19/09/2022 08:54 GMT+7

Bịt những lỗ hổng thất thoát ngàn tỉ

THÀNH CHUNG - LÊ THANH
THÀNH CHUNG - LÊ THANH

TTO - Đó là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18-9.

Bịt những lỗ hổng thất thoát ngàn tỉ - Ảnh 1.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng, điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ ra lỗ hổng mà chỉ một quyết định hành chính, có thể "tự nhiên 100 tỉ hay 1.000 tỉ đồng mất đi".

Đối diện suy thoái, khó vay vốn

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho biết thắng lợi của ngành dệt may giai đoạn phục hồi này là kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm đạt 31,2 tỉ USD, tăng trưởng tới 20%. Đơn hàng dồi dào. Kết quả này là nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như tiền thuê nhà, hỗ trợ tiền lương...

Tuy nhiên, nhu cầu trên thế giới giảm mạnh do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, giá hàng hóa giảm đáng kể. Như trong tám tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng ngành dệt may xuất khẩu đạt 3,8 - 4 tỉ USD. Nhưng với tình hình thị trường hiện nay, bốn tháng cuối năm dự báo chỉ được 3,1 tỉ USD/tháng.

Khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, theo ông Trường, đó là vốn. Sáu tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tới 9,3% nhưng tháng 7 và 8 tăng trưởng tín dụng ở mức 0,6%; doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, không vay được tiền để mua nguyên liệu.

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết Quốc hội đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chính sách triển khai chưa được như kỳ vọng, điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỉ đồng từ ngân sách trong hai năm 2022 - 2023. Số tiền được hỗ trợ lãi suất đến hết tháng 8 ước mới được 13,5 tỉ đồng...

Ông Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - kiến nghị cùng với việc giữ được ổn định vĩ mô như lạm phát, giá cả, tỉ giá thì vốn là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, tín dụng tăng trưởng khoảng 4% phải bơm vào những nơi cần vốn như lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực có sức lan tỏa nhanh.

Liên quan đến phát triển ổn định bền vững thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết hôm 16-9, Thủ tướng đã ký ban hành nghị định 65 sửa đổi bổ sung một số điều nghị định 53 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định mới sẽ góp phần tạo thuận lợi cho thị trường này phát triển hơn trong thời gian tới.

Bịt lỗ hổng lớn liên quan đất đai

Đất đai là chủ đề được diễn đàn tập trung dành riêng hội thảo để thảo luận. 

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng lâu nay vẫn tranh luận "làm gì có giá đất thị trường". Song theo ông, không nên có sự nhầm lẫn giá đất trên thị trường với giá giao dịch của từng thương vụ. Điều phối đất đai trên thị trường và vốn hóa có thành công hay không phụ thuộc vào xác định giá thị trường. 

Ông Võ dẫn chứng ở các nước công nghiệp chỉ cần xác định được giá đất của nhà nước bằng khoảng 70 - 80% giá đất thị trường là đủ mức cần thiết. Việt Nam nên theo cách thức thông lệ tốt này để làm.

Ông Hồ Đức Phớc chỉ rõ hiện có năm phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thực sự nhất quán, chính xác, tạo một số lỗ hổng. Ông đề nghị phải rà soát lại để định ra phương pháp xác định giá đất.

Cụ thể, ông Phớc cho rằng chuyển mục đích sử dụng đất hiện có lỗ hổng vô cùng lớn mà Luật đất đai 2013 không bịt được, gây ra chênh lệch địa tô, từ đây gây ra sai phạm. Ông cho rằng đất sử dụng mục đích cho thuê khi không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước phải thu hồi lại để đấu giá sử dụng mục đích khác hiệu quả hơn. 

Nhưng theo ông Phớc, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn vào khu đất để lấy, sau đấy chuyển đổi mục đích sử dụng cho thương mại, đất ở. 

"Đây là địa tô chênh lệch, thất thoát từ nhà nước ra bên ngoài. Chỉ một quyết định hành chính tự nhiên 100 tỉ hay 1.000 tỉ đồng mất đi", ông Phớc nêu và đề nghị phải có cơ chế bịt lỗ hổng.

Khắc phục các khiếm khuyết thị trường

Kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam phải kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Về thực tế triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, ông Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tính toán cơ cấu tín dụng cho gói hỗ trợ này để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Đồng thời, cần khắc phục việc doanh nghiệp ngại vay, ngân hàng ngại cho vay.

Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, bất động sản... Ông Huệ nêu rõ các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường... 

Với gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, theo ông Huệ, cần tối thiểu hóa thủ tục để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà:

Sẽ điều hành tín dụng bằng các biện pháp khác

Một số ý kiến cho rằng nên nới tín dụng thêm vài phần trăm nữa. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng tỉ lệ tín dụng/GDP mức 124% là rất cao. Mặt khác, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, khoảng 100%, tức là đã dùng toàn bộ vốn huy động để cho vay.

Nếu tăng tín dụng thêm vài phần trăm nữa thì nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như mặt bằng lãi suất sẽ ngay lập tức tăng lên.

Đến giữa tháng 9, tín dụng tăng trưởng trên 10%, cao hơn so với cùng kỳ những năm trước đây. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14% như mục tiêu đặt ra.

Trước áp lực của lạm phát, việc kiểm soát room tín dụng khá hiệu quả góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Song biện pháp hành chính này không phải là hoàn hảo nên Ngân hàng Nhà nước cũng tính toán đến việc sử dụng các biện pháp khác để điều hành tín dụng.

Giảm thuế xăng dầu: Tiếp tục nghiên cứu

Trả lời câu hỏi về định hướng chính sách của Bộ Tài chính, liệu có tiếp tục giảm thuế xăng dầu nữa hay không, ông Nguyễn Đức Chi cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới nhằm kịp ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Cần có cơ quan giám sát đặc biệt để tránh thất thoát Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Cần có cơ quan giám sát đặc biệt để tránh thất thoát

TTO - Để ngăn từ xa thất thoát trong chỉ định thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông thời gian tới, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng cần cơ quan giám sát độc lập cấp bộ để giám sát quá trình chỉ định thầu các dự án.

THÀNH CHUNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên