11/01/2022 08:05 GMT+7

Bộ trưởng mong sửa luật để tăng nguồn cung bất động sản

B.NGỌC - N.AN
B.NGỌC - N.AN

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Chính phủ đề nghị cho nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại nhưng cần kiểm soát chặt để ngăn trục lợi chính sách.

Bộ trưởng mong sửa luật để tăng nguồn cung bất động sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị sửa luật vì cho rằng quy định hiện tại gây ách tắc, khiến tăng giá nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng 10-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án 1 luật sửa 8 luật, bao gồm nội dung liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Tranh luận nảy lửa về nguy cơ trục lợi

Theo tờ trình của Chính phủ, quy định hiện hành được sửa theo hướng nhà đầu tư được chuyển đổi hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại khi đã có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, các loại đất khá​​c không phải là đất ở…

Đánh giá Chính phủ đã nhận diện các vướng mắc, song một số ý kiến bày tỏ lo ngại nếu sửa đổi theo dự thảo thì Nhà nước cũng như người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu.

Tranh luận lại, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) không đồng tình với quan điểm sẽ có chênh lệch địa tô từ chuyển mục đích sử dụng đất và đấu giá. Bởi thực tế đây là những dự án nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất và quyền này được pháp luật bảo vệ. Ông Hậu nhấn mạnh đây là đất của chính nhà đầu tư nhà ở thương mại, không có quy định nào về việc Nhà nước thu hồi đem đấu giá.

Ông Hậu cho rằng sửa như dự thảo là hợp lý, hợp tình, thực tiễn và sẽ tháo được nút thắt trong đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phát triển, thu hút được nguồn lực xã hội phát triển lĩnh vực này, Nhà nước và xã hội sẽ thu được nhiều giá trị.

Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư… Điều này gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, khiến giá nhà ở tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Các bộ trưởng nói gì?

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về đề xuất sửa đổi khoản 1 điều 75 Luật đầu tư theo hướng cho phép nhà đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích: quy định hiện hành đang tạo ra phân biệt đối xử, vì nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư. 

"Điều này gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, khiến giá nhà ở tăng lên", ông Dũng công nhận.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, quy định khoản 1 điều 75 Luật đầu tư đang gây ách tắc nhiều dự án thương mại, trong đó Hà Nội có 102 dự án, TP.HCM có 150 dự án, Bình Dương có 40 dự án…

Về phương án sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang đề xuất cho phép nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất đối với 3 loại đất phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không cần thông qua đấu giá, đấu thầu.

Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định của Luật đất đai.

Thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu cuối phiên thảo luận về việc ban hành 1 luật sửa 8 luật để gỡ vướng cho đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tinh thần của Chính phủ là cố gắng sửa để thực hiện được và ít thay đổi liên quan tới luật khác. Nếu dự luật này được thông qua thì sẽ có hiệu lực từ 1-3-2022.

Cũng theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc sửa đổi chỉ để làm rõ khó khăn vướng mắc, hoàn toàn không đụng đến các quy định liên quan như sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai. Quy định hiện hành thế nào sau khi sửa đổi vẫn thế, mục tiêu của việc ban hành luật là xử lý các vướng mắc.

Điều kiện được chuyển đổi là phải phù hợp với quy hoạch, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, đất không thuộc diện thu hồi và quá trình làm phải minh bạch.

* TS Nguyễn Hữu Cường (chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội):

Cần tháo những "nút thắt"

Thời gian qua, thành viên câu lạc bộ nhiều lần phàn nàn về những "nút thắt" khiến dự án "giậm chân tại chỗ". Quy định tại điều 75 Luật đầu tư đã làm loại bỏ hàng trăm dự án trên khắp cả nước từ nhiều năm nay, gây lãng phí tài nguyên đất.

Nhiều dự án sau khi chủ đầu tư phát triển được quỹ đất đã được cơ quan nhà nước thẩm định, cũng phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện tiêu chuẩn để đầu tư xây dựng các phân khúc bất động sản, nhưng chỉ vì không có "đất ở" mà nhiều dự án của nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể triển khai được.

Vì vậy, cần sửa luật theo hướng doanh nghiệp được cơ quan nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở thì được triển khai dự án. Điều này giúp các dự án được chuyển đổi thành "đất ở" nếu phù hợp quy hoạch để thị trường bất động sản tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Doanh nghiệp đề nghị sửa theo đề xuất của Chính phủ

6b

Nhiều doanh nghiệp đề nghị sửa luật để tăng cung bất động sản, tránh những cơn sốt đất ảo - Ảnh: QUANG THẾ

Một lãnh đạo Công ty địa ốc Xanh cho hay việc không công nhận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu chủ đầu tư sở hữu các loại đất khác không phải là đất ở dù phù hợp quy hoạch sẽ làm tắc nghẽn phát triển dự án.

"Mục đích của nhà đầu tư là phát triển dự án, tìm nơi ở cho dân. Trách nhiệm của Nhà nước là tạo điều kiện thì người dân mới có nhà, Nhà nước có thuế" - vị này nói và khẳng định quy định chồng chéo hiện nay đang là rào cản khiến dự án được phát triển quá ít. Nó dẫn đến méo mó thị trường, như có doanh nghiệp đầu cơ tích trữ dự án, neo giá cao…

Hiện có doanh nghiệp đã nắm 80 - 90% diện tích đất là "đất sạch" rồi nhưng vướng chỉ 10 - 20% đất không cho lên đất thổ cư, thế là dự án như bị "giết chết", họ phải mòn mỏi chịu cảnh dự án treo đến khi hết vốn để chạy vạy. Vì vậy, vị lãnh đạo Công ty địa ốc Xanh đề nghị Quốc hội sửa đổi luật theo tờ trình Chính phủ với mục đích là phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải chỉ là luật và nằm yên trên giấy gây khó cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng việc sửa đổi bổ sung điểm 1, khoản c, điều 75 Luật đầu tư là cần thiết. Ông Nguyễn Quốc Bảo, chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản TP.HCM, nhấn mạnh đến việc sửa đổi theo hướng của Chính phủ đề xuất sẽ tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn phía Nam đề nghị trong những dự án có dính đất công phải quy định rõ diện tích đất công so với dự án như thế nào mới đấu giá. "Ví dụ doanh nghiệp mua 10ha đất, trong đó chỉ có 200 - 500m2 đất công là bờ ao, bờ ruộng, ranh giới thì không nên gọi là đất công. Không thể lấy cả miếng đất đó để đấu giá.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần công bố về kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để khoanh những vùng đất không được phép chuyển nhượng để người dân, doanh nghiệp được biết, còn những phần còn lại để doanh nghiệp đầu tư. Chứ luật đầu tư mà chung chung thì sẽ khiến doanh nghiệp không dám đầu tư", vị này nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khẳng định việc sửa đổi, bổ sung điểm 1, khoản c, điều 75 Luật đầu tư và điều 23 của Luật nhà ở sẽ không chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

PHƯƠNG NHI

Kinh doanh bất động sản từ năm 2022 phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã Kinh doanh bất động sản từ năm 2022 phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã

TTO - Từ 1-3-2022, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh bất động sản.

B.NGỌC - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên