25/11/2023 19:00 GMT+7

Bình Phước phát triển cao tốc, sân bay chuyên dùng, thương mại cửa khẩu thành mục tiêu đột phá

Phát triển hạ tầng cao tốc, sân bay chuyên dùng, thương mại cửa khẩu… là các mục tiêu đột phá phát triển của Bình Phước theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bình Phước kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: A LỘC

Bình Phước kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: A LỘC

Ngày 25-11, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Phước - điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ

Theo đó, quan điểm phát triển của Bình Phước phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế; chú trọng phát huy hiệu quả nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.

Có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu…

Trong đó, mục tiêu cụ thể về kinh tế: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD); thu ngân sách nhà nước đạt 30.000 tỉ đồng.

Về xã hội, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 90% trường đạt chuẩn quốc gia; tạo việc làm mới cho 200.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3%; tỉ lệ hộ nghèo đạt dưới 0,5%.

Về tài nguyên và môi trường, 100% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; trên 70% chất thải rắn được thu gom, xử lý theo quy định.

Bình Phước ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc, sân bay chuyên dùng. Trong ảnh: Quốc lộ 14 nối Bình Phước với khu vực Tây Nguyên - Ảnh: A LỘC

Bình Phước ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc, sân bay chuyên dùng. Trong ảnh: Quốc lộ 14 nối Bình Phước với khu vực Tây Nguyên - Ảnh: A LỘC

Ưu tiên phát triển hạ tầng cao tốc, thương mại cửa khẩu

Theo quy hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Bình Phước trong thời gian tới là tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch…

Đặc biệt, Bình Phước ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Đây được xem là nhiệm vụ đột phá phát triển của Bình Phước trong thời gian tới.

Bên cạnh đó còn có phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bình Phước cũng ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài.

Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Bình Phước phát triển kinh tế rừng gắn với du lịchBình Phước phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch

Trong khoảng 10 năm, tỉ lệ che phủ rừng của Bình Phước tăng từ 13,5% vào năm 2010 lên 22,79% vào năm 2021.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên