30/09/2023 13:36 GMT+7

Cảnh báo chứng 'ám ảnh sợ xã hội', luôn thấy bị phán xét, tẩy chay

Một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay là rối loạn lo âu, trong đó có chứng ám ảnh sợ xã hội. Người bệnh biểu hiện sợ hãi rõ rệt trước những tình huống xã hội, cảm thấy xấu hổ, bị phán xét, bị từ chối...

Xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người mắc ám ảnh sợ xã hội vì luôn cảm thấy xấu hổ, bị phán xét, bị từ chối, tẩy chay... trước những tình huống xã hội - Ảnh: X.MAI

Xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người mắc ám ảnh sợ xã hội vì luôn cảm thấy xấu hổ, bị phán xét, bị từ chối, tẩy chay... trước những tình huống xã hội - Ảnh: X.MAI

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có thể có tới 13,3% dân số trong suốt cuộc đời và 7,9% dân số trong một năm bị mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội. Khảo sát do China Youth Daily thực hiện cho thấy hơn 80% trong số gần 5.000 sinh viên đại học cho biết họ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội nhẹ (năm 2022).

Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người mắc chứng này, tuy nhiên cũng được giới chuyên gia cảnh báo.

PGS Phạm Tiến Nam (Trường đại học Y tế Công cộng) cho biết một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay là rối loạn lo âu gồm: mắc ám ảnh sợ xã hội, rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn hoảng sợ.

Ở những người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa có biểu hiện lo lắng quá mức, kéo dài hàng tháng và đối mặt với nhiều triệu chứng liên quan với lo âu. Với người mắc chứng rối loạn hoảng sợ, thường có những cơn hốt hoảng không mong đợi xuất hiện bất chợt, tăng sợ hãi và tái diễn.

Với những người mắc ám ảnh sợ xã hội còn có cảm giác sợ hãi rõ rệt với những tình huống xã hội, cảm thấy xấu hổ, bị phán xét, bị từ chối, tẩy chay hoặc gây sợ hãi cho người khác.

Bệnh nhân sẽ có lo âu mạnh mẽ biểu hiện bằng nhiều triệu chứng cơ thể khác nhau như đánh trống ngực và đau ngực, đỏ mặt, ra mồ hôi, khô miệng... Lúc này, bệnh nhân thường tập trung chú ý vào bản thân, đánh giá xấu về hình thức của mình, gây khó nói năng lưu loát, gây cản trở tham gia các hoạt động xã hội và nghề nghiệp.

Ở những người có một số ít triệu chứng ám ảnh sợ xã hội, họ có thể che giấu khi phải tham gia vào các tình huống xã hội gây sợ hãi, nhưng sau đó dễ dàng chọn uống rượu và các thuốc an dịu để giảm lo âu, dẫn đến lạm dụng thuốc và rượu. Về lâu dài, họ có nhiều bệnh phối hợp như trầm cảm, nghiện rượu...

Khi dẫn đến rối loạn trầm cảm, PGS Nam cho hay bệnh nhân sẽ dần mất quan tâm và hứng thú trong các hoạt động thường yêu thích; luôn cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi ghê gớm; cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng... 

Nguy hiểm hơn, nếu không được giải tỏa, bệnh nhân suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết và chọn tự tử sau đó.

Cần sự trợ giúp từ bác sĩ tâm thần để về trạng thái bình thường

Dẫn định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PGS Phạm Tiến Nam cho hay sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm sự thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Rối loạn tâm thần là tình trạng sức khỏe tinh thần bị lệch khỏi ngưỡng bình thường, chưa hoặc đã được chẩn đoán. Nếu phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể tự điều chỉnh hoặc với sự trợ giúp của người có chuyên môn để về trạng thái bình thường.

Nếu người bệnh lệch khỏi ngưỡng bình thường, phải có sự chẩn đoán rõ ràng và cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Chứng ám ảnh sợ xã hội nở rộ ở người trẻ Trung Quốc vì lạm dụng thế giới ảoChứng ám ảnh sợ xã hội nở rộ ở người trẻ Trung Quốc vì lạm dụng thế giới ảo

TTO - Hội chứng sợ xã hội, hay ám ảnh sợ xã hội ở người trẻ là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên