một đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, cho hay từ đầu mùa hè nhận được khá nhiều nhu cầu lắp đặt, đặc biệt khi tình trạng thiếu điện diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm là phần điện dư có được phát lên lưới và bán điện lại cho EVN hay không. Do đó, với đề xuất mới khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái như trên sẽ chỉ hỗ trợ được một phần về chi phí lắp đặt ban đầu và giúp cho thủ tục thông thoáng hơn.

Sao không cho doanh nghiệp làm điện áp mái nhà xưởng?

Ông Thân Đức Việt, tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết rất quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho nhà máy. Đặc biệt khi sản lượng tiêu thụ của May 10 chiếm đến 90% là xuất khẩu, phải có yêu cầu chứng chỉ xanh trong sản xuất nên việc đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo là bắt buộc.

"Hiện công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà cho dự án mới ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), với nguồn đầu vào được hỗ trợ từ một tổ chức quốc tế nên phần nào đỡ áp lực về chi phí đầu tư. Công ty đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống này cho nhà máy tại Quảng Bình, nhưng cần có chính sách rõ ràng hơn, có hỗ trợ các chi phí lắp đặt như vốn, giảm thuế, phí và thông thoáng hơn về thủ tục", ông Việt bày tỏ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết một số doanh nghiệp thành viên có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy thủy sản. Nhưng cơ chế trên được Bộ Công Thương đưa ra mới chỉ áp dụng cho hệ thống điện áp mái ở các tòa nhà văn phòng, chưa áp dụng cho nhà xưởng nên rất giới hạn công suất, không đáp ứng được nhu cầu điện sạch cho các nhà máy quy mô lớn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công Thương cho hay các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được xây dựng theo lộ trình, bám sát vào quyết định 500 về quy hoạch điện quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Vì vậy cần có chính sách ưu tiên, đột phá thúc đẩy nguồn điện để phát triển không giới hạn công suất, giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp. Do đó, các chính sách được Bộ Công Thương đề xuất là bước đầu, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích người dân, các cơ quan công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. 

Với cơ chế lắp đặt hệ thống điện áp mái cho nhà xưởng, các nhà máy cần có thời gian để nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt.

Ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng, cho rằng cơ chế khuyến khích với hộ dân và cơ quan công sở sẽ bị hạn chế nguồn lực và chi phí đầu tư đắt. Do đó, trong thời gian tới cần sớm nghiên cứu và đưa ra các cơ chế để khuyến khích lắp đặt điện áp mái cho sản xuất và công nghiệp. Chính sách này cũng sẽ giúp giảm việc bù chéo giá điện giữa điện sinh hoạt, thương mại với công nghiệp; cũng như giảm gánh nặng cho EVN trong cung cấp điện.

Một đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay sau khi quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, việc đầu tư hệ thống điện áp mái trong những năm qua "giậm chân tại chỗ". Mặc dù có nhiều doanh nghiệp, các khu công nghiệp và người dân có nhu cầu lắp đặt hệ thống này, nhưng do không có cơ chế, nên EVN không thể ký hợp đồng mua bán điện cũng như thực hiện thỏa thuận nối lưới.

Do đó, cơ chế này sẽ khuyến khích những đơn vị lắp đặt ở quy mô công suất phù hợp, đáp ứng cho nhu cầu tự dùng, không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống điện. Trong trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở quy mô nhà xưởng, nhà máy sản xuất công nghiệp với quy mô lớn, có thể ảnh hưởng đến vận hành hệ thống.

Khi hệ thống điện mái nhà không đảm bảo công suất phụ tải thì phải có nguồn bù vào và ngành điện sẽ phải có nguồn dự trữ sẵn sàng để bù đắp. Tức là phải có kế hoạch vận hành, tính toán được nguồn dự phòng bù đắp. Việc khuyến khích nhưng cũng phải phù hợp với công nghệ và kỹ thuật để đảm bảo nguồn điện và an toàn cho hệ thống.

Đề xuất mới cho điện mặt trời mái nhà Đề xuất mới cho điện mặt trời mái nhà 'tự sản tự tiêu', hỗ trợ vay vốn giảm thuế

Bộ Công Thương vừa có đề xuất về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên