20/10/2023 18:04 GMT+7

Cả nước chỉ còn 1 bệnh viện dã chiến COVID-19 tại TP.HCM

Hiện Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là bệnh viện dã chiến duy nhất còn duy trì nhằm tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, hiện Bộ Y tế đang xem xét để giải thể bệnh viện này.

Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sẽ đóng cửa bệnh viện điều trị COVID-19

Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - thông tin tại cuộc họp cung cấp thông tin liên quan đến điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Theo ông Khoa, thời gian qua hầu hết các bệnh viện dã chiến tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã giải thể. Bệnh nhân được điều trị tại khoa truyền nhiễm các bệnh viện trên địa bàn.

"Hiện còn Bệnh viện dã chiến số 13 (thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang được duy trì nhằm tiếp nhận bệnh nhân, dự phòng xử lý trong tình huống COVID-19 gia tăng, khẩn cấp.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch tễ đã ổn định. Bộ Y tế đang xem xét giải thể bệnh viện này", ông Khoa cho hay.

Về Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 miền Bắc tại quận Hoàng Mai, ông Khoa cho hay bệnh viện đã giải thể và đang được Bộ Y tế xem xét sử dụng là cơ sở khám chữa bệnh thông thường cho người dân.

Vẫn khuyến cáo đeo khẩu trang, công bố số ca mắc

Theo ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn sẽ duy trì báo cáo số ca mắc hằng ngày.

"Đặc thù của COVID-19 là vi rút vẫn có thể biến đổi. Vì vậy, chúng ta vẫn cần theo dõi, giám sát ca bệnh. Trong đó duy trì cập nhật theo dõi ca mắc, thu thập, phân tích dịch tễ.

Số liệu này sẽ được tổng hợp hằng ngày, hằng tuần và báo cáo đột xuất khi dịch diễn biến bất thường để có những biện pháp ứng phó dịch phù hợp", ông Lân cho hay.

Hình ảnh chống dịch COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Liên quan đến việc có cần thiết đeo khẩu trang khi chuyển COVID-19 sang nhóm B, ông Lân cho rằng việc đeo khẩu trang trong tình hình hiện nay là khuyến khích để phòng các bệnh đường hô hấp khác chứ không riêng gì COVID-19, đặc biệt nơi tập trung đông người, trên phương tiện công cộng.

"Đối với những người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo người bệnh đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Ngoài ra những người đi chăm sóc người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang...", ông Lân nói.

Cũng liên quan đến việc đeo khẩu trang, ông Khoa cho rằng trong các cơ sở khám chữa bệnh nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19 thì có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh.

Về công tác điều trị giai đoạn tới, ông Khoa cho hay kể cả khi COVID-19 thuộc về nhóm B thì vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng, vì vậy phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhật mới nhất tính đến tháng 6-2023.

Thanh toán chi phí điều trị COVID-19 thế nào?

Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19 khi COVID-19 thành nhóm B, ông Phan Văn Toàn - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế - cho biết việc thanh toán viện phí được chia ra theo hai tình huống: nếu điều trị từ ngày 19-10 trở về trước thì ngân sách nhà nước thanh toán, tuy nhiên từ ngày 20-10 Quỹ BHYT thanh toán.

Trong trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20-10 và ra viện từ ngày 20-10 trở về sau, Quỹ BHYT sẽ thanh toán theo nguyên tắc vẫn là nhóm A.

Điều này tuân thủ nguyên tắc chi phí điều trị COVID-19 khi là nhóm A thì ngân sách chi trả, khi là nhóm B thì BHYT thanh toán và người bệnh cùng chi trả. Trong trường hợp này nếu người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán.

"Người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định, tức là đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ phải chi trả phần cùng chi trả hoặc tự chi trả" - ông Toàn cho biết.

COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm bệnh cúm, sởiCOVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm bệnh cúm, sởi

Từ ngày 20-10, COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, cùng nhóm với bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0