08/11/2021 10:15 GMT+7

Biển 'nuốt' làng

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - "Mỗi năm biển lại "nuốt" của làng tui bao nhiêu đất. Nghe mấy người trên tỉnh nói là xâm thực rồi biến đổi khí hậu chi đó tui không rõ. Tui chỉ biết chục năm trước biển còn cách nhà tui mấy trăm mét mà chừ đã sát sạt rồi".

Biển nuốt làng - Ảnh 1.

Những đống đổ nát - vết tích của những lần biển lấn làng - Ảnh: NHẬT LINH

Khổ quá nên ở đây là ở liều. Mùa biển động, đêm nằm ngủ trong nhà nghe sóng đánh táp vô tường mà sợ run. Mỗi lần có bão hay sóng lớn là cả nhà phải bồng bế nhau chạy đi tìm chỗ trú khác vì sợ nhà sập.

Chị Hồ Thị Cẩm

Giọng lão ngư Huỳnh Lưu (55 tuổi) át tiếng gió biển vun vút thổi. Cả đời đánh vật với con sóng bạc đầu, chưa bao giờ lão ngư có hạng ở làng chài Xóm Ghềnh, ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại thấy sợ sóng biển như bây giờ. Ông lo biển "nuốt" làng, kéo mất nhà ông ra đại dương.

Lo sợ biển lấn

Chiều cuối thu, làng chài Xóm Ghềnh vắng tanh. Cánh đàn ông trong làng đều ra biển vượt sóng bạc, bủa lưới bắt con cá khoai đầu mùa. Cá khoai biển Phú Thuận là một trong những món đặc sản nức tiếng được thu mua với giá khá cao, đặc biệt với những con cá béo tròn căng thịt đầu mùa biển động.

Cuối làng, cạnh mé bờ biển là căn nhà xập xệ của chị Hồ Thị Cẩm. Gọi là nhà cũng không đúng lắm vì đây là trụ sở bỏ hoang của một công ty nuôi tôm, cua giống. Vợ chồng chị Cẩm cùng 4 đứa con chuyển vào đây cư ngụ vì căn nhà của chị đã bị biển "nuốt" trong một hôm sóng to gió lớn mất rồi.

"Cũng do biển lấn làng, "nuốt" hết hồ tôm, cua của công ty này nên họ mới bỏ đi, bỏ hoang trụ sở lại đây. Vợ chồng tui nghèo quá nên phải vô đây ở tạm vì mất nhà rồi. Mà chừ ở đây cũng bị biển lấn vô tận chân nhà tạm rồi. Phập phồng lắm!" - chị Cẩm nói rồi chỉ tay bảo tôi đi về phía sau gian nhà sẽ rõ.

Phía sau gian nhà cũ tồi tàn là một đống tan hoang, đổ nát. Những khối bêtông nham nhở lạnh tanh bị vùi sụt nền móng xuống bên dưới, nằm chỏng chơ trên bãi cát vàng. Bức tường rêu mốc vẫn còn vết tích của đợt sóng biển đánh ập vào in hằn lên rõ đậm.

Khu vực này trước đây là nhà ở, hàng quán bán phục vụ khách du lịch của người dân Xóm Ghềnh. Tuy nhiên, những năm gần đây biển lấn làng khiến nhiều công trình hư hại, sụp lún nên người dân bỏ đi nơi khác hết cả.

Tựa lưng vào căn nhà của chị Cẩm là một đoạn kè bằng bao cát mới được chính quyền đắp tạm để ngăn biển xâm thực. Những bao tải bằng cát xếp chồng lên nhau được cố định bằng cột gỗ tạm bợ, mong manh trước biển.

Tan hoang làng chài

Cách nhà chị Cẩm vài bước chân là đến khu "bãi ngang" đậu ghe của người làng chài Xóm Ghềnh. Khu bãi đậu ghe này, theo dân làng trước đây vốn là một con đường dẫn ra biển với rặng phi lao dài tít tắp. Nhưng rồi đến mùa biển động, sóng cứ lấn dần vào đất liền khiến con đường cũng bị "nuốt" mất và trở thành bãi ngang đậu ghe từ lúc nào.

Thoắt tay xếp lưới sau một buổi đánh bắt cá khoai trở về, lão ngư Huỳnh Lưu kể rằng do cá khoai đầu mùa ít nên chỉ bắt được vài cân cá. Trừ tiền dầu, ông và bạn ghe chia nhau người cũng được trăm ngàn bạc.

Chỉ tay về phía khơi xa, ông Lưu nói rằng trước kia bãi biển nằm ở phía tận ngoài kia cả mấy trăm mét. Nhưng rồi biển cứ lấn dần vào trong và đến bây giờ làng chỉ còn cách biển độ vài chục bước chân.

"Gọi là làng chài chứ trong xóm tui cũng chỉ còn khoảng vài người là theo nghề biển. Một phần do biển lấn, cứ mỗi bận biển động là cả làng phải hò nhau đi tránh trú nơi khác. Đám thanh niên làng thấy cha ông bám biển khổ nên không ham theo nghề, muốn đi ở nơi khác" - ông Lưu thở dài.

Ông kể rằng khoảng mười mấy năm về trước làng chài Xóm Ghềnh đông vui, nhộn nhịp lắm. Tầm 4h sáng, những căn nhà trong xóm đã sáng trưng đèn điện. Đàn ông thì pha trà bày ra giữa sân mời hàng xóm, bạn ghe ngồi nói chuyện đời, chuyện con nước, cá tôm. Đàn bà thì lo chuẩn bị cơm để đến 5 - 6h sáng cánh đàn ông ra biển, bắt đầu cho chuyến mưu sinh đánh bắt.

"Mà ở đây vui nhất là vô mùa hè, hàng quán bán đồ hải sản do dân làng mở sáng trưng. Dân thành phố đánh cả xe hơi về đây ăn uống, vui lắm. Giờ thì tan hoang cả một ngôi làng, cũng do biển lấn cả" - ông Lưu nói.

Còn với ông Lê Chụt (57 tuổi), bạn ghe cũng là hàng xóm sát vách với ông Lưu, ngày trước ngư dân sống khỏe với nghề. Nay thì khác, ngư dân như ông Chụt lo lắng đủ điều. Cá tôm ít dần, lại thêm nỗi lo biển "nuốt" làng khi hằng năm bờ biển cứ tiến sát gần ngôi nhà của ông.

Cũng theo ông Chụt, chính quyền vận động, cho đất để người dân trong làng đến nơi khác tái định cư. Nhiều hộ dân đã nhận đất đến nơi ở mới vì nỗi lo biển lấn.

Tuy nhiên, ông Chụt cùng nhiều hộ dân khác chưa thể đi vì vướng mắc chuyện đền bù, và hơn nữa làng chài lo mất nghề biển nên cứ dùng dằng mãi mà chưa đi hết cả.

Biển nuốt làng - Ảnh 3.

Đê chắn sóng làm từ bao cát ngay sát vách nhà chị Hồ Thị Cẩm được chính quyền xã Phú Thuận cho đắp tạm để chắn biến lấn - Ảnh: NHẬT LINH

Mong sớm xây kè chống sạt lở

Ông Đặng Tiến Tùy, chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết những năm gần đây tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển ở địa phương diễn ra rất nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền từ 10 - 30m. Đến nay, toàn xã mới chỉ có khoảng 1km bờ biển được xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, còn hơn 4km đường biển vẫn chưa có kè và đang bị xâm thực nghiêm trọng.

Biển lấn khiến khoảng 500 hộ dân của xã Phú Thuận bị ảnh hưởng đến đời sống, thậm chí nhiều khu vực dân cư ở thôn Tân An, Trung An... xuất hiện sụp lún, hở hàm ếch uy hiếp tính mạng người dân.

"Chính quyền đã di dời được một số hộ dân sống trong vùng xung yếu đến nơi ở mới. Tuy nhiên về lâu dài xã cũng mong được quan tâm, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển. Có vậy người dân ven biển mới yên tâm bám biển" - ông Tùy nói.

Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết bờ biển ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị xâm thực khoảng 300m tính từ năm 1975 đến nay. Các nhà khoa học tính toán được từng ấy năm Thừa Thiên Huế mất hơn 45ha đất ven biển. Tốc độ biển lấn ngày một nhanh hơn từ sau trận đại hồng thủy năm 1999.

Hiện nay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đề xuất UBND tỉnh xây dựng kè chống sạt lở các đoạn bờ biển xung yếu với kinh phí hơn 1.336 tỉ đồng.

"Ngoài ra còn có nhiều biện pháp khác để chống biển xâm thực như chỉnh trị, nạo vét luồng lạch, cửa biển; trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ; rà soát, di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm... sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới" - ông Hùng nói.

Ông Phan Thanh Hùng cho biết hiện nay toàn tỉnh có hơn 12,4km bờ biển bị xâm thực, sạt lở nặng, tập trung khu vực các xã ven biển huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền...

Tốc độ biển lấn trung bình hằng năm từ 3-5m, có nơi 5-7m (trong đó đặc biệt đoạn bờ biển qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc trong 10 năm trở lại đây bờ biển đã xói sâu vào 100 - 200m).

Biển lấn đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp ở 24 xã và thị trấn ven biển, uy hiếp đến dải cồn cát và có nguy cơ mở cửa biển mới - điều từng xảy ra vào trận đại hồng thủy ở Huế năm 1999 khiến hàng chục người thiệt mạng. Biển xâm thực còn gây nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rộng 22ha đầm phá Tam Giang, Cầu Hai.

Dựng nhà cho người dân vùng sạt lở Dựng nhà cho người dân vùng sạt lở

TTO - Nhiều tháng sau những đợt mưa lũ cuối năm 2020, người dân bị vùng sạt lở, lũ quét ở tỉnh Quảng Nam đã dọn vào ở trong nhà mới, bắt đầu một cuộc sống mới.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên