28/06/2023 12:07 GMT+7

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường

A LỘC
và 1 tác giả khác

Là công trình trọng điểm quốc gia, cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM - được theo dõi đặc biệt về tiến độ. Tuy nhiên tỉnh Đồng Nai giao mặt bằng ì ạch, chậm 7 tháng dẫn đến công trình có nguy cơ chậm tiến độ.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 1.

Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của đường vành đai 3 TP.HCM. Dự án đầu tư từ vốn vay ODA của Hàn Quốc. Công trình đã triển khai thi công vào tháng 9-2022 với kỳ vọng hoàn thành vào tháng 9-2025.

Tại công văn triển khai công trình, dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông ngày 23-6, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai xem xét phê duyệt đơn giá đất vào tháng 6-2023 để hoàn thành giải phóng mặt bằng. 

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cùng nhà thầu chính, nhà thầu phụ liên tục đề nghị phía Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng.

Cầu Nhơn Trạch lớn nhất đường vành đai 3 thiếu mặt bằng, nguy cơ chậm tiến độ

Tuổi Trẻ Online trở lại công trường trọng điểm ghi nhận về tình hình triển khai thi công trong bối cảnh thiếu mặt bằng. Những ngày này, nhà thầu cũng đang rất sốt ruột ngóng tin việc giải quyết dứt điểm bàn giao mặt bằng từ phía tỉnh Đồng Nai. Hiện TP.HCM đã bàn giao 100%, còn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có khoảng 21,4% mặt bằng.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 2.

Trong thư gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Cho Byeong Hwan, giám đốc dự án gói thầu cầu Nhơn Trạch (đại diện nhà thầu chính), nhấn mạnh: "Chúng tôi rất lo ngại công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ nếu việc bàn giao mặt bằng cứ bị trì hoãn. Việc chậm mặt bằng sẽ là lý do kéo dài thời gian hoàn thành và phía nhà thầu không chịu bất kỳ trách nhiệm, nghĩa vụ nào với việc làm chậm tiến độ thi công".

Công ty cổ phần Xây dựng công trình 525 - nhà thầu phụ thi công cầu Nhơn Trạch - cho hay hợp đồng thời gian thi công gói thầu trong 36 tháng. Trường hợp phía Đồng Nai bàn giao đủ mặt bằng sớm, nhà thầu sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 30 tháng.

Tuy nhiên, hiện nay thiếu mặt bằng đang đẩy nhà thầu rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Nhà thầu không có đất để làm lán trại, tập kết thiết bị, lập bãi đúc dầm… 

Vì vậy nhà thầu buộc phải bỏ chi phí để thuê đất của người dân (đất thuộc diện chờ đền bù, giải tỏa dự án này) để tập kết vật liệu, máy móc, làm lán trại...

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 3.

Nhà thầu đang huy động nhân lực, thuê mặt bằng, sà lan để đảm bảo tiến độ thi công cầu Nhơn Trạch. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã yêu cầu tất cả nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu phải tập trung triển khai thi công đến đó. Các đơn vị tranh thủ từng chút một khi có mặt bằng.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 4.

Việc thiếu mặt bằng khiến nhà thầu gặp khó khăn trong tập kết lán trại, trang thiết bị... Nhà thầu phải thuê khoảng 4.600m2 đất của người dân (khu vực chờ đền bù, giải tỏa) để làm công trường và phải chi trả tiền thuê cho đến khi người dân nhận được tiền đền bù. Chi phí phát sinh thuê mặt bằng khoảng 50 triệu đồng/tháng. Người dân yêu cầu không được xây dựng kết cấu chính trên thửa đất khi chưa được đền bù.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 5.

Phần mặt bằng hiện có đang tập kết vật liệu, máy móc cũng là nơi triển khai xây dựng các trụ cầu. Nếu thi công trụ cầu sẽ không có nơi tập kết vật liệu, máy móc. Ngoài ra, nhà thầu vẫn chưa có mặt bằng đủ lớn để triển khai đúc dầm.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 6.

Từ tháng 12-2022 đến ngày 10-4, do không có mặt bằng, nhà thầu phải chạy máy phát điện để thi công, chi phí rất tốn kém. Khi lắp trạm điện, nhà thầu thương lượng để các hộ dân đồng ý cho đường điện đi qua.

Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 7.

Nhà thầu phải thuê cả sà lan về để có thêm mặt bằng gia công cốt thép. Một cán bộ của nhà thầu nói từng thi công nhiều công trình trọng điểm nhưng thi công cầu Nhơn Trạch thực sự rất khó khăn vì mặt bằng quá hẹp.


Cận cảnh dự án cầu Nhơn Trạch thiếu mặt bằng, nhà thầu phải thuê đất, sà lan làm công trường - Ảnh 8.

Trong khi nhà thầu chờ mặt bằng, người dân trong diện giải tỏa cũng đang ngóng chờ tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá đền bù. Ông Nguyễn Văn Ghỳ (61 tuổi, ngụ xã Long Tân) có nhà nằm trong diện giải tỏa trắng. Ông nói đang chờ địa phương đền bù để có kinh phí dời đi và xây nhà ở khu tái định cư.

Đề nghị Đồng Nai sớm bàn giao mặt bằng thi công cầu Nhơn Trạch

Dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 của đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 8,22km, bao gồm 6,3km đi qua tỉnh Đồng Nai, 1,92km qua TP.HCM.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh thủ tục, hoàn thành công tác xác định giá đất trong tháng 6-2023. Qua đó, địa phương bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 8-2023 để triển khai thi công đồng bộ, đảm bảo kịp tiến độ hoàn thành công trình trước tháng 9-2025.

Nhà thầu sốt ruột vì cầu Nhơn Trạch chậm mặt bằngNhà thầu sốt ruột vì cầu Nhơn Trạch chậm mặt bằng

Cầu Nhơn Trạch là cây cầu lớn nhất đường vành đai 3 TP.HCM kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP.HCM).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên