03/11/2013 07:05 GMT+7

Bệnh "thiếu iôt" có nguy cơ quay lại

LAN ANH
LAN ANH

TT - Dân gian đã quen với cách dùng từ “thiếu iôt” để ám chỉ người chậm chạp, thiểu năng trí tuệ. Ngỡ rằng cụm từ này sẽ mất đi nhưng trên thực tế độ phủ muối iôt thấp đang đe dọa dẫn tới các bệnh do thiếu iôt tưởng đã được thanh toán từ lâu ở VN.

TS Nguyễn Thị Thanh Hóa, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nội tiết T.Ư, cho hay các điều tra gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy độ phủ muối iôt ở VN chỉ còn trên 46%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và thấp hơn cả với VN ở thời điểm trước năm 2005. Đó là lúc có chương trình mục tiêu quốc gia phòng các bệnh do thiếu iôt với độ phủ muối iôt trên 90%.

Theo TS Hóa, tương tự với tất cả các nước, việc đưa iôt vào các gia vị mặn như muối, nước mắm... là cách làm dễ và rẻ tiền nhất, lại có độ phủ cao đến người dân. Theo Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết T.Ư, sau khi kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia năm 2005, do không còn kinh phí truyền thông, thiếu kinh phí mua hóa chất trộn vào muối ăn là ioddua kali (IK) và iodat kali (KIO3) vốn phải nhập khẩu, việc sản xuất muối iôt đòi hỏi công nghệ cao, cho nên không nhiều loại muối iôt trên thị trường hiện nay đáp ứng điều kiện sử dụng để phòng ngừa các rối loạn thiếu iôt.

Bên cạnh đó, ông Tạ Văn Bình, viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa (Bộ Y tế), cho biết do hình thái địa lý của VN sau mưa lũ nước cuốn trôi nhanh lớp đất màu, cuốn luôn iôt trên lớp đất mặt và làm giảm hàm lượng iôt trong nông sản, vì vậy hiện tượng thiếu iôt diễn ra ngay cả ở các vùng biển.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, giống như muối ăn bình thường, hàm lượng muối iôt được khuyến cáo không quá 6g/người/ngày và không quá 4g/người/ngày với người có bệnh lý huyết áp, tim mạch. Về nhu cầu iôt, bà Lâm cho rằng phụ nữ mang thai và giai đoạn cho con bú là nhu cầu iôt cao hơn cả, khoảng 200-290 mcg/người/ngày.

Theo ông Tạ Văn Bình, độ phủ iôt xuống thấp cũng đồng nghĩa các bệnh do thiếu hụt iôt tăng lên, nặng nề nhất là các bệnh đần độn hoặc thiểu năng trí tuệ do thiếu iôt, suy giáp do thiếu iôt... Có ý kiến đề nghị VN cần nhanh chóng tái khởi động chương trình mục tiêu quốc gia phòng rối loạn thiếu iôt, tăng độ phủ muối iôt trở lại. Tuy nhiên ông Tạ Văn Bình khuyến cáo sau khi đạt được mục tiêu, việc giữ độ phủ muối iôt, phòng ngừa các bệnh do thiếu iôt là nhiệm vụ của từng địa phương chứ không để có tiền, có chương trình thì phòng bệnh, mà hết tiền, hết chương trình quốc gia thì... thôi.

Mặt khác, nên đa dạng hóa các sản phẩm có vị mặn có bổ sung iôt như nước mắm, hạt nêm.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên