01/06/2011 15:25 GMT+7

Bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ chủ quyền

TẠ QUANG NGỌC(nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản)
TẠ QUANG NGỌC(nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản)

TT - Đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư trình Chính phủ là một việc tích cực của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vì rõ ràng trong quản lý trước mắt vẫn đang còn nhiều bất cập về tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm đối với ngư dân, đối với sản xuất, nguồn lợi, môi trường và đối với chủ quyền lãnh hải (như những nguyên tắc cơ bản nêu trong Luật thủy sản).

Of8tszRv.jpgPhóng to
Bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ chủ quyền. Trong ảnh, Cá ngừ đại dương về bến cá P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Duy Thanh

Chính vì thế, hi vọng sự ra đời của lực lượng kiểm ngư sẽ giúp làm tốt hơn, chí ít cũng giảm bớt những điều bất cập như hiện nay.

Tuy nhiên, theo tôi, chức năng thế nào, hiệu quả hoạt động của tổ chức mới này ra sao là điều rất quan trọng. Nói đến kiểm ngư là mong muốn một lực lượng có quyền lực, có quyền hạn cao hơn, có sự thống nhất tốt hơn về mặt tổ chức. Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ 20 đã có một văn bản tương tự nghị định của toàn quyền Đông Dương về ngư nghiệp, trong đó quy định phạt rất nghiêm ngặt nhưng lại không có cơ quan nào thực hiện việc này cả nên cũng không có hiệu lực gì. Sau này, khi đã hình thành hệ thống kinh tế kỹ thuật thủy sản thì mới tính toán đầy đủ để thể chế, bộ máy và người quản lý được thống nhất.

Khi xây dựng Luật thủy sản, ban soạn thảo cũng cân nhắc giữa hai từ “thanh tra thủy sản” và “kiểm ngư”. Sau nhiều cuộc hội thảo, những cuộc họp của ban soạn thảo và cơ quan thẩm định của Quốc hội, dự án luật được trình Quốc hội dùng thuật ngữ “thanh tra thủy sản”.

Tại nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra thủy sản có nêu rõ đối tượng của thanh tra thủy sản là tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động thủy sản tại Việt Nam. Như vậy cũng có thể dẫn tới một thực tế là chúng ta mới thực hiện việc thanh tra các hành động bất hợp pháp của những đối tượng hợp pháp chứ chưa làm được việc thanh tra các đối tượng hoạt động nghề cá bất hợp pháp.

Nghị định cũng nêu rõ các cơ quan công an, biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra chuyên ngành khác, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan phải có trách nhiệm phối hợp với thanh tra thủy sản, nhưng chưa có văn bản pháp quy chính thức nào quy định về sự phối hợp này mà chỉ là những thỏa ước, ký kết trách nhiệm giữa các lực lượng hoặc quy chế làm việc của một chương trình nhiều ngành tham gia. Cái đó tôi nghĩ là khiếm khuyết. Chính vì vậy, bây giờ làm tốt nhiệm vụ thanh tra thủy sản là điều hết sức quan trọng và nên cân nhắc để có một đề án về kiểm ngư trong tổng thể sự phối hợp chung, mạnh và không chồng chéo.

Đương nhiên cơ quan chức năng phải bảo vệ các quyền lợi của ngư dân. Nhưng lưu ý rằng một cơ quan với chức năng riêng của mình không thể thực hiện được nên phải có sự phối hợp với nhau. Bây giờ giá dầu lên, ngư trường ngày càng khó, nhiều yếu tố không an toàn rình rập ngư dân trên biển.

Vấn đề quan trọng là thanh tra phải đi đôi với tổ chức sản xuất cho dân. Nó phải giúp định hình để sản xuất trên biển có được các tổ chức kinh tế ổn định, hợp tác xã là tổ chức ổn định như vậy, còn các kiểu hợp tác chỉ là quá độ để vượt khó. Như thế không những chúng ta tổ chức sản xuất tốt cho dân mà quan trọng hơn là tổ chức cho người dân, tham gia vào đầy đủ các hoạt động trên biển. Quan điểm ngư dân là chủ thể phải được quán triệt trong quản lý nhà nước đối với nghề cá và hoạt động dân sự của ngư dân cũng là để bảo vệ chủ quyền trên biển.

TẠ QUANG NGỌC(nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên