02/01/2021 22:10 GMT+7

Cấm phát loa dụ chim yến trong các phường ở Khánh Hòa

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Theo quy định mới của tỉnh Khánh Hòa, kể từ nay tất cả cơ sở chăn nuôi tại các phường trong toàn tỉnh phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới, để chờ di dời. Việc phát loa dụ chim yến cũng buộc phải chấm dứt.

Cấm phát loa dụ chim yến trong các phường ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Nhà nuôi chim yến (có ô cửa sổ trên cao và nhiều lỗ tròn trên tường) tại đường số 6 trong khu đô thị mới Hà Quang 2, TP Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Ông Phạm Bình Hoàn, phó trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đó là theo nghị quyết của HĐND tỉnh về "Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa", đã có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2021.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nuôi chim yến là nghề mới đã phát triển nhanh và rất nhiều trong các năm vừa qua. Cả tỉnh hiện có 355 nhà nuôi yến, với số lượng đàn và chim yến nuôi rất lớn. Hơn 50% số nhà yến đó đang nằm trong các khu dân cư đô thị tại các phường của các thành phố, thị xã, thị trấn. Trong đó, TP Nha Trang là địa bàn có số lượng nhà yến (kể cả trong khu đô thị mới Hà Quang 2) nhiều nhất tỉnh.

Theo luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong đô thị, nhất là trong khu đô thị mới Hà Quang 2, trái phép xây dựng nhà ở được cấp hoặc thiết kế nhà đã được duyệt là vi phạm về xây dựng. Đó là chưa kể các quy định pháp luật thú y, bảo vệ môi trường, về tiếng ồn, thời gian cho phép hoạt động của cơ sở gây tiếng ồn…

Luật chăn nuôi năm 2018 có quy định về chăn nuôi nông hộ là "chuồng trại phải tách biệt với nơi ở của người". 

UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, việc chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trong đô thị, khu dân cư của tỉnh đã tồn tại từ lâu, nhưng "công tác xử lý chất thải chăn nuôi chưa đảm bảo hoặc chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế các năm gần đây thường xuyên có các kiến nghị, phản ánh của công dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi".

Tiếng ồn chủ yếu trong chăn nuôi gây ảnh hưởng, khó chịu thường xuyên với rất nhiều gia đình, cư dân xung quanh là từ các loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến của các cơ sở, nhà nuôi chim yến gây ra. 

Theo quy định mới của Khánh Hòa, việc nuôi chim yến phải nằm ngoài "khu vực không được phép chăn nuôi" trên địa bàn tỉnh.

Cấm phát loa dụ chim yến trong các phường ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Nhà nuôi chim yến (có nhiều lỗ tròn trên tường) trong đô thị gần ngã tư đường Tố Hữu - Đồng Nai, TP Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Khu vực không được phép chăn nuôi, kể cả chim yến tại Khánh Hòa, bao gồm các phường thuộc TP Nha Trang, TP Cam Ranh; thị xã Ninh Hòa và các thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh), Diên Khánh (huyện Diên Khánh) và Cam Đức (Cam Lâm). Cả các "khu quy hoạch trung tâm" của các thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) và của các xã trong toàn tỉnh cũng thuộc khu vực không được phép chăn nuôi.

Tại các địa bàn vừa kể trên, theo nghị quyết HĐND tỉnh đã nêu, kể từ ngày 1-1-2021 nghiêm cấm cho phép "mọc" thêm cơ sở chăn nuôi, nhà nuôi chim yến mới. Tất cả cơ sở chăn nuôi, nhà yến đang nằm trong các phường hiện nay cũng bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải di dời ra khỏi các khu vực không được phép chăn nuôi đó.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Minh Long - chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, đại biểu HĐND tỉnh, "người dân nuôi yến phải đầu tư cho cơ sở, nhà yến với số vốn không nhỏ, có trường hợp lên đến tiền tỷ. Do đó, nếu buộc dừng, di dời ngay là sẽ gây thiệt hại rất nhiều với dân".

Vì vậy, ông Trần Bình Hoàn cho biết, theo Luật chăn nuôi cũng như nghị quyết của HĐND tỉnh Khánh Hòa đã quy định, các cơ sở chăn nuôi, nhà yến đã hình thành, hoạt động từ trước ngày quy định mới có hiệu lực (1-1-2021) thì được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 5 năm nữa.

Nhưng trong thời gian được tồn tại đó, các chủ cơ sở, nhà yến trong khu vực kể trên phải chấp hành quy định "giữ nguyên hiện trạng, không được phép cơi nới".

Đặc biệt là "không được dùng loa phóng phát âm thanh" để dẫn dụ chim yến; đồng thời phải đáp ứng các quy định khác về quản lý nuôi chim yến tại nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi (số 13/2020/NĐ-CP).

Quy định về phát âm thanh khi nuôi chim yến

Theo quy định quản lý nuôi chim yến của Chính phủ (tại điều 25, nghị định 13/2020/NĐ-CP), ngay trong các vùng được phép nuôi chim yến: thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA (đề-xi-ben A).

Còn thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến chỉ được từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày.

Nhà yến tại vùng được nuôi chim yến nhưng nằm trong khu dân cư hoặc chỉ cách khu dân cư dưới 300m thì cũng không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

Sóc Trăng lần đầu tiên buộc ngưng làm nhà nuôi yến Sóc Trăng lần đầu tiên buộc ngưng làm nhà nuôi yến

TTO - Hai căn nhà kiên cố tự ý chuyển đổi công năng toàn bộ hoặc một phần thành nhà nuôi yến đã bị các ngành chức năng TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) lập biên bản.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên