26/03/2024 18:20 GMT+7

Bí ẩn ngôi làng mắc bệnh lạ, toàn bộ phụ nữ biến mất

Vào giữa thế kỷ 20, khu vực Eastern Highlands ở miền đông quốc đảo Papua New Guinea bị một căn bệnh bí ẩn càn quét. Toàn bộ ngôi làng không còn một phụ nữ trưởng thành nào.

Một ngôi làng bản địa điển hình ở khu vực Eastern Highlands, miền đông quốc đảo Papua New Guinea - Ảnh: Getty

Một ngôi làng bản địa điển hình ở khu vực Eastern Highlands, miền đông quốc đảo Papua New Guinea - Ảnh: Getty

Một phân tích di truyền mới đây đã làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra bệnh lạ với hậu quả tàn khốc này.

Bệnh lạ làm run rẩy, mất kiểm soát

Dịch bệnh được tộc người Fore ở Papua New Guinea gọi là kuru, từ để chỉ sự run rẩy vì người bệnh mất kiểm soát chân tay và các chức năng cơ thể, sau đó gặp một cơn chấn động trước khi chết.

Bộ tộc Fore tương đối biệt lập với phần còn lại của thế giới cho đến những năm 1930. Đến đỉnh điểm của dịch bệnh vào những năm 1950, người Fore đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới - những người cố gắng tìm hiểu về căn bệnh mà không thể giải thích được.

Sau khi loại trừ các chất gây ô nhiễm, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng dịch bệnh xảy ra có thể do di truyền, cho đến khi người ta phát hiện kuru lây lan qua truyền thống tổ chức các bữa tiệc tang lễ của người Fore. Trong đó, họ ăn thi thể những người thân đã khuất.

Kết quả cho thấy, kuru là một dạng bệnh prion - bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển do sự thay đổi hình dạng của protein prion bình thường của cơ thể.

Lời giải thích hợp lý nhất cho việc vì sao dịch bệnh lây lan là tại một thời điểm nào đó, một người đã chết vì căn bệnh prion xảy ra ngẫu nhiên, chẳng hạn như bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD). Sau đó, mô nhiễm bệnh của người này được cộng đồng tiêu thụ.

Thi thể bị chia nhỏ và bị ăn theo nghi lễ dựa trên niềm tin tâm linh, với một số mô được chuyển đến họ hàng để tiêu thụ. Phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ được chia các phần não và tủy sống, nơi tập trung prion nhiễm bệnh nhiều nhất.

Nhiều phát hiện trong phân tích di truyền mới

Dịch bệnh kuru đã giảm dần trong nhiều thập kỷ sau khi các bữa tiệc lễ tang bị cấm vào những năm 1950. Tuy nhiên, một trung tâm nghiên cứu ở Vương quốc Anh đã tận tâm nghiên cứu căn bệnh này sau khi chính họ phải đối mặt với nó.

Đơn vị prion của Hội đồng Nghiên cứu y khoa Vương quốc Anh tại Đại học College London được thành lập sau hậu quả của "bệnh bò điên" (hay BSE), xảy ra khi gia súc bị nghiền nát rồi làm thức ăn cho gia súc khác, sau đó vươn ra khỏi động vật và tấn công con người, với cái chết đầu tiên của một người trẻ vào năm 1995 do biến thể của bệnh CJD.

Nghiên cứu mới do đơn vị prion dẫn đầu và vừa được công bố trên Tạp chí Di truyền con người Hoa Kỳ, cung cấp góc nhìn di truyền toàn diện nhất về những người sống ở khu vực Eastern Highlands, đồng thời điều tra tác động của dịch kuru đối với các đợt di cư tại đây.

Trước đây, người ta cho rằng kuru đã dẫn đến việc giảm bớt hoặc thậm chí chấm dứt hoàn toàn các cuộc hôn nhân giữa người Fore và các cộng đồng lân cận vì họ liên hệ căn bệnh này với ma thuật.

Phân tích di truyền mới không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự sụt giảm di cư vào các khu vực mà dịch kuru nghiêm trọng nhất, hoặc chấm dứt tập tục sống phụ hệ, nơi cô dâu chuyển đến gần nhà chồng hơn.

"Ngược lại, chúng tôi quan sát thấy sự thiên vị đáng kể dành cho phụ nữ, trong số những người di cư vào các khu vực có tỉ lệ mắc bệnh kuru cao", các nhà nghiên cứu viết. Điều này cho thấy tộc người Fore tiếp tục giữ chế độ phụ hệ, bất chấp những nỗi sợ hãi và căng thẳng được ghi nhận trong cộng đồng do hậu quả của kuru.

Nghiên cứu di truyền trước đó ở người Fore tiết lộ rằng những phụ nữ sống sót mang các biến thể di truyền trong gene mã hóa protein prion, khiến họ có khả năng kháng kuru, cho thấy quần thể người Fore đang tiến hóa để tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. 

Tuy nhiên, khu vực này chưa được nghiên cứu trước đây, nên các nhà khoa học vẫn còn tiếp tục xem xét các khía cạnh.

Bí ẩn ngôi làng mắc bệnh lạ, toàn bộ phụ nữ biến mất- Ảnh 4.'Bệnh lạ' của mẹ bé gái hiếu thảo ở Bình Định, làm sao tránh?

Theo thông tin từ Bệnh viện Bình Định, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện rất nhiều xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ của bà Lan - mẹ bé gái hiếu thảo không đủ tiền mua quần áo cho mẹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên