28/02/2023 16:05 GMT+7

Cá còm kho nghệ và nỗi nhớ xứ Nghệ của tôi

Giữa những câu chuyện trong bữa cơm, ông tôi vẫn thường nói vui với cả nhà rằng: "Cá còm nhìn còm nhưng không còm chút nào nha các con. Cứ ăn cơm với cá còm kho thì một buổi sáng ông sẽ chẻ được mười xe củi cho bà chúng bây xem".

Cá còm kho nghệ và nỗi nhớ xứ Nghệ của tôi - Ảnh 1.

Cá còm kho nghệ

Dẫu đã đến rất nhiều vùng, miền khắp đất nước, được nếm thử nhiều món ăn ngon mang đậm bản sắc của từng nơi đó, nhưng tôi chẳng thể nào quên được món cá còm kho nghệ do bà ngoại tôi làm cho các cháu ăn cơm qua những bữa đói.

Món ăn dân dã này đã in sâu trong ký ức của tôi, nhắc nhớ bản thân về xứ Nghệ thân thương của mình.

Cuộc đời mưu sinh khiến tôi xa quê hương đã rất nhiều năm vẫn không có cơ hội trở về. Nỗi nhớ con sông Lam hiền hòa, ôm ấp lấy bãi mía, chảy qua nương dâu, bồi đắp những hạt phù sa cho đất đai màu mỡ luôn thường trực trong tôi.

Cá còm vốn xuất hiện rất nhiều tại vùng sông Lam ở Nghệ An.

Đúng như tên gọi, cá còm vốn chỉ bé bằng ngón tay nhưng sinh sản quanh năm nên loại cá này lúc nào cũng dồi dào. Vào mùa nước cạn, người dân quê tôi thường dùng lưới cỡ nhỏ để đánh bắt cá còm trên sông Lam.

Những ngày mùa xuân, khi ban mai vừa hửng sáng, bà tôi thường xuống bến sông, nơi có những chiếc nốc (thuyền) đánh cá trên sông vừa cập bến.

Bao giờ cũng thế, sau lời chào hỏi với các cô các dì tại bến, bà tôi sẽ tỉ mỉ chọn mua một mớ cá còn tươi mới đem về chuẩn bị bữa cơm của gia đình.

Cá còm kho nghệ và nỗi nhớ xứ Nghệ của tôi - Ảnh 2.

Cá còm

Lại nhớ những hôm sau giờ tan học, tôi thường trốn và ra sông để xem những gia đình vạn chài bên kia làng Đặng chèo nốc sang bên này đánh bắt cá còm. Mỗi chiếc nốc đánh cá sẽ có hai vợ chồng. Nếu người vợ đảm nhiệm việc chèo chống thì người chồng chuẩn bị mọi công đoạn chu đáo để lưới cá.

Ở đầu mũi nốc sẽ được gá một chiếc nhủi lớn. Nhủi cá thông thường được làm bằng hai cây mét (cây luồng) buộc chéo nhau, ở khoảng giữa căng một tấm lưới rộng.

Khi người vợ chèo nốc đâm ngang vào bờ, người chồng lấy một viên sỏi đem sẵn theo ném mạnh vào phía trước nhủi. Lũ cá thấy động theo phản xạ liền bơi ra. Lập tức người chồng sẽ rướn mình đè cán nhủi để cho nhủi nhóc lên khỏi mặt nước.

Thế là họ đã thu được một mẻ cá nhỏ. Những chú cá còm tung tẩy trên lưới, lấp lánh ánh bạc dưới ánh mặt trời. Cá còm vốn là loài thường ăn rong rêu ở đáy sông, kích thước chỉ nhỉnh hơn đầu đũa một chút. Hình dáng cá còm ở sông cũng tương tự như cá cơm ở biển.

Mua cá còm về, sau bước sơ chế, bà tôi sẽ nặn ruột cá ra, rửa sạch và cho vào trách (nồi đất). Thông thường, bà ngoại tôi sẽ ướp cá với hành tăm giã nhỏ, thêm một ít hạt tiêu, mật mía, vỏ quýt tươi hoặc khô thái nhỏ, nước mắm, mì chính và một thứ không thể thiếu được để tạo nên vị thơm ngon đặc biệt, đó là bột nghệ.

Cá còm kho nghệ và nỗi nhớ xứ Nghệ của tôi - Ảnh 4.

Cá còm kho

Ướp cá trong thời gian khoảng từ 10 đến 15 phút, bà tôi bắc trách lên bếp củi để kho. Tôi hay phụ việc vặt bên cạnh như nhặt thêm chút rau, nấu nước pha trà cho ông… trong lúc chờ bà nấu cơm.

Có đôi khi chẳng cần bà nhờ vả việc gì, tôi cũng tự giác mang chiếc ghế gỗ nhỏ an tĩnh ngồi nhìn bà nấu ăn trong gian bếp đơn sơ lảng bảng khói, cảm giác yên bình đến dịu dàng.

Bà tôi thường chờ cho ngọn lửa cháy liu riu đến khi gần cạn nước thì cho thêm vào nồi cá một thìa mỡ lợn. Đó là bí quyết giúp cá kho thêm ngon mà không bị khô.

Bên mâm cơm giản dị dọn trên chiếc bàn gỗ hướng ra sông, tôi nếm chút cá còm cảm nhận rõ vị săn chắc, béo ngậy cùng hương thơm phả ra hòa quyện giữa các gia vị tạo thành một dư vị đặc trưng khó tả.

Cá còm sau khi kho xong ăn cùng với cơm nóng, thêm chút canh rau tập tàng, cảm giác không thứ gì ngon bằng.

Chẳng vậy mà giữa chừng những câu chuyện trong bữa cơm, ông tôi vẫn thường nói vui với cả nhà rằng: "Cá còm nhìn còm nhưng không còm chút nào nha các con. Cứ ăn cơm với cá còm kho thì một buổi sáng ông sẽ chẻ được mười xe củi cho bà chúng bây xem". 

Chúng tôi nghe xong đều bật cười, thấy món cá còm tự dưng dồi dào dinh dưỡng hơn hẳn.

***

Ông ngoại đã không còn sau một cơn bạo bệnh, chỉ còn một mình bà tôi cô đơn giữa ngôi nhà cũ bên bến sông. Sức khỏe của bà tôi dạo này không được khỏe.

Nhưng khi tôi bảo muốn được ăn một bữa cơm với cá còm kho nghệ. Bà lại tất tả xuống sông để chờ những chiếc nốc từ làng Đặng sang cập bờ.

Trong bữa cơm, bà xót xa nói vẻ đượm buồn rằng đã mấy năm nay, ở khúc sông quê mình, nạn hút cát dưới lòng sông hoành hành dữ quá nên con cá cứ bỏ sông, bỏ làng mà đi, họa hoằn lắm bà mới mua được một mớ nhưng cá còm không được béo như ngày xưa.

Chợt nghĩ, chẳng biết còn bao nhiêu lần trong đời, tôi còn được ăn món cá còm kho nghệ do chính tay bà kho nữa? Bà tôi không còn nhiều thời gian, mà những lần trở về của tôi lại hiếm hoi vô kể.

Mục Ẩm thực của Tuổi Trẻ Online mong muốn nhận được bài viết từ bạn đọc muôn phương.

Các bạn có thể gửi bài kèm ảnh hoặc video về email tto@tuoitre.com.vn, đề gửi bài mục Ẩm thực.

Bài được chọn đăng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định chung của báo Tuổi Trẻ.

Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.

Chuồn cồ nấu với rau ranh, anh ăn một bát mát lành ruột ganChuồn cồ nấu với rau ranh, anh ăn một bát mát lành ruột gan

Còn nhớ quê tôi, khoảng cuối xuân, chớm hè, khi nghe con tu hú gọi bầy vang vọng trên không trung trong buổi chiều quê với điệp khúc "tu hú - tu hú", thì cũng bắt đầu một mùa mít non đeo lủng lẳng quanh thân, gốc hoặc trên cành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên