22/03/2019 09:21 GMT+7

Cạnh tranh 'bẩn', Google bị phạt 1,7 tỉ USD

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngày 20-3, Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) quyết định phạt 1,49 tỉ euro (1,7 tỉ USD) đối với Alphabet, công ty mẹ của Google, vì cố tình chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của đối thủ.

Cạnh tranh bẩn, Google bị phạt 1,7 tỉ USD - Ảnh 1.

Bà Vestager nói chuyện với truyền thông tại trụ sở EC ở Brussels, Bỉ ngày 20-3 - Ảnh: REUTERS

Đây là khoản phạt tỉ USD thứ 3 dành cho Google trong vòng 2 năm qua tại châu Âu..., đánh dấu cuộc chiến pháp lý dai dẳng kéo dài cả thập kỷ qua giữa nhà chức trách EU và gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Nói như Hãng tin Bloomberg, EU đang nỗ lực cải thiện Google cũng như các ông lớn công nghệ nói chung, bắt họ kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh hơn.

Chiêu cạnh tranh "bẩn"

Theo Ủy ban châu Âu (EC), Google bị phạt 1,7 tỉ USD là do có các hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm trực tuyến giai đoạn 2006-2016.

"Quyết định hôm nay dành cho Google vì đã lợi dụng thế thống trị của mình để ngăn cản các trang web không được sử dụng những đơn vị môi giới bán quảng cáo khác ngoài nền tảng AdSense" - bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20-3.

AdSense là một sản phẩm của Google hoạt động như một nền tảng trung gian kết nối những nhãn hàng quảng cáo và các chủ trang web đăng các nhãn hàng quảng cáo này.

Với thủ đoạn của Google, các nhãn hàng quảng cáo và các chủ trang web bị hạn chế các lựa chọn và theo đó sẽ đối mặt với các mức giá dịch vụ cao hơn từ sử dụng nền tảng AdSense của Google.

Các trang web sử dụng quảng cáo hiển thị AdSense bao gồm các trang tin tức, các báo điện tử hay các trang du lịch, đặt phòng.

Các nhà điều tra của Cơ quan chống độc quyền của EU còn phát hiện Google sử dụng "những điều khoản độc quyền" trong hợp đồng, ngăn không cho các báo điện tử đặt quảng cáo của các đối thủ cạnh tranh với Google (PV - Yahoo!, Microsoft) trên trang kết quả tìm kiếm của các báo này.

Nếu các báo điện tử muốn thoát khỏi "những điều khoản độc quyền" này, họ sẽ phải có được văn bản đồng ý của Google trước.

Theo EC, trong giai đoạn 2006-2016, Google chiếm 70% thị phần quảng cáo tìm kiếm trực tuyến và chỉ nhường phần còn lại cho 2 đối thủ Microsoft và Yahoo!.

Khuyến khích khởi kiện Google

Trong khi dư luận nhận định án phạt 1,7 tỉ USD vẫn "chưa thấm vào đâu" so với mức doanh thu khủng của Google, các công ty bị ảnh hưởng vì sự cạnh tranh không lành mạnh của Google trong lĩnh vực quảng cáo online như ICOMP, một công ty vận động chính sách trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, vẫn cảm giác phán quyết trên chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Michael Weber, chủ tịch công ty này, nói các cơ quan quản lý vẫn nên cảnh giác: "Các đối thủ cạnh tranh đều đã đuối sức hoặc đã chết. Giờ là lúc để EU và các chính phủ trên toàn thế giới vào cuộc và giải quyết sự sai trái ngầm ẩn này".

Theo bà Margrethe Vestager, những ai bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Google đều có thể tìm kiếm cơ chế khởi kiện để được bồi thường thông qua hệ thống tòa án của các nước.

Theo Hãng tin Bloomberg, trước đây Google từng bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới thị trường quảng cáo trực tuyến. Họ cũng từng kháng cáo với cả 2 án phạt 2,4 tỉ euro năm 2017 và 4,3 tỉ euro năm 2018.

Đáp lại, trong một tuyên bố trên blog sau án phạt ngày 20-3, Google cho biết "đã thực hiện một loạt thay đổi cho các sản phẩm của mình để giải quyết các mối quan tâm của ủy ban".

"Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ cập nhật để cung cấp thêm khả năng hiển thị cho các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu" - Kent Walker, phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề toàn cầu tại Google, nói.

Trước đó, ngày 18-3, hãng này đã thông báo một loạt thay đổi của họ liên quan tới 2 án phạt trước, như bổ sung nhiều đường dẫn hơn tới các trang bán hàng khác và có thêm nhiều tùy chọn cho các nhà sản xuất điện thoại có thể cài đặt ứng dụng do các đối thủ cạnh tranh với Google cung cấp.

Đại diện Google cam kết trong vài tháng nữa sẽ có những thông báo cập nhật về thay đổi chính sách kinh doanh, tạo thêm cơ hội cạnh tranh lành mạnh cho các đối thủ tại châu Âu, song bà Margrethe Vestager còn muốn thấy sự thay đổi tích cực của Google ở cả công cụ so sánh giá và hệ điều hành Android.

Theo nhiều chuyên gia công nghệ, những thay đổi tích cực của Google vẫn còn quá ít, quá chậm nên chưa đủ tạo ra khác biệt.

Cuộc chiến pháp lý EU - Google

20-3-2019: Cơ quan chống độc quyền EU phạt Google 1,49 tỉ euro (1,7 tỉ USD) vì đã cản trở các đối thủ trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm online trong 10 năm.

18-7-2018: Cơ quan chống độc quyền EU phạt Google mức kỷ lục 4,34 tỉ euro vì những sai phạm liên quan việc ưu ái công cụ tìm kiếm của Google trên hệ điều hành Android dành cho thiết bị di động, sau cuộc điều tra kéo dài 3 năm.

27-6-2017: EU phạt Google 2,4 tỉ euro vì cản trở các đối thủ của những trang web so sánh giá cả hàng hóa, ưu tiên hơn cho dịch vụ so sánh giá của chính họ.

14-7-2017: EU nêu cáo buộc với dịch vụ bán hàng của Google, cáo buộc hãng này ngăn không cho các bên thứ ba sử dụng dịch vụ quảng cáo AdSense hiển thị các quảng cáo tìm kiếm từ những đối thủ của Google.

3-11-2009: Trang so sánh giá cả Foundem của Anh khiếu nại về công cụ tìm kiếm trực tuyến của Google lên Ủy ban châu Âu.


D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên