08/05/2020 10:23 GMT+7

Các nước nỗ lực vực dậy hàng không

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Hàng không là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh COVID-19. Khi các biện pháp giới hạn đi lại dần được nới lỏng ở một số nơi, các hãng hàng không tìm cách khôi phục hoạt động.

Các nước nỗ lực vực dậy hàng không - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không British Airways đậu ở sân bay Cardiff (Anh) giữa lúc nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh do đại dịch COVID-19 - Ảnh: GETTY IMAGES

Tại cuộc họp thường niên của Hãng đầu tư Berkshire Hathaway tại Omaha (Nebraska, Mỹ) ngày 2-5, tỉ phú Mỹ Warren Buffett đưa ra nhận định gây tranh cãi sau khi bán toàn bộ cổ phiếu 4 hãng hàng không lớn của Mỹ: "Có thể tôi sai và tôi hi vọng tôi đã sai khi nhận định rằng đang có sự thay đổi lớn trong kinh doanh hàng không. Tôi thấy mơ hồ về tương lai ngành này".

Có trở lại cũng chỉ như cái bóng!

Theo Reuters, trong phần chuẩn bị cho buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 6-5 (giờ Mỹ), giám đốc điều hành Tổ chức hàng không Airlines for America, Nicholas Calio, cho biết mỗi hãng bay nước này tốn hơn 10 tỉ USD tiền mặt/tháng trong thời gian vừa qua.

Ngay cả khi đã cấm bay hơn 3.000 chiếc, tương đương gần 50% số máy bay còn hoạt động của Mỹ, Airlines for America ghi nhận các hãng thành viên, bao gồm cả 4 hãng lớn nhất nước, chỉ chở trung bình 17 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa và 29 hành khách trên chuyến bay quốc tế.

"Ngành hàng không Mỹ sẽ trở lại sau cuộc khủng hoảng này chỉ như một cái bóng so với những gì cách đây 3 tháng trước" - ông Calio viết trong bản điều trần.

Tại Anh, giới hàng không đang vô cùng lo lắng khi tới nay London vẫn chưa đưa ra bất cứ biện pháp hỗ trợ nào cho ngành này giống như Mỹ và Pháp đã làm. Hôm 1-5, giám đốc điều hành sân bay Heathrow (London), ông John Holland-Kaye, cảnh báo Anh có thể phá hủy ngành hàng không của mình nếu không nhanh tay.

"Thật đáng thất vọng khi Chính phủ Anh nổi bật trên toàn cầu với tư cách một trong những nước không hỗ trợ ngành hàng không của mình. Tôi nghĩ điều này xuất phát từ việc thiếu sự thấu hiểu về tầm quan trọng của ngành hàng không đối với phần còn lại của nền kinh tế" - ông Holland-Kaye nói.

Heathrow, sân bay lớn nhất châu Âu, thông báo hoạt động thương mại tại đây đã biến mất trong tháng 4, với số hành khách ước tính giảm tới 97%. Nhiều hãng hàng không của Anh vì thế đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Thay đổi ra sao hậu dịch bệnh?

Ông Gary Kelly, giám đốc điều hành Southwest Airlines - một trong bốn hãng hàng không Mỹ bị Berkshire Hathaway bán cổ phiếu, cho biết bản thân hiểu vì sao ông Buffett rời bỏ họ. Dù vậy, ông Kelly không đồng tình với cái nhìn "tiêu cực" của vị tỉ phú này về tương lai của ngành hàng không Mỹ.

CEO Southwest Airlines tuyên bố bản thân không tin rằng ngành hàng không đang đối mặt với việc mất nhu cầu trong dài hạn. Thay vào đó, ông Kelly tin rằng mọi thứ sẽ quay lại bình thường. "Vấn đề là sẽ mất bao lâu" - ông nhấn mạnh và dự đoán hoạt động hàng không quốc tế sẽ tốn nhiều thời gian để hồi phục hơn hàng không nội địa.

Tại Thụy Sĩ, quốc hội nước này đã bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu của chính phủ tung ra gần 1,97 tỉ USD để giúp ngành hàng không vượt đại dịch. Gói hỗ trợ này bao gồm 1,31 tỉ USD bảo lãnh vay cho hai hãng hàng không Lufthansa và Edelweiss. Phần tiền còn lại sẽ chia cho các công ty cung cấp dịch vụ khác như sân bay quốc tế Swissport, Gategroup và SR Technics.

Cho đến nay, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tiên khởi động lại sau khi đã tương đối kiểm soát được dịch bệnh. Ngành hàng không của Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ, dù COVID-19 đã để lại không ít ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong ngắn hạn, bao gồm cả sụt giảm nghiêm trọng doanh thu.

Theo trang Aerotime, về dài hạn, đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi thị trường tỉ dân này ở 3 phương diện chính: mô hình toàn cầu hóa, hành vi khách hàng và công nghệ sản xuất.

Đầu tiên, thị trường hàng không quốc tế của Trung Quốc sẽ trở nên đa dạng hơn và mở rộng ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Ngoài ra, nỗi sợ dịch bệnh vẫn còn sẽ khiến du khách thay đổi hành vi, đồng nghĩa với việc nhu cầu đi lại sẽ giảm xuống. "Ngày một nhiều người Trung Quốc sẽ tránh phải đi ra nước ngoài vì bất an và các vấn đề y tế ở những quốc gia khác", trang này dự đoán.

Cuối cùng, tất cả các hãng hàng không Trung Quốc sẽ buộc phải chi nhiều hơn cho việc khử trùng sân bay và máy bay trước khi tìm được vắcxin trị COVID-19. Giá vé vì thế sẽ trở nên đắt đỏ hơn, gây ra nhiều áp lực hơn cho hành khách khi đưa ra quyết định sử dụng dịch vụ hàng không.

Các nước nỗ lực vực dậy hàng không - Ảnh 2.

Nguồn: NGUYÊN HẠNH - IATA - Đồ họa: TUẤN ANH

Hãng bay Việt Nam lên kế hoạch phục hồi

Ngày 7-5, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa từ nay đến hết tháng 6-2020.

Bên cạnh mục tiêu kích cầu du lịch nội địa cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Vietnam Airlines cho biết đang nghiên cứu mở thêm các đường bay mới thúc đẩy hoạt động tăng trưởng trở lại sau dịch COVID-19. Đồng thời, hãng đang xin đẩy nhanh tiến độ mua thêm 50 máy bay để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.

Vietnam Airlines cũng kiến nghị bổ sung đến Cục Hàng không Việt Nam cho phép hãng hàng không này được hoãn nộp thuế giá trị gia tăng và các khoản ngân sách nhà nước khác đến ngày 31-12; áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay, dịch vụ điều hành bay và phí đỗ tàu bay, miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong giai đoạn 1-3 đến cuối năm 2020.

Đại diện Vietjet Air cho biết từ đầu tháng 5, các kế hoạch bay nội địa của hãng này đã bắt đầu trở lại. Việc đàm phán giãn nợ thành công cũng giúp hãng này có nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp đi qua đại dịch, sẵn sàng khi thị trường khôi phục.

Dịch COVID-19 đã khiến hàng loạt hãng bay ở Việt Nam thiệt hại nặng trong quý 1-2020. Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.600 tỉ đồng, Vietjet Air lỗ 938 tỉ đồng, FLC - đơn vị sở hữu Bamboo Airways - lỗ hơn 1.172 tỉ đồng... Theo báo cáo mới nhất của Bamboo Airways, dự kiến thiệt hại đến hết tháng 5-2020 lên đến 4.455 tỉ đồng.

Nhận định khả năng phục hồi của thị trường, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay phải giữa năm sau thị trường nội địa có thể khôi phục được bằng năm 2019; riêng với thị trường quốc tế, việc phục hồi nhanh nhất cũng phải tới hết năm 2021.

CÔNG TRUNG

Lằn ranh y tế - kinh tế

Hôm 4-5, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã lên tiếng phản đối việc để trống ghế giữa trong một băng 3 ghế trên máy bay để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. IATA cho rằng quy định buộc hành khách và tiếp viên đeo khẩu trang đã đủ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Tổ chức này cho rằng "chi phí sẽ tăng mạnh" nếu những ghế này bị bỏ trống, đồng thời cảnh báo các hãng hàng không sẽ vỡ nợ nếu không thể hòa vốn.

Dù vậy, giới chuyên gia y tế vẫn kêu gọi các hãng hàng không đừng nên hấp tấp khôi phục hoạt động mà bỏ qua nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

Hàng không bắt đầu nhộn nhịp trở lại, đề nghị bay quốc tế từ 1-6 Hàng không bắt đầu nhộn nhịp trở lại, đề nghị bay quốc tế từ 1-6

TTO - Sau thời gian cắt giảm chuyến bay, giãn cách ghế ngồi để phòng chống dịch, Cục hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tăng tần suất bay và dỡ bỏ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên máy bay.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên