20/12/2019 09:44 GMT+7

Cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh như trên khi kết luận phiên họp với các bộ, ngành về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn.

Cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn - Ảnh 1.

Kẹt xe trên cầu Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết trước mắt đã nhận diện được các nguồn thải chủ quan từ con người gây ra ô nhiễm không khí, nhưng chưa chỉ ra được nguồn thải nào là nguyên nhân chính.

"Hà Nội và TP.HCM đều thống nhất nguyên nhân số 1 là nguồn từ khí thải phương tiện giao thông" - ông Hà nêu. Nguồn thải thứ hai từ công trình xây dựng, giao thông, hoạt động đào đường, hè đường.

"Hà Nội hiện nay có trên 1.000 công trường xây dựng, TP.HCM cũng đang là đại công trường, tác nhân gây bụi rất lớn. Rồi nguồn gây ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, ở TP.HCM nguyên nhân này nhiều hơn. Riêng TP.HCM còn có nguồn thải từ các nhà máy ven thành phố, tại các quận, huyện với 900 nhà máy lớn nhỏ" - ông Hà chỉ rõ.

Riêng với Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng còn có nguồn gây ô nhiễm đặc thù từ hoạt động đốt rơm rạ theo mùa, đốt rác, sử dụng bếp than tổ ong...

"Những nguyên nhân chủ quan kể trên phải xác định là do chính chúng ta, không có đổ tại khí hậu, không có đổ do nguồn xuyên biên giới mà là nguồn thải từ chính các thành phố" - ông Hà chỉ rõ.

"Về giải pháp trước mắt, thứ nhất, trong vấn đề ô nhiễm không khí, người dân cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong những ngày ô nhiễm không khí tăng cao, Hà Nội và TP.HCM cần tập trung nguồn lực, đã biết rõ những ngày ô nhiễm tăng cao thì không thể tiết kiệm, phải bố trí ngân sách duy trì hệ thống trạm quan trắc tự động.

Riêng TP.HCM chưa có hệ thống quan trắc tự động thì duy trì quan trắc cố định với tần suất 2 lần/ngày, cung cấp kịp thời tới người dân. Đặc biệt là phải khuyến cáo theo đúng chuyên môn về y tế, tới người già, trẻ nhỏ, học sinh để giảm tác động tới sức khỏe" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng vào thời điểm ô nhiễm không khí cao, ngành giao thông, thành phố Hà Nội, TP.HCM phải có biện pháp mang tính can thiệp, thực hiện ngay việc đơn giản phun nước rửa đường, phun 3-4 lần/ngày, điều tiết luồng giao thông, phân luồng giao thông làm giảm bớt số phương tiện giao thông đi qua thành phố, vận động người dân dùng phương tiện vận tải công cộng...

"Rồi kiểm tra các công trình xây dựng, đào hè đường để ngăn chặn nguồn bụi bẩn từ đây. Thậm chí huy động cả người dân cùng tham gia giám sát, chụp hình những xe gây bụi bẩn để phạt nguội. Quan trọng là phải thực hiện ngay các giải pháp trước mắt, đồng thời khuyến cáo để cùng chống đỡ, không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân" - ông Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp lâu dài, ông Hà cho biết Thủ tướng Chính phủ từ năm 2016 đã ban hành kế hoạch kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, trong đó đã phân công, phân việc rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Trong bối cảnh tần suất các đợt ô nhiễm không khí gia tăng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn lộ trình Thủ tướng phê duyệt.

Kết thúc phiên họp, ông Hà cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo đầy đủ các giải pháp lâu dài, tuy nhiên sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ dự thảo chỉ thị để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp theo tinh thần đẩy nhanh lộ trình, quyết liệt, không khoan nhượng với những nguồn thải gây ô nhiễm không khí được xác định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Môi trường không khí ngoài Rạng Đông đã an toàn'

TTO - 'Hôm nay tôi muốn thông báo vậy để các tổ chức quốc tế, người dân yên tâm. Cá nhân tôi hiện cũng sinh sống ở gần bán kính 500m và hoàn toàn yên tâm' - ông Hà nói.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên