07/04/2014 08:16 GMT+7

Bất động sản: cùng liên kết để giảm khó

HẢI ĐĂNG - ĐÌNH DÂN thực hiện
HẢI ĐĂNG - ĐÌNH DÂN thực hiện

TT - “Cùng với Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB), chúng tôi chỉ là nhà tổ chức, kết nối các chủ thể tham gia chuỗi liên kết bốn nhà trong chương trình hỗ trợ thị trường bất động sản, chứ không tham gia bán hàng”.

Khuyến khích cho vay qua chuỗi liên kết bốn nhà
Bất động sản phục hồi chậm sẽ tốt hơn
Gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho bất động sản

Phóng to
Một dự án đang xây dựng dang dở ở Q.2, TP.HCM - Ảnh: Đình Dân

Ông Đỗ Văn Quất, phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh - đơn vị cùng với VNCB “chủ xị” chương trình này, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về gói 50.000 tỉ đồng vừa được công bố. Ông Quất cho biết:

- Khi tham gia chương trình này, các chủ đầu tư vẫn toàn quyền chọn lựa sản phẩm, nhà sản xuất, thương lượng giá cả, các chương trình giảm giá khuyến mãi... Nói nôm na là chúng tôi chỉ tổ chức sân chơi cho bốn nhà: ngân hàng (NH), nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và chủ đầu tư dự án, còn các doanh nghiệp tự chơi với nhau chứ chúng tôi không tham gia cũng không can thiệp vào hoạt động này.

* Liệu “gói” 50.000 tỉ đồng có thu hút được sự tham gia của các NH và có đảm bảo được nguồn vốn như đã công bố, thưa ông?

- Hiện có tám NH cam kết tham gia nhóm liên kết này, trong đó có bốn NH lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank nên con số 50.000 tỉ đồng hay thậm chí nhiều hơn không phải là vấn đề. Tôi cũng tin rằng nếu nắm thông tin một cách đầy đủ chương trình liên kết này, các NH khác cũng sẽ sẵn sàng tham gia vì chỉ có lợi chứ chẳng thiệt hại gì. Bởi thực tế, không ai lôi kéo hay làm ảnh hưởng đến khách hàng của các NH.

Chẳng hạn, trước đây NH A tài trợ cho dự án B, nhưng vì một số lý do nào đó đã tạm ngừng cung cấp tín dụng sau khi dự án B này đã hoàn thành 60-70% giá trị công trình. Nếu cùng tham gia nhóm liên kết này, NH A (hoặc một NH khác trong nhóm liên kết) chỉ cần thẩm định giá trị đã đầu tư, đánh giá khả năng tiêu thụ của sản phẩm... và ký bảo lãnh, nguyên vật liệu sẽ được bên thứ ba cung cấp đầy đủ để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án.

Một khi có sản phẩm hoàn chỉnh, dự án sẽ thu hút được dòng tiền mới, từ khách hàng mới và cả những khách hàng đã đăng ký mua sản phẩm trước đó. Nguồn tiền này sẽ chảy ngược trở lại NH A, tức NH sẽ thu hồi vốn đã cho vay thay vì để dự án chết đứng và ôm nợ xấu. Cũng xin nói thêm là chỉ khi dự án hoàn thiện, thậm chí 6-12 tháng sau đó nếu nhà cung cấp nguyên vật liệu chấp nhận bán chịu, NH A mới ghi nợ cho chủ đầu tư và chuyển tiền cho nhà cung cấp, đảm bảo vốn cho vay sử dụng đúng mục đích.

* Liệu chương trình này có thu hút các chủ đầu tư và các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, họ được lợi gì trong chuỗi liên kết này?

- Theo tôi, chắc chắn nhiều chủ đầu tư và nhà sản xuất vật liệu sẽ ủng hộ chương trình này, bởi nó đem lại lợi ích cho cả hai phía. Với tình trạng tồn kho của ngành vật liệu xây dựng hiện nay, đặc biệt là khối lượng ximăng và sắt thép tồn kho lên tới hàng chục triệu tấn, các nhà sản xuất sẽ giải phóng được một lượng hàng đáng kể nếu các dự án dở dang tiếp tục khởi động trở lại. Khi làm việc với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này cho biết sẵn sàng bán chịu từ 6-12 tháng để giải phóng hàng tồn kho.

Về phía chủ đầu tư, ngoài chuyện được tiếp tục bơm vốn để hoàn thiện dự án, thanh khoản của sản phẩm hoàn thiện cũng sẽ tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội thu hồi vốn nhanh để trả nợ vay NH, thay vì chôn khoản vốn đã đầu tư dang dở và chịu lãi suất. Trường hợp nhiều chủ đầu tư cùng tham gia mua hàng với khối lượng lớn thì mức chiết khấu (giảm giá) nguyên vật liệu đầu vào cao hơn, chưa kể chủ đầu tư chỉ nhận nợ và trả lãi cho giá trị đầu tư còn lại sau 6-12 tháng, giá thành sản phẩm sẽ giảm đáng kể và chủ đầu tư có thể giảm được giá bán sản phẩm, người mua nhà cũng được hưởng lợi.

* Ngoài chuyện thiếu vốn, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn cũng khiến nhiều dự án phải ngừng triển khai?

- Điều này phụ thuộc việc thẩm định của từng NH có quan hệ tín dụng với các chủ dự án, của các NH tham gia nhóm liên kết. Sau khi thẩm định, thấy dự án có khả năng tiêu thụ sản phẩm được, các NH mới bảo lãnh để dự án tiếp tục triển khai và hoàn thiện, chứ chúng tôi không có quyền can thiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng với những dự án mà giá trị thực hiện đã đạt 70-80%, chủ dự án sẽ tính toán phương án giá hợp lý để bán được sản phẩm, thu hồi vốn, giảm áp lực lãi vay.

* Vậy tham gia chuỗi liên kết, doanh nghiệp được gì?

- Nếu không tham gia chương trình này, chủ đầu tư cũng phải vay với lãi suất thương mại. Ngược lại, khi tham gia nhóm liên kết này, chủ đầu tư được mua hàng trả chậm không chịu lãi một thời gian dài, đặc biệt là giá nguyên vật liệu sẽ thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, đơn hàng của một dự án là 500.000 tấn ximăng sẽ có mức giảm giá ít hơn đơn hàng lên đến 5 triệu tấn ximăng do nhiều chủ đầu tư gộp lại. Chỉ cần giá xi măng giảm từ 800.000 đồng/tấn cho đơn hàng nhỏ xuống còn 650.000-700.000 đồng/tấn cho đơn hàng lớn, chủ đầu tư sẽ giảm được một khoản chi phí rất lớn.

Không có ưu đãi lãi suất

Theo tổng giám đốc một NH phía Nam, các con số về gói tín dụng này thực chất không quan trọng bằng việc triển khai được đến đâu và hiệu quả đạt được như thế nào. “Nên hiểu đơn giản đây là chương trình cho vay thương mại bình thường, theo lãi suất thị trường và bên vay phải đáp ứng tất cả điều kiện mà NH đưa ra mới được xét duyệt cho vay chứ không có bất kỳ sự ưu đãi nào như gói 30.000 tỉ đồng” - vị tổng giám đốc này nói. Cũng theo ông, điểm khác biệt duy nhất là thời gian qua việc cho vay với các dự án bất động sản theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết thì nay với chuỗi liên kết này, NH đạt được mục tiêu là quản lý dòng tiền, còn bên cung ứng thì thu được nợ, bán hàng đảm bảo thu được tiền về.

HẢI ĐĂNG - ĐÌNH DÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên