16/06/2023 16:03 GMT+7

Cảng Liên Chiểu làm ngày 3 ca nhưng lại thiếu đá san lấp

Hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung dự án cảng Liên Chiểu cần khoảng 3 triệu m3 đá, nhưng các mỏ tại chỗ hiện chỉ đáp ứng được 780.000m3.

Cảng Liên Chiểu làm ngày 3 ca nhưng lại thiếu đá san lấp - Ảnh 1.

Hoạt động san lấp lấn biển xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án cảng biển Liên Chiểu - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 16-6, ông Lê Thành Hưng - trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án cảng Liên Chiểu - cho hay đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm kiếm nguồn vật liệu san lấp cho dự án quan trọng này.

Dự án cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung do ngân sách nhà nước đầu tư, chính thức triển khai san lấp từ đầu năm 2023. Đến nay công trình đã san lấp được 150.000m3 đá, giá trị khối lượng san lấp đạt 145 tỉ đồng.

Hiện liên danh nhà thầu đang tranh thủ thời tiết tốt để đẩy nhanh hoạt động san lấp, triển khai nhiều mũi trên bộ, trên biển, thi công 3 ca liên tục để hoàn thành kế hoạch giá trị san lấp 632 tỉ đồng trong năm 2023.

Theo chủ đầu tư, phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự kiến cần sử dụng tới gần 3 triệu m3 đá san lấp. Tuy nhiên tổng trữ lượng các mỏ đá toàn thành phố hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 780.000m3. Nguy cơ thiếu vật liệu san lấp hiện là khó khăn lớn nhất tại dự án này.

Để không ảnh hưởng tiến độ công trình, ông Lê Thành Hưng cho biết cơ quan này đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho phép nâng công suất các mỏ đá đủ điều kiện khai thác để đảm bảo trữ lượng cấp cho dự án.

Ngoài ra các nhà thầu và chủ đầu tư tích cực phối hợp đi khảo sát, kiểm tra chất lượng đá tại các mỏ vật liệu ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi để tìm kiếm thêm nguồn vật tư cho công trình.

Dự kiến toàn bộ các hạng mục này sẽ hoàn thành vào năm 2025. Song song với việc triển khai đầu tư phần hạ tầng dùng chung, chủ đầu tư được giao nhiệm vụ phối hợp các sở ngành xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư khai thác hạ tầng cảng biển.

Ông Hưng tiết lộ dự án đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Tập đoàn Adani (Ấn Độ), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và các tập đoàn khác trong nước.

Cảng loại đặc biệt, tiếp nhận tàu tới 200.000 tấn

Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam, cảng Liên Chiểu được quy hoạch là cảng loại 1 và sau này là cảng loại đặc biệt. Cảng Liên Chiểu có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất lên tới 200.000 tấn.

Từ nay tới năm 2025 dự án triển khai phần cơ sở hạ tầng dùng chung và khu bến khởi động. Các giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai các khu bến cảng container, bến tổng hợp, bến thủy nội địa.

Chủ tịch nước: Xây dựng cảng Liên Chiểu là đầu tư cho cả vùng miền TrungChủ tịch nước: Xây dựng cảng Liên Chiểu là đầu tư cho cả vùng miền Trung

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi tới dự lễ khởi công dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng). Việc đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu để dần thay thế cho cảng Tiên Sa, từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên