29/08/2021 17:00 GMT+7

Bình Dương chung sức vượt qua đại dịch

T.D.V - BÁ SƠN
T.D.V - BÁ SƠN

Các tổng đài viên 1022 ngày đêm tiếp nhận thông tin khó khăn của người dân, các bệnh viện dã chiến được gấp rút xây dựng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, hàng ngàn y bác sĩ, tình nguyện viên khắp tỉnh thành cùng Bình Dương chống dịch.

Bình Dương chung sức vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Bệnh viện dã chiến số 1 tại thành phố mới Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến "điểm nóng" Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cũng là lúc thể hiện sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và chính quyền tỉnh để đánh thắng đại dịch, chuẩn bị cho giai đoạn ổn định sản xuất trở lại.

Áp dụng công nghệ để chống dịch

Những ngày giãn cách xã hội, hàng triệu người dân được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" để hạn chế lây lan của dịch bệnh cũng là lúc phát sinh rất nhiều khó khăn cần được giúp đỡ về lương thực thực phẩm, chăm sóc y tế...

Các tổng đài viên của Hệ thống 1022 tỉnh Bình Dương mỗi ngày nhận hàng ngàn cuộc gọi. Nhu cầu phản ánh của người dân tăng đột biến nên nhiều cán bộ, nhân viên của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương cùng nhiều tình nguyện viên đã tăng cường để hỗ trợ tiếp nhận phản ánh của người dân. Có thể nói, Hệ thống 1022 là một "cứu cánh", làm cầu nối giữa người dân và chính quyền, hỗ trợ giải quyết rất nhiều khó khăn của nhân dân những ngày này.

Ông Lê Tuấn Anh - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bình Dương - cho biết việc áp dụng công nghệ để phục vụ công tác phòng chống dịch còn thông qua việc đưa vào vận hành Hệ thống Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống thông tin tác chiến đã giúp nâng cao năng lực tiếp nhận, ra mệnh lệnh chỉ huy, điều phối các lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân liên quan công tác phòng chống dịch.

Doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến

Một điểm sáng tại Bình Dương là có nhiều bệnh viện dã chiến được đưa vào hoạt động với sự hỗ trợ của doanh nghiệp nên được xây dựng nhanh chóng, hoạt động hiệu quả, góp phần chữa khỏi bệnh cho hàng chục ngàn lượt ca F0.

Tiêu biểu như ngay từ khi dịch bắt đầu chuyển biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo triển khai Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.500 giường. Sau đó hàng loạt khu điều trị lớn khác được đưa vào hoạt động như khu điều trị Thới Hòa 5.300 giường và có kế hoạch mở rộng lên 12.300 giường (do Tổng công ty Becamex IDC tài trợ); khu điều trị tại Trường đại học Việt - Đức 3.000 giường (do Công ty TNHH Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương xây dựng), khu điều trị tại Bàu Bàng 5.000 giường (Công ty TNHH Hoàng Hùng tài trợ), hay khu điều trị dã chiến Dầu Tiếng (do Tập đoàn Charm Group tài trợ chính, thông qua chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19")...

Để đạt mục tiêu giảm thiểu tỉ lệ tử vong, Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương được thành lập tại khuôn viên của Bệnh viện Quốc tế Becamex. Bệnh viện có sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng nhiều bác sĩ, nhân viên y tế từ các tỉnh thành được Bộ Y tế điều động hỗ trợ Bình Dương.

Bình Dương chung sức vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

“Tỉnh rất trân trọng đóng góp của các doanh nghiệp. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tài trợ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, Nhà nước đầu tư thiết bị y tế, nhân sự... đã giúp có ngay các bệnh viện dã chiến, đáp ứng được đòi hỏi cấp bách chống dịch bệnh".

Ông VÕ VĂN MINH (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Chăm lo công nhân, sẵn sàng cho sản xuất

Một trong những yếu tố hàng đầu luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm là chăm lo cho công nhân, người lao động để họ yên tâm ở lại, vượt qua giai đoạn khó khăn để cùng nhau khôi phục sản xuất. Hỗ trợ thực phẩm, tiền phòng trọ, tiêm vắc xin cho công nhân là những chính sách nhân văn được chủ động triển khai tại Bình Dương.

Ông Bùi Minh Trí - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - cho biết để đảm bảo không đứt gãy sản xuất và duy trì thu nhập cho người lao động, có trên 1.300 nhà máy duy trì sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Người lao động tại các doanh nghiệp này được ưu tiên tiêm vắc xin. Tới nay đã có 87% người lao động sản xuất "3 tại chỗ" được tiêm mũi 1 và Ban quản lý sẽ phối hợp với chủ đầu tư các khu công nghiệp tiếp tục tiêm mũi 2 cho họ, cũng như tiêm cho các công nhân, người lao động còn lại để họ yên tâm làm việc.

Với cách làm Nhà nước cung cấp vắc xin, giám sát đối tượng, còn mặt bằng tổ chức tiêm, nhân sự y tế, chi phí tổ chức... được doanh nghiệp hỗ trợ nên năng lực tiêm vắc xin cho người lao động được đẩy nhanh và tổ chức bài bản, phát huy hiệu quả tốt.

Ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh Bình Dương còn quyết định hỗ trợ một phần tiền phòng trọ và tiền lương thực, thực phẩm cho hàng trăm ngàn lao động khó khăn. Thủ tục nhận được đơn giản hóa, tới trao trực tiếp tại các khu phòng trọ. Đối với người dân tại một số phường có nhiều ca mắc COVID-19 phải phong tỏa (4 phường tại thành phố Thuận An và 7 phường tại thị xã Tân Uyên), tỉnh còn quyết định cung cấp miễn phí đồ ăn cho người dân với số tiền lên tới 540 tỉ đồng...

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết mặc dù diễn biến dịch trong địa bàn tỉnh phức tạp, nhưng nhiều huyện, thị xã đã hạn chế được dịch và đáp ứng tiêu chí của "vùng xanh" như Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng. Các khu vực này đã lên kế hoạch để dần tổ chức sản xuất trở lại. Với các khu vực khác, bên cạnh việc nỗ lực dập dịch, tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị để hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động sớm tổ chức sản xuất trở lại khi hết dịch, trở lại trạng thái "bình thường mới" để khôi phục kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

screenshot_1630227122

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi thăm các tình nguyện viên Trường đại học Y Hà Nội tăng cường hỗ trợ Bình Dương chống dịch - Ảnh: Bá Sơn

Hơn 3.500 tình nguyện viên giúp sức

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Bình Dương, rất nhiều đoàn hỗ trợ là bác sĩ, y tá và sinh viên y khoa từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố tới hỗ trợ Bình Dương. Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - cho biết có trên 3.500 tình nguyện viên từ các nơi đã góp phần giúp tỉnh giảm bớt cơn "khát" nhân lực y tế, đóng góp vào rất nhiều công đoạn quan trọng như lấy mẫu sàng lọc, tiêm vắc xin và điều trị cho bệnh nhân.

Và còn có hàng ngàn tình nguyện viên là thanh niên, cán bộ viên chức, nhân dân trong tỉnh cũng đã cống hiến công sức ở "tuyến đầu". Liên tục có nhiều chuyến thăm, kiểm tra và làm việc của các lãnh đạo Trung ương như Chủ tịch nước, Thủ tướng và các bộ, ngành tới Bình Dương để hỗ trợ tỉnh phòng chống COVID-19.

T.D.V - BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên