06/09/2023 12:20 GMT+7

Bình Thuận làm hồ chứa nước trên 600ha đất rừng, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nói gì?

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, quy trình thẩm tra dự án hồ chứa nước Ka Pét được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ảnh: GIA HÂN

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 6-9, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh thẩm tra chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận.

Chính phủ phải chịu trách nhiệm về số liệu, tính chính xác

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu).

Trong đó, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha).

Về quy trình thẩm tra dự án, bà Thủy nói được thực hiện rất chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Với dự án hồ Ka Pét là dự án nhỏ, thuộc nhóm B nhưng do có tiêu chí chuyển đổi diện tích rừng nên theo quy định pháp luật thì Quốc hội phải cho chủ trương đầu tư. Đồng thời, Chính phủ phải trình hồ sơ chứ không phải UBND tỉnh Bình Thuận.

Để trình hồ sơ, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ càng trước khi trình, trong đó đảm bảo tính chính xác của số liệu, đầy đủ thành phần hồ sơ, các bước thẩm tra để trình hồ sơ.

"Chính phủ đã làm rất kỹ các bước này và có hội đồng thẩm định chặt chẽ. Với địa phương cũng đã thuê các đơn vị nghiên cứu có chuyên môn để khảo sát, đánh giá và việc thống kê rừng cũng phải theo các phương pháp, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Chúng tôi không nói tính chính xác đến đâu bởi không phải là người kiểm chứng hay không chịu trách nhiệm về các số liệu đó. Tuy nhiên, về phương pháp Chính phủ thực hiện thấy đảm bảo các yêu cầu của luật định và chúng tôi thẩm tra trên đó", bà Thủy nói.

Bà Thủy cho biết thêm, suốt quá trình phê duyệt dự án từ năm 2019 đến trước khi báo chí phản ánh vừa qua không nhận được bất cứ ý kiến nào của cử tri hay dư luận liên quan đến diện tích đất rừng của dự án nên cảm thấy "hơi bất ngờ".

Do đó, ngay sau khi dư luận, báo chí phản ánh, ủy ban đã yêu cầu các cơ quan báo cáo. Đồng thời, chắc chắn sẽ có buổi khảo sát thực tế.

"Thậm chí nếu cần thiết sẽ thuê các phương tiện theo dõi diện tích rừng, chất lượng rừng trong đó để kiểm chứng lại. Nhưng về nguyên tắc Quốc hội không chịu trách nhiệm về vấn đề này mà chỉ giám sát, thẩm tra trên hồ sơ, số liệu Chính phủ trình. Chính phủ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này", bà Thủy nêu.

Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng

Bà Thủy cho biết thêm không có điều kiện đi thực tế trên 600ha rừng đó nhưng đã cùng một số nhà khoa học đi khảo sát một điểm của khu vực xây dựng dự án hồ.

Qua đó cũng nắm được tình hình, hiện trạng như Chính phủ trình. Song về chất lượng rừng cụ thể ở toàn bộ khu vực đó ra sao thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Về sự cần thiết xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, bà Thủy cho hay đây là vùng khô hạn nhất nhì của cả nước. Mùa mưa nước ồ ạt nhưng chảy thẳng xuống biển, không có chỗ chứa lại. Mùa khô thì thiếu nước và một năm chỉ sản xuất được vài tháng.

Thêm đó, nếu dùng các giải pháp khác ở đây sẽ rất khó do nguồn nước ngầm không có.

"Như vậy, việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng. Ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du.

Bên cạnh đó còn phục vụ cho sản xuất công nghiệp khi gần đó có khu công nghiệp. Khi có nước mới giúp phát triển công nghiệp, từ đó giúp phát triển kinh tế - xã hội...", bà Thủy nói thêm.

Trước các ý kiến lo ngại việc đổi rừng lấy hồ chứa nước, bà Thủy cho rằng cũng rất tiếc khi phải phá bỏ rừng bởi mất rất nhiều thời gian mới có thể hình thành. Song trong vấn đề này tùy thuộc vào quan điểm, góc nhìn mỗi người.

Nếu nhìn về khía cạnh bảo vệ môi trường sẽ thấy rừng quan trọng hơn nhưng nhìn ở khía cạnh kinh tế, thiếu nước của người dân sẽ thấy hồ quan trọng hơn.

"Mỗi cái đều có lợi hại, ưu nhược điểm nhưng việc chọn phải cân nhắc rất kỹ và đưa ra nhiều phương án. Trong đó, cần chọn phương án nào tối ưu nhất, hạn chế thấp nhất mất diện tích rừng hay sử dụng rừng tốt, nguyên sinh.

Với dự án này, Chính phủ chọn phương án tối ưu và yêu cầu trồng rừng thay thế, gấp 3 lần diện tích rừng sử dụng (hơn 1.800ha).

Như vậy, khi lựa chọn được cây trồng phù hợp sẽ đảm bảo giảm thiệt hại tối thiểu rừng nguyên sinh. Đồng thời, vẫn đảm bảo mật độ che phủ rừng của tỉnh và có thể tăng lên. Do đó, có thể tạm chấp nhận nếu thực sự đúng như số liệu Chính phủ trình Quốc hội", bà Thủy nêu thêm.

Bình Thuận kiểm tra thực địa khu vực rừng làm dự án hồ chứa nước Ka PétBình Thuận kiểm tra thực địa khu vực rừng làm dự án hồ chứa nước Ka Pét

Sáng 6-9, đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đang kiểm tra thực địa khu vực rừng được phê duyệt làm dự án hồ chứa nước Ka Pét.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên