14/08/2023 16:01 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ sách giáo khoa của Nhà nước có thể tác động ‘tinh thần đổi mới’

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước không?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Có cần bộ sách giáo khoa của Nhà nước?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện trên toàn quốc.

Trong đó có ý kiến của đoàn giám sát nêu "nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước".

Ông Sơn nhấn mạnh việc một lần nữa đề nghị đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung nghị quyết.

Ông nêu trong phiên làm việc giữa đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7 đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này.

Theo đó, dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.

"Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?", ông Sơn đặt vấn đề.

Ông nêu thêm trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?

"Cảm ơn đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng hay chưa?

Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới.

Bộ đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp", ông Sơn nêu rõ.

Ông nói thêm nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo Dục - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa.

Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung nghị quyết 122/2020 của Quốc hội cho phép bộ chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn.

"Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề", ông Sơn nói thêm.

Ông Sơn chỉ rõ hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng nó đang được khắc phục và cải thiện và ngày càng tốt thêm.

Làm sao cho đủ giáo viên và giáo viên sống được bằng nghề

Ông kiến nghị ngoài nghị quyết giám sát này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục. Cần có nhất lúc này là một nghị quyết giao cho bộ chuẩn bị, trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục.

Đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực..

"Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng, chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục", ông Sơn nói thêm.

Đổi mới chương trình giáo dục: Lùi 2 năm vẫn loay hoay, chưa chuẩn bị kỹĐổi mới chương trình giáo dục: Lùi 2 năm vẫn loay hoay, chưa chuẩn bị kỹ

Chương trình giáo dục - sách giáo khoa phổ thông 2018 lùi hai năm mới thực hiện nhưng vẫn có những bất cập, chậm trễ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên