10/05/2019 10:18 GMT+7

Bảo lãnh rủi ro mới thu hút nhà đầu tư

KỸ SƯ TRẦN VĂN TƯỜNG  (BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TP.HCM)
KỸ SƯ TRẦN VĂN TƯỜNG (BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TP.HCM)

TTO - TP.HCM có thuận lợi hơn các địa phương trong nước về điều kiện, áp dụng cơ chế đặc thù, nhưng chưa hẳn sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài nếu thiếu cơ chế bảo lãnh rủi ro.

Bảo lãnh rủi ro mới thu hút nhà đầu tư - Ảnh 1.

Dự án cầu đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được đầu tư theo hình thức PPP - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM kêu gọi nguồn vốn đầu tư gần 1,2 triệu tỉ đồng cho 210 dự án. Trong khi ngân sách còn hạn chế, thành phố cần huy động nguồn vốn lớn, vốn ngoại theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), mời nhà đầu tư làm dự án. Nhưng PPP đang vướng không ít khó khăn.

TP.HCM đã thu hút được Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) tham gia đầu tư PPP theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) tại dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nay là đường Phạm Văn Đồng dài 13,6km, có tổng mức đầu tư lên đến 495 triệu USD.

Ngại rủi ro pháp lý

Theo đó, nhà đầu tư này đã chuyển cho phía Nhà nước 120 triệu USD để bồi thường giải phóng mặt bằng. Được tham gia xuyên suốt dự án, tôi thấy lợi ích rất lớn khi thu hút đầu tư nước ngoài, kế thừa bí quyết quản lý và công nghệ tiên tiến, tham gia mạng lưới toàn cầu, đào tạo nhân lực tại chỗ, có thêm nguồn thu ngân sách lớn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại rủi ro pháp lý trở ngại thu hồi vốn và lợi nhuận. Luật PPP vẫn còn là dự thảo, các dự án dạng này phải qua nhiều cấp phê duyệt, nhiều khâu thủ tục vì phụ thuộc vào các Luật doanh nghiệp, xây dựng, đấu thầu, môi trường, đất đai, đầu tư công... 

Lắm khi thông tin chưa rõ, cán bộ sợ trách nhiệm khi đối mặt với vấn đề chưa có tiền lệ. Hay quá trình thực hiện dự án kéo dài do liên quan đến bên thứ ba (do bồi thường giải tỏa chậm, Nhà nước không kịp giao mặt bằng chẳng hạn). 

Dự án chậm tiến độ làm tăng chi phí, BOT có thể gặp khó bởi người trả phí phản ứng, BT có thể vướng thu hồi quỹ đất giao cho nhà đầu tư vì người giải tỏa khiếu nại. Trở ngại cho nhà đầu tư muốn tham gia thực hiện dự án còn ở khâu tiếp cận thông tin, chưa rõ ràng, ngại mất thời gian.

TP.HCM có thuận lợi hơn các địa phương trong nước về điều kiện, áp dụng cơ chế đặc thù nhưng chưa hẳn sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài nếu thiếu cơ chế bảo lãnh rủi ro. 

Bởi bất kỳ nhà đầu tư nào bên cạnh hợp tác phát triển, không ngoài mục đích lợi nhuận, lo ngại những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, tính toán kỹ lưỡng đến khi đảm bảo niềm tin chắc chắn mới rót nguồn vốn lớn, mà nhất là với những dự án có thời gian hoàn vốn kéo dài.

Nhà đầu tư cần an toàn và minh bạch

Thu hút được đầu tư nước ngoài có tiềm lực lớn, tạo ra giá trị xã hội còn là mắt xích trong mối quan hệ quốc tế, bàn đẩy giúp phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của mỗi địa phương hay quốc gia. 

Càng quan trọng hơn trong giai đoạn hiện đại hóa, xây dựng đô thị thông minh vừa có điều kiện khai thác tiềm lực trong nước về tài nguyên, nhân lực và kéo theo đó là các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật cùng với dây chuyền sản xuất, cách thức quản lý tiên tiến.

PPP là hình thức hợp tác công - tư, mô hình hợp tác dài hạn này cần chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cả rủi ro. TP.HCM mong muốn nhưng chưa hẳn nhà đầu tư muốn tham gia thực hiện dự án. Vậy thì phải "đi cầu vốn". 

Và cần có chính sách thông thoáng, đặc biệt là bảo lãnh rủi ro để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Dự án có bảo lãnh rủi ro được khảo sát, tính toán kỹ ngay từ đầu, trách nhiệm cụ thể giữa các bên sẽ giảm tối đa phát sinh cần điều chỉnh. Công khai các thông tin chi tiết từ bước xúc tiến đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khâu lập dự án, phương án hoàn vốn, thủ tục liên quan… nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tìm hiểu, biết có lợi nhuận sẽ tham gia. 

Hợp đồng dự án cần thống nhất mẫu chung để áp dụng, không phải tài liệu mật nên công khai. Người dân thụ hưởng và trả phí dịch vụ phải được biết các thông tin liên quan, lấy ý kiến cộng đồng càng tạo sự đồng thuận cao thì dự án càng ít gặp phản ứng và giảm thiểu rủi ro cho các bên.

Một khi đã có nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ có cạnh tranh. Lúc đó, tổ chức đấu thầu công khai và chỉ bảo lãnh nhà đầu tư có năng lực tốt, tiềm lực kinh tế mạnh, tăng mức sàn góp vốn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng vốn ngân sách và vốn vay ngân hàng. 

Mức độ bảo lãnh rủi ro tùy theo từng dự án, ưu tiên dự án có thời gian thu hồi kéo dài. Và tất nhiên, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro lỗi chủ quan mình tự gây ra.

Hoàn thiện khung pháp lý cho PPP

Đầu tháng 5-2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đức Trung đã chủ trì cuộc họp về dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng luật này nhằm hoàn thiện khung pháp lý về PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện tại, thúc đẩy các dự án PPP.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản gửi các bộ để lấy ý kiến về các nội dung chính sách then chốt. Ngày 12-4, bộ đã tổ chức họp tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư. Dự thảo Luật PPP cơ bản đã hoàn thiện.

Việc thiếu hụt chính sách về cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn một số dự án giao thông.

Tại văn bản số 1979/BKHĐT-QLĐT, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã lấy ý kiến đối với 3 loại bảo lãnh theo thứ tự ưu tiên áp dụng gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh vốn vay. Về quỹ bảo lãnh, bộ đề xuất hai phương án: một, hình thành Quỹ phát triển dự án PPP; hai, hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Thực trạng đầu tư PPP chủ yếu thu hút các doanh nghiệp trong nước, chỉ định thầu, hầu hết sử dụng vốn vay, lãi vay và các chi phí phát sinh đều đưa vào phương án hoàn vốn. Mà sử dụng vốn vay tư nhân hay ngân hàng, nhà đầu tư vẫn được thanh toán lãi vay và các chi phí có liên quan. 

Nếu vậy, xét về bản chất là Nhà nước đi vay tiền. Nếu vay từ Ngân hàng Nhà nước thì về cơ bản đã dùng tiền nhà nước để làm dự án, khác là lấy tiền từ túi này bỏ qua túi kia. 

Nhà nước phải bỏ vốn để đầu tư, không giảm gánh nặng ngân sách. Ngoài ra, còn chịu chi phí để nhà đầu tư có lợi nhuận, lãi vay cho dự án có mức đầu tư hàng chục ngàn tỉ là số tiền không nhỏ, cho thấy đầu tư bằng tiền đi vay kém hiệu quả.

Không để tình trạng nhà đầu tư đến Không để tình trạng nhà đầu tư đến 'xí đất'... rồi bỏ chạy

TTO - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã nói như vậy tại Hội nghị tiếp xúc cử tri doanh nghiệp diễn ra sáng 26-4 với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn Long An.

KỸ SƯ TRẦN VĂN TƯỜNG (BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên