27/09/2023 15:29 GMT+7

Bí thư Cần Thơ đề xuất sớm thí điểm dùng cát biển san lấp công trình trọng điểm

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất xem các công trình trọng điểm được nêu trong nghị quyết của trung ương là công trình trọng điểm quốc gia, và sớm hoàn thành thí điểm dùng cát biển san lấp những công trình trọng điểm.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở Bạc Liêu ngày 27-9, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã có những đề xuất về vấn đề ông cho là "bức xúc" của vùng: Thiếu cát san lấp các công trình giao thông và công trình khác.

Ông Hiếu cho rằng các công trình trọng điểm về giao thông quốc gia là các tuyến đường bộ cao tốc. Nhưng các công trình trọng điểm khác được nêu trong các nghị quyết của trung ương đã xác định cho vùng cũng cần được xem là công trình trọng điểm của quốc gia. 

"Ví dụ chúng tôi đang phát triển hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp. Khu công nghiệp đặt tại TP Cần Thơ nhưng phục vụ việc giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông, thủy, hải sản cho cả vùng, không chỉ riêng cho Cần Thơ" - ông Hiếu nói. 

Vì vậy phải quan tâm bố trí nguồn cát san lấp cho các công trình trọng điểm được xác định trong các nghị quyết của trung ương như nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, nghị quyết 59 năm 2020 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ.

Bởi nếu không thì chi phí san lấp quá lớn, từ đó đẩy giá thành thuê hạ tầng khu công nghiệp rất cao, không có khả năng cạnh tranh các địa bàn khác.  

Về vấn đề thiếu cát san lấp các công trình trọng điểm quốc gia, ông Hiếu cho biết cách giải quyết hiện nay là các địa phương có nguồn mỏ cát sẽ chia sẻ cát cho địa phương khác để thực hiện.

Tuy nhiên, vừa rồi trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ cho biết đang thí điểm sử dụng cát biển để phục vụ san lấp công trình giao thông cũng như các công trình khác được xác định là trọng điểm quốc gia, của vùng.

"Tôi đề xuất nên làm sớm cái này, vì đây là nguồn quan trọng, góp phần giảm bớt tình trạng sụt lún, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long nếu tiếp tục khai thác cát sông" - ông Hiếu nói thêm.

Ông Lê Công Thành - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết vấn đề đất, cát san lấp công trình giao thông hiện nay có những vướng mắc, cái nào tháo gỡ được bộ đã báo cáo Chính phủ.

Còn những vấn đề khác, bộ đang tổng hợp để sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản và sẽ tổ chức những hội nghị tham vấn. Ông Thành khẳng định sẽ đề xuất quản lý theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương về quản lý nguồn vật liệu san lấp này.

Giải quyết tình trạng thiếu cát làm đường cao tốc: Chờ kết quả từ 300m đường thí điểmGiải quyết tình trạng thiếu cát làm đường cao tốc: Chờ kết quả từ 300m đường thí điểm

Chưa khi nào các công trình giao thông ở vùng ĐBSCL lại "đói" cát như lúc này. Vậy lấy đâu ra nguồn cát san lấp để giải quyết tình trạng thiếu cát và thực hiện các dự án hiện nay?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên