15/11/2019 09:40 GMT+7

Bảo hiểm 'chê' vì sợ lỗ, tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng nằm bờ

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Nhiều tàu vỏ thép đóng theo nghị định (NĐ) 67 với giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng đang nằm bờ do công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho tàu với lý do rủi ro cao, năm nào công ty bảo hiểm cũng lỗ!

Bảo hiểm chê vì sợ lỗ, tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng nằm bờ - Ảnh 1.

Tàu cá vỏ thép BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh nằm tại cảng Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) suốt 3 tháng nay vì không mua được bảo hiểm tàu cá - Ảnh: TIẾN SỸ

Trong khi các con tàu trị giá hàng chục tỉ đồng nằm phơi mình với nắng mưa, các ông chủ của những tài sản lớn này lại phải chuyển sang đi làm thuê cho các tàu khác để kiếm sống qua ngày. Khoản lãi vay đóng tàu lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng chẳng biết đào đâu để trả, chưa kể nợ gốc. 

Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, nếu công ty bảo hiểm từ chối, hàng loạt tàu vỏ thép khác cũng sẽ nằm bờ khi hết hạn bảo hiểm vào cuối năm nay.

Từ khi đóng tàu vỏ thép đến nay, tôi đi được 6 chuyến biển và bị lỗ hơn 750 triệu đồng, chủ yếu do máy móc trục trặc. Bạn thuyền trước đây thân thiết giờ cũng bỏ đi hết, không còn một ai. Nay lại thêm bảo hiểm từ chối, tôi chưa biết lấy gì để trả nợ vay đóng tàu.

Ông Đinh Công Khánh (chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS)

Tàu tiền tỉ nằm bờ

Dù giá hải sản đánh bắt thời gian qua đứng ở mức khá cao, nhiều tàu xa bờ đánh bắt đều có lãi nhưng tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đang nằm bất động trong âu thuyền suốt 3 tháng nay tại cảng Đề Gi, huyện Phù Cát. Theo ông Khánh, tháng 7-2019, tàu BĐ 99086 TS hết bảo hiểm, ông đến Công ty bảo hiểm Pjico chi nhánh Bình Định để mua bảo hiểm cho con tàu.

Nhưng khi làm việc với ông Khánh, nhân viên tại đây cho biết công ty đã thông báo dừng bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép NĐ67, chờ Nhà nước giải quyết! Sau khi bị bảo hiểm từ chối, ông Khánh lại chạy đôn chạy đáo làm đơn gửi UBND tỉnh "cầu cứu" nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm. 

Theo quy định đã được các ngân hàng phổ biến với các trạm biên phòng, các tàu không mua bảo hiểm không được ra khơi.

"Vừa rồi xảy ra bão số 5 và số 6, tui lại phải lo đưa tàu tìm nơi trú ẩn, nếu không tàu sẽ bị đánh chìm. Giờ đây, gia đình tui cũng không biết phải làm gì để sống, món nợ ngân hàng mỗi tháng gần 20 triệu biết bao giờ mới trả nổi" - ông Khánh lo lắng. Ông cho biết bản thân vốn là một người làm ăn thành đạt ở địa phương, nhưng từ ngày "dính" vào tàu vỏ thép NĐ67, cuộc sống gia đình ông đảo lộn. Vợ chồng cùng 4 đứa con sống lay lắt với một món nợ "treo" lơ lửng trên đầu.

Bảo hiểm chê vì sợ lỗ, tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng nằm bờ - Ảnh 3.

Tàu vỏ thép neo đậu tại cảng Đề Gi - Ảnh: T.THỊNH

Trước đó, vào đầu năm 2015, với kinh nghiệm hơn 40 năm đi biển và làm ăn có lãi, ông Khánh được đưa vào danh sách những ngư dân được vay vốn đóng tàu vỏ thép trị giá hơn 18,5 tỉ đồng. "Và mọi rắc rối bắt đầu từ đây" - ông Khánh kể. 

Ngay sau khi nhận tàu do Xí nghiệp đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Q.Kiến An, TP Hải Phòng) đóng vào cuối năm 2016, ông Khánh cho tàu đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa theo lịch trình 30 ngày.

Thế nhưng mới đánh bắt được 10 ngày, các thuyền viên phát hiện hơn 1.200 cây đá ướp cá để trong hầm đã tan do bị lỗi, đành phải đưa tàu quay về cảng cá Đề Gi để sửa. Chuyến biển đó ông Khánh lỗ hơn 200 triệu đồng. 

"Từ khi đóng tàu cá vỏ thép đến nay, tôi đi được 6 chuyến biển, bị lỗ hơn 750 triệu đồng, chủ yếu do máy móc trục trặc. Bạn thuyền trước đây thân thiết giờ cũng bỏ đi hết, không còn một ai. Nay lại thêm bảo hiểm từ chối, tôi chưa biết lấy gì để trả nợ vay đóng tàu" - ông Khánh cho biết.

Tương tự, hàng loạt tàu vỏ thép khác như BĐ 99169 TS (chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu), BĐ 99160 TS (chủ tàu Thái Văn Duyệt), BĐ 99168 TS (chủ tàu Lê Ngô Hát)... cũng đang neo tại cảng Đề Gi do bị bảo hiểm từ chối. Ông Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu BĐ 99016 TS, cho biết khi đến liên hệ mua bảo hiểm, ông được nhân viên Công ty bảo hiểm Pjico thông báo không còn bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép vì... thua lỗ nhiều.

Sẽ thêm nhiều tàu vỏ thép bị "cắt" bảo hiểm

"Ngư dân chúng tôi đã làm đơn gửi UBND tỉnh Bình Định, Ban chỉ đạo NĐ67 của địa phương và cả Pjico Bình Định... để cầu cứu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Những con tàu trị giá hàng chục tỉ đồng phải nằm phơi mưa nắng rất lãng phí" - ông Lê Ngô Hát, chủ tàu BĐ 99168 TS trị giá hơn 21 tỉ đồng, nói. Ông cho biết trong thời gian chờ đợi phản hồi của cơ quan chức năng, bản thân ông phải đi làm công cho các tàu cá khác để kiếm sống vì tất cả vốn liếng đã đầu tư cho con tàu.

Ông Đào Nam Hải, tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Pjico, cho biết doanh nghiệp này chưa thực hiện bán bảo hiểm tàu cá với một số tàu vỏ thép NĐ67 do bị tổn thất khá lớn. 

"Với tàu theo NĐ67, chúng tôi đã tham gia trên 4 năm nhưng năm nào cũng lỗ, tổn thất quá lớn. Đặc biệt, trong tháng 7-2019 có 4 - 5 tàu bị chìm không rõ nguyên nhân. Tổng công ty đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét để Pjico ngừng tham gia chương trình tàu cá NĐ67" - ông Hải nói.

Trả lời chúng tôi về việc các tàu NĐ67 không mua được bảo hiểm, ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định - cho biết cơ quan này đã làm việc với Công ty CP bảo hiểm Petrolimex (Pjico) Bình Định vào tháng 9-2018. Công ty này cho biết vẫn nhận đơn và hồ sơ yêu cầu mua bảo hiểm của ngư dân, đã kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế và báo cáo về tổng công ty xem xét, có ý kiến theo quy định.

"Tuy nhiên, đến nay Tổng công ty Pjico chưa có ý kiến phê duyệt nên chưa thực hiện bán bảo hiểm cho ngư dân" - ông Phúc nói. 

Ông cho biết cơ quan này cũng đã làm việc với các công ty bảo hiểm khác trên địa bàn (Công ty bảo hiểm Bảo Việt và Công ty CP Bảo Minh), các công ty vẫn bán bảo hiểm đối với tàu cá vỏ gỗ bình thường.

"Riêng đối với tàu cá vỏ thép, các công ty này cho biết phải có thời gian kiểm tra đánh giá tình trạng thực tế trước khi xem xét cấp giấy chứng nhận bảo hiểm theo như quy định. Nếu được chấp thuận bán bảo hiểm tàu cá, chủ tàu phải trả đủ số tiền phí bảo hiểm 100% theo quy định, sau đó tàu cá hoạt động khai thác vùng biển xa, làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định" - ông Phúc nói.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Bình Định, do Công ty CP bảo hiểm Pjico được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho tàu đóng theo NĐ67 trên địa bàn tỉnh Bình Định, nên địa phương này đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn. Bởi tới đây sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép khác cũng sẽ hết thời hạn bảo hiểm, nếu không mua được bảo hiểm sẽ đồng loạt nằm bờ. 

"Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bộ. Nếu không nhận được phản hồi trong tuần tới, địa phương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến để nhanh chóng giải quyết cho các tàu được ra khơi đánh bắt" - vị này nói.

Ngư dân đi học thợ máy tàu cá: nặng thu tiền, nhẹ kiến thức Ngư dân đi học thợ máy tàu cá: nặng thu tiền, nhẹ kiến thức

TTO - Phóng viên đi học lớp thợ máy dành cho ngư dân tại Khánh Hòa (theo thông tư số 22/2018 ngày 15- 11- 2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và "ngã ngửa" với thực tế: không học gì đáng kể, chỉ nộp tiền... rồi thi (!).

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên