20/12/2021 16:34 GMT+7

Bị chợ tự phát 'bao vây', tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc

Bài và ảnh: LINH LAN
Bài và ảnh: LINH LAN

TTO - Dù trải qua 2 tháng rưỡi kể từ khi lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối, nhưng đến nay hoạt động này vẫn diễn ra rầm rộ, đặc biệt là ở Bình Điền - chợ đầu mối lớn nhất cả nước.

Bị chợ tự phát bao vây, tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc - Ảnh 1.

Nhiều người buôn bán tự phát trên đường Quảng Trọng Linh bên ngoài chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), kế bên là bảng thông báo phạt tiền đến 6 triệu đồng.

"Người ta buôn bán tự phát bên ngoài chợ từ lúc dịch đến giờ, không biết kiểm soát sao chứ càng ngày càng đông, giờ khách ghé mua ở lề đường chứ không vào trong chợ nữa. Nhờ báo chí tới xem, lên tiếng giúp chứ tiểu thương khổ quá. Cứ như vậy chắc Bình Điền không còn là chợ đầu mối lớn nhất nước mất", chị M. (tiểu thương chợ Bình Điền, Q.8) bày tỏ.

Sau khi nhận được phản ánh của tiểu thương, Tuổi Trẻ Online đã đến ghi nhận tình hình. Cho đến rạng sáng 20-12, dọc hai bên đường Nguyễn Văn Linh kéo dài hơn 1km trước khi rẽ vào chợ đầu mối Bình Điền vẫn còn tình trạng người mua kẻ bán tấp nập. Có tới cả chục xe tải 1,5-2 tấn đậu ngay bên đường để bán rau củ, trái cây, hải sản, gà vịt...

Bị chợ tự phát bao vây, tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc - Ảnh 2.

Xe tải đậu trên vỉa hè, buôn bán tự phát ngay bên hông chợ Bình Điền.

Ở đoạn đường Quản Trọng Linh dẫn vào cổng chợ, hoạt động buôn bán tự phát càng rầm rộ hơn, không chỉ kéo từ vỉa hè đến xuống dưới lòng đường, nhiều người còn mang rau củ, thịt cá trải dọc dải phân cách giữa đường để bán. 

Lòng đường bị lấn chiếm, khoảng 3h sáng, tình trạng tắc nghẽn trở nên trầm trọng, nhiều người cố gắng chạy vượt, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông.

Bị chợ tự phát bao vây, tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc - Ảnh 3.

Nhiều người phải thuê mặt bằng hàng chục triệu mỗi tháng để được bán tại chợ tự phát.

Bên cạnh những người buôn bán tạm bợ, số lượng hàng hóa nhỏ, thì có những người đổ cả xe tải hàng hóa lớn xuống bán, không ít người còn dựng lán trại kiên cố để ngủ lại. Có người cho biết phải trả từ 700.000 đồng/đêm, tương đương 21 triệu đồng/tháng để thuê mặt bằng của các nhà dân trên đường Quản Trọng Linh ngay lối vào chợ Bình Điền để bán hàng.

Vì chợ tạm sầm uất, nên ngoài những người không có sạp cố định, ngay cả tiểu thương chợ Bình Điền cũng mang đồ ra ngoài bán. Để giải quyết tình trạng này, ban quản lý chợ thông báo nếu phát hiện trường hợp nào không vào chợ kinh doanh mà không có lý do chính đáng, hoặc cố tình kinh doanh trái phép ở ngoài chợ, thì sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, thu hồi ô vựa, tuy nhiên nhiều người vẫn có cách "lách".

"Chẳng hạn hôm nay lấy 10 con heo, thì họ chỉ trưng 1 con bán bên trong chợ để có ai kiểm tra thì không sợ bị thu hồi vựa, 9 con còn lại mang ra ngoài đường bán. Phải dẹp chợ tự phát, thì khách hàng mới vô trong này mua, tiểu thương không 'chân trong chân ngoài' nữa", một tiểu thương bán thịt heo nói và cho biết cảm thấy buồn vì mình đóng thuế đầy đủ, chấp hành đúng luật nên buôn bán trong chợ, nhưng thất thu do chợ tạm hoành hành.

Nhiều tiểu thương trong chợ cũng cho biết doanh thu bị sụt giảm từ 80% trở lên do chợ tự phát lấn át.

"Chợ đầu mối lớn nhất nước mà vô trong buồn thiu, thấy mà buồn cho tiểu thương", anh Đức (khách hàng) chia sẻ.

Bị chợ tự phát bao vây, tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc - Ảnh 4.

Nhiều người đặt hàng hóa buôn bán ngay bên dải phân cách giữa lòng đường Quản Trọng Linh.

Bị chợ tự phát bao vây, tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất nước bức xúc - Ảnh 5.

Nhiều người phớt lờ thông tin cấm tự phát buôn bán của cơ quan chức năng.

Bên cạnh Bình Điền, theo ghi nhận cả hai chợ đầu mối còn lại của TP.HCM là chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn vẫn còn tiếp diễn tình trạng buôn bán tự phát.

Trong khi đó, ngay từ ngày 4-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, UBND quận 8 và huyện Hóc Môn khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối.

Ngày 11-11, ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương - cũng cho biết UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương không để chợ tự phát hoạt động trong điều kiện hiện nay, nhằm đảm bảo các điều kiện phòng dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hình ảnh trái ngược giữa chợ tự phát bên ngoài và bên trong chợ Bình Điền:

Trong khi các sạp thịt heo được bán rầm rộ bên ngoài, bên trong khu vực bán thịt heo ở chợ Bình Điền (ảnh phải) lại là cảnh vắng vẻ, nhiều sạp không hoạt động.

Nhiều người buôn bán tự phát bên ngoài, trong khi bên trong chợ Bình Điền (ảnh phải) lại vắng vẻ, thưa thớt cả người mua lẫn người bán.

Mua bán ngay trên lòng đường nên tình trạng kẹt xe diễn ra trên đường Quản Trọng Linh, đối lập khung cảnh thưa thớt người bên trong chợ Bình Điền.

TP.HCM: Không để chợ tự phát hoạt động trong điều kiện hiện nay TP.HCM: Không để chợ tự phát hoạt động trong điều kiện hiện nay

TTO - Ông Lê Huỳnh Minh Tú - phó giám đốc Sở Công thương - cho biết UBND TP.HCM chỉ đạo các địa phương không để chợ tự phát hoạt động trong điều kiện hiện nay, nhằm đảm bảo các điều kiện phòng dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài và ảnh: LINH LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên