15/05/2013 13:10 GMT+7

Bỏ giấy chủ quyền do tiền sử dụng đất quá cao

K.YÊN
K.YÊN

TT - Hàng ngàn hộ dân tại TP.HCM chưa chịu nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (gọi là giấy chủ quyền) do TP thu tiền sử dụng đất quá cao.

7qtHZCTp.jpgPhóng to
Hàng trăm giấy chủ quyền còn tồn đọng tại quận 8 (TP.HCM) vì người dân không đến nhận (ảnh chụp chiều 14-5) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn TP có gần 3.500 hồ sơ nhà, đất do cơ quan chức năng đã làm xong thủ tục cấp giấy chủ quyền nhưng người dân không đến nhận. Các trường hợp này tập trung ở các quận: 8, Gò Vấp, Tân Phú. Theo các chi cục thuế, đây là hiện tượng bất thường.

“Mua” đất của mình

“Đất của cha mẹ cho tôi từ trước giải phóng đến giờ, nay phải đóng gần cả tỉ đồng tiền sử dụng đất, giống như đi mua lại đất của mình”, bà P. (Q.Thủ Đức) than vãn như vậy khi nói về khoản tiền sử dụng đất mà bà phải đóng cho khuôn viên nhà, đất rộng hơn 250m² của mình.

Phần đất này bà P. được chia thừa kế từ năm 1974 nhưng do đã có nhà ở Q.Bình Thạnh nên bà không xây nhà ở. Nay bà định chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở hoặc bán lấy tiền mua nhà ở nơi khác. Khi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, bà P. khai đã có một căn nhà ở Q.Bình Thạnh nên toàn bộ khuôn viên 250m² của bà bị tính tiền sử dụng đất với giá bằng bốn lần giá đất do TP quy định.

Tổng cộng số tiền sử dụng đất bà P. phải đóng đến hơn 980 triệu đồng. Không “chạy” đâu ra tiền đóng cho Nhà nước, bà P. đành phải ghi nợ tiền sử dụng đất.

Tương tự, nhiều hộ dân ở quận 8 cũng tá hỏa khi nhận được thông báo tiền sử dụng đất quá cao. Thắc mắc với cán bộ thuế, họ được giải thích do họ có phần nhà, đất vượt hạn mức đất ở hoặc là có nhà, đất thứ hai nên phải đóng tiền sử dụng đất theo hệ số do UBND TP ban hành (bằng hai lần giá đất do TP quy định đối với trường hợp cấp giấy chủ quyền, bằng bốn lần giá đất do TP quy định đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất).

Nhiều hộ dân không có tiền đóng tiền sử dụng đất đã xin hủy giấy chủ quyền nhà, đất hoặc xin điều chỉnh giảm diện tích đất trên giấy chủ quyền để số tiền phải đóng thấp hơn nhưng đều không được chấp nhận. UBND Q.8 cho biết, theo quy định, chỉ khi nào xác định giấy chủ quyền đã cấp là trái luật thì cơ quan thanh tra mới kiến nghị thu hồi. Trong trường hợp này, các giấy chủ quyền trên đều được cấp đúng quy định nên không có lý do để hủy bỏ, thu hồi hay điều chỉnh giảm diện tích.

Tại Chi cục Thuế Q.8, hiện có hơn 500 trường hợp đã có thông báo thuế nhiều lần nhưng người dân không liên hệ cơ quan này để nộp thuế hay ghi nợ. Đây là con số cao bất thường từ trước đến nay. Tại Q.Thủ Đức, hiện có khoảng 150 hồ sơ ghi nợ tiền sử dụng đất với số tiền khoảng 49 tỉ đồng; có 46 hồ sơ không được người dân liên hệ lại với số tiền sử dụng đất phải đóng khoảng 20 tỉ đồng.

Vì sao thu cao?

Một người dân ở P.5, Q.8 viết tâm thư gửi chủ tịch UBND phường cho biết số tiền sử dụng đất cao quá sức tưởng tượng nên gia đình bà không biết phải đóng bằng cách nào. Cuối thư, người dân này kiến nghị xin các cấp có thẩm quyền giảm mức thu tiền sử dụng đất để người dân bớt khổ.

Một thành viên của ban soạn thảo các quy định về hệ số tính tiền sử dụng đất tại TP cho biết những chính sách về tiền sử dụng đất của TP đều tuân thủ đúng những quy định của pháp luật. Nghị định của Chính phủ quy định tiền sử dụng đất phải bằng giá thị trường, cách tính của TP.HCM thực tế đã giảm tiền sử dụng đất khoảng 20-30% so với giá thị trường. Lãnh đạo một sở có trách nhiệm của TP giải thích: tại TP.HCM, mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng ngang bằng với giá thị trường nên tiền sử dụng đất cũng phải thu ở mức cao.

Được biết, trong cuộc họp gần đây, UBND TP.HCM đã quyết định xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá đất để thu tiền sử dụng đất bằng hai lần giá đất của Nhà nước. Hiện nay, thường trực thành ủy và UBND TP đã yêu cầu Sở Tài chính TP phải báo cáo về tình hình áp dụng giá đất để thu tiền sử dụng đất.

Vì sao có hệ số K?

Theo nghị định 69 (ban hành năm 2009) và những nghị định khác hướng dẫn về giá đất quy định: bảng giá đất do Nhà nước ban hành dùng để tính tiền sử dụng đất khi người dân và doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước. Nếu như thời điểm đóng tiền sử dụng đất, bảng giá đất do Nhà nước ban hành không sát với giá đất thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND các tỉnh, thành quyết định giá đất cho phù hợp. Theo thông tư 93 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu tiền sử dụng đất, để đơn giản hóa việc tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường của hộ gia đình, cá nhân, UBND các tỉnh thành xây dựng hệ số K để áp dụng tính tiền sử dụng đất. Hệ số K này được xây dựng trên công thức: lấy giá đất thị trường chia cho giá đất theo bảng giá do tỉnh, thành ban hành hằng năm.

Tại TP.HCM, theo khảo sát của cơ quan chức năng, hệ số K trên dao động từ 4-8, nên UBND TP.HCM đã quyết định lấy hệ số K từ 3,5-4,5 tùy các địa bàn để áp dụng thu tiền sử dụng đất cho trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức. Hệ số K là 2 cho trường hợp hợp thức hóa diện tích đất ngoài hạn mức hoặc hợp thức hóa căn nhà, thửa đất thứ hai trở lên.

Hà Nội: hệ số K chỉ từ 1,2-2 lần giá đất do TP quy định

Ông Lê Thanh Nam, trưởng phòng đăng ký thống kê Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, khẳng định tại Hà Nội không có chuyện người dân không nhận giấy chủ quyền vì TP thu tiền sử dụng đất quá cao.

Trả lời câu hỏi “Vì sao cùng áp dụng thông tư 93 của Bộ Tài chính hướng dẫn tính tiền sử dụng đất ngoài hạn mức theo giá thị trường mà Hà Nội tính hệ số K thấp hơn TP.HCM?”, ông Lê Thanh Nam cho rằng hiện nay bảng giá đất do UBND TP Hà Nội quy định cũng tương đối cao nên các ngành thống nhất đề xuất và được UBND TP quyết định cho áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất bằng 1,2-2 lần giá đất do TP quy định. “Giá đất cao nhất tại Hà Nội theo bảng giá đất do TP quy định là 81 triệu đồng/m² đối với một số khu vực Q.Hoàn Kiếm. Với những trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất vượt hạn mức phải áp dụng hệ số K tới hai lần thì giá đất để tính tiền sử dụng đất là 162 triệu đồng - mức giá này vẫn thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nên người dân chấp nhận được” - ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, hệ số K tại Hà Nội sẽ được điều chỉnh hằng năm, tuy nhiên khi tính toán, đề xuất, các ngành vẫn phải chọn phương án hệ số K ở mức hợp lý để người dân thực hiện được. “Trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, hệ số K cao nhất chỉ tới hai lần để người dân không cảm thấy khó khăn khi thực hiện. Nhưng trong việc bồi thường, cũng với bảng giá đất do TP ban hành, ở một số khu vực phải áp dụng cơ chế đặc thù tính hệ số K để bồi thường cho dân lên tới 2,5 hoặc ba lần để người dân có lợi” - ông Nam nói thêm.

X.LONG

K.YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên