Chủ nhật, ngày 18 tháng 4 năm 2021
Bất an ở nhà cao tầng ốp kính
TT - Vụ rơi kính lần thứ hai tại tòa nhà Keangnam (cao 70 tầng, huyện Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra chiều 25-5 khi trời có dông gió đang khiến người dân sinh sống trong tòa nhà cảm thấy bất an, lo sợ.
![]() |
Vị trí kính vỡ tại tầng 7 của tòa nhà Keangnam (huyện Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra chiều 25-5 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sáng 26-5, một số người dân ở tòa nhà Keangnam vẫn còn ám ảnh bởi sự cố rơi kính khi trời nổi dông gió chiều 25-5. Ông Trần Xuân Trạch, một hộ dân sinh sống trong tòa nhà Keangnam, kể: chiều 25-5, khi trời râm mát thì mấy tốp thợ sử dụng lồng sắt để lau kính mặt ngoài của tòa nhà. Khoảng 18g30, thời tiết xấu dần, mây đen kéo đến và bắt đầu có dông gió, khi đó vẫn còn công nhân đang làm việc trên các lồng sắt để lau kính.
“Vì dông gió nổi lên rất nhanh, trong khi lồng sắt tại mặt ngoài tòa nhà - khu vực gần bể bơi lúc đó vẫn treo lơ lửng. Do không đưa lồng sắt xuống kịp thời nên dông gió đã làm lồng sắt va đập vào các vách kính, các mảnh vụn kính rơi xuống bể bơi khiến những người chứng kiến cảnh đó và trẻ em trong bể bơi hoảng loạn” - một hộ dân kể lại. Một số hộ dân sinh sống tại tòa nhà Keangnam cho biết ngay trong sáng 26-5, bộ phận quản lý tòa nhà đã tháo nước ở khu vực bể bơi để thu dọn kính vụn. Tuy nhiên điều người dân lo lắng chính là cách bảo trì, vận hành tòa nhà đang tiềm ẩn rủi ro.
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện kính rơi ở tòa nhà Keangnam, ông Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - đặt câu hỏi đầu tiên: “Ở Hà Nội có cả trăm tòa nhà ốp kính ở mặt ngoài, sao chỉ có kính ở tòa nhà Keangnam rơi?”. Theo ông Liêm, rõ ràng cách bảo trì, vận hành của tòa nhà có vấn đề.
“Đây là lần thứ hai tại tòa nhà Keangnam xảy ra chuyện lồng sắt sử dụng khi lau kính va vào các vách kính khi trời có dông gió. Cả hai lần đều như vậy cho thấy việc bảo trì, vận hành và giám sát bảo trì, vận hành, trong đó có khâu lau kính đang bất ổn, đe dọa mất an toàn. Việc lau kính ở các tòa nhà sử dụng kính ốp ngoài cũng như việc bảo trì, bảo dưỡng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nguyên tắc an toàn là chỉ được lau kính trong điều kiện thời tiết tốt. Khi trời xấu, có dông gió mà vẫn để lồng sắt lơ lửng, đó là cách làm thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc trong vận hành” - ông Liêm nói.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng kính ốp ngoài tòa nhà cao tầng không phải là thiết kế mới có ở Việt Nam. Đặc biệt là việc sử dụng kính ốp ngoài tòa nhà đã có quy chuẩn, quy định phải là kính chịu lực, kính an toàn, khi vỡ không rơi thành mảnh to mà chỉ là những hạt, viên để không gây sát thương cho người đi đường.
“Như trường hợp ở tòa nhà Keangnam là do chất lượng đội ngũ bảo trì không được đào tạo chuyên nghiệp. Khi dông gió mà vẫn để lồng sắt lơ lửng, còn có cả công nhân trong đó nữa. Điều này vừa nguy hiểm cho người dân, vừa nguy hiểm cho chính công nhân” - PGS Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), khẳng định.
Ông Phạm Sỹ Liêm nói: “Vụ việc rơi kính lần hai ở tòa nhà Keangnam đã cảnh báo trực tiếp cách vận hành trong bảo trì, vận hành nhà ốp kính nếu cả người bảo trì và cách bảo trì vẫn làm qua loa, dễ dãi”.
Phải cập nhật thời tiết Đó là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho những công nhân thực hiện vệ sinh mặt trước của các tòa nhà, kính của các tòa nhà cao tầng được ông Nguyễn Viết Toàn - bộ phận giám sát an toàn Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bắc Trung Nam - chia sẻ. Ông Toàn cho biết việc cập nhật thông tin thời tiết là rất quan trọng. Ngoài ra, việc cố định lồng sắt (công nhân đứng bên trong làm việc) là điều quan trọng. Thông thường xung quanh các lồng sắt đều được bao bọc bởi lớp đệm cao su nhằm hạn chế lực va đập vào kính khi có dông, gió. Để đảm bảo an toàn hơn thì lồng sắt chứa công nhân phải được cố định bằng các sợi cáp nối từ đỉnh tòa nhà tới mặt đất để hạn chế lồng sắt bị đưa ra xa khi có gió mạnh bất ngờ. Q.KHẢI |
-
TTO - Trước hiện tượng giá đất tăng 10 đến 20 lần, UBND xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã ra công văn cảnh giác đến người dân trong giao dịch dân sự quyền sử dụng đất trên địa bàn xã.
-
TTO - Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đề xuất thu hồi các dự án sử dụng đất rừng nhưng không làm thủ tục thuê rừng theo đúng quy định.
-
Một thập kỷ khởi dựng trở thành nhà phát triển bất động sản hạng sang hàng đầu và chiến lược mở rộng toàn diện của Đất Xanh Miền Trung vừa được kể lại bằng âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật đỉnh cao.
-
TTO - Tình trạng chây ì, chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp chung cư thời gian qua chưa có hồi kết. Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận buộc 22 chủ đầu tư ở Hà Nội phải trả lại cư dân 250 tỉ tiền quỹ bảo trì chung cư.
-
TTO - Sau một thời gian 'trùm mền', những khu đất vàng trung tâm TP.HCM và Hà Nội lại đồng loạt tái khởi động.
-
TTO - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó hàng loạt khu “đất vàng” đã được chính quyền bán không qua đấu giá; cho thuê, giao lại sai quy định.
-
TTO - Những đỉnh mới giá căn hộ tại TP.HCM ghi nhận mặt sáng thành phố có thêm các dự án siêu sang và cũng chứng tỏ nhiều người dân giàu có hơn. Nhưng phía sau việc 'bắt kịp Singapore' ở mảng bất động sản là gì?
-
TTO - Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992. Chiều 13-4, chúng tôi đã đến một số chung cư và không tin ở mắt mình về hiện trạng quá nguy hiểm này. Nhưng phá dỡ không dễ. Tại sao?
-
TTO - Cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ, qua rà soát có khoảng 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng ở cấp C, cấp D. Tuy nhiên sau 14 năm thực hiện vẫn rất hạn chế, chưa tới 10% chung cư nguy hiểm, hư hỏng được xây mới.
-
TTO - Trong 5 năm qua, từ 2015 - 2020, những căn hộ bình dân có giá 1-2 tỉ đồng lần lượt biến mất khỏi thị trường.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận