16/12/2006 04:27 GMT+7

Bình Định: Tập trung phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TT - Xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là vấn đề thời sự tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định lần này (14-12 đến 17-12) với chủ trương tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

7MHFISV0.jpgPhóng to
Cầu Thị Nại nối Khu kinh tế Nhơn Hội với TP Qui Nhơn - Ảnh: Bảo Trung

“Phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục về đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, giao đất, thẩm định và phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng, nộp thuế, xuất nhập khẩu... áp dụng cơ chế “một cửa” liên thông” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà phát biểu.

HĐND tỉnh xác định ưu tiên hàng đầu là lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh khu tái định cư, giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Trước mắt tạo thuận lợi cho bảy dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội được khởi công gồm: Khu công nghiệp A (630ha), khu du lịch Trung Lương, khu dịch vụ - du lịch bắc đầu cầu Nhơn Hội, đường trục khu kinh tế và các dự án đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước (giai đoạn 1), hạ tầng dịch vụ viễn thông...

Bên cạnh đó là chiến dịch quảng bá về Nhơn Hội và tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khu du lịch Hải Giang, Vĩnh Hội, Khu công nghiệp Nhơn Hội (khu B), cảng tổng hợp, nhà máy lọc dầu, cảng dầu, nhà máy đóng tàu...

Khu kinh tế Nhơn Hội được xác định là “cơ hội vàng” để Bình Định công nghiệp hóa, nâng cao tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. So với năm trước, giá trị công nghiệp tăng 17,53%, đáng chú ý khu vực nhà nước tăng 2,5%, khu vực ngoài nhà nước tăng 27,7%, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 112,7%.

Một số vấn đề hạn chế nổi cộm được nêu ra trong chương trình nghị sự của kỳ họp HĐND lần này là vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng nguyên liệu còn lúng túng, hiệu quả thấp. Chương trình bò sữa, chương trình dứa nguyên liệu kém hiệu quả. Dịch bệnh lở mồm long móng gia súc có lúc bùng phát, lây lan trên diện rộng. Tình trạng lấn chiếm đất đai nuôi trồng thủy sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn. Dịch bệnh tôm còn ở mức cao. Tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, nạn ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất công nghiệp ảnh hưởng môi trường sống của dân cư đã liên tục dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người, gây phức tạp tình hình trật tự xã hội.

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên