21/07/2017 09:27 GMT+7

Câu chuyện hoà bình: ​Các anh về trong muôn ngàn ánh nến

LÊ ĐỨC DỤC - QUỲNH NGUYỄN
LÊ ĐỨC DỤC - QUỲNH NGUYỄN

TTO - Hơn 1.000 ghế khu vực sân khấu không còn chỗ trống, và rất nhiều đồng bào Quảng Trị đã đến để thưởng thức chương trình nghệ thuật Câu chuyện hòa bình 5 - Khát vọng hòa bình tối 20-7 tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Các nghệ sĩ và sinh viên tỉnh Quảng Trị trình diễn ca khúc Linh thiêng Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH
Các nghệ sĩ và sinh viên tỉnh Quảng Trị trình diễn ca khúc Linh thiêng Việt Nam - Ảnh: Q.ĐỊNH

Câu chuyện hòa bình lúc nào cũng mang đến những câu chuyện đặc biệt, cảm xúc đặc biệt và lần này là một sân khấu rất đặc biệt

Ca sĩ HỒNG NHUNG

Trận mưa chiều tháng 7 trút xuống xối xả lúc đầu giờ chiều khiến những người làm chương trình Câu chuyện hòa bình không giấu được vẻ âu lo.

Còn với những ai đã gắn bó với cõi thiêng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn sẽ thấy... bình thường.

Từ bao nhiêu năm nay, cứ mỗi độ tháng 7, khi thực hiện các chương trình tưởng niệm ở đây bao giờ cũng có những trận mưa như thế.

Ca sĩ Quốc Thiên và nhóm Oplus trình diễn ca khúc Tổ quốc gọi tên mình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ca sĩ Quốc Thiên và nhóm Oplus trình diễn ca khúc Tổ quốc gọi tên mình - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Các anh về trong muôn ngàn ánh nến

Còn nhớ 14 năm trước, năm 2003, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức lễ hội Nhịp cầu xuyên Á trong bốn ngày từ 25 đến 28-7, chương trình chính lễ diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được truyền hình trực tiếp trên VTV.

Những năm đó, để truyền hình trực tiếp là cả một vấn đề, vậy mà mưa dầm dề mấy ngày, đến trước giờ mở màn khai mạc vẫn mưa, rồi khi chính lễ bắt đầu thì trời tạnh, chỉ tạnh trong đúng hai tiếng đồng hồ cho xong lễ rồi... tiếp tục mưa.

Mấy năm gần đây, chuyện mưa trước giờ khai mạc các chương trình đã là chuyện bình thường. Bởi mưa to vậy nhưng thế nào cũng tạnh sớm.

Chiều 20-7 này cũng thế, sau khi trút nước chừng hai giờ cho không gian của cõi thiêng dịu mát sau mấy ngày oi nóng thì nắng chiều bừng lên rực rỡ, bảy quả đồi của khuôn viên rực lên trong màu nắng sau mưa óng ánh như nắng thủy tinh.

Cùng với ánh nắng thắp lên trên những tán thông trong khuôn viên nghĩa trang, nắng thắp trên vòm xanh của cây bồ đề thiêng mọc ngay sau đài tưởng niệm, hơn một ngàn đoàn viên thanh niên từ các huyện thị trong tỉnh Quảng Trị cũng tỏa ra khắp các khu mộ để thắp nến và dâng hương trên hơn một vạn mộ phần liệt sĩ của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Bạn Nguyễn Quang Thiện, đoàn viên đến từ xã Gio Quang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tham dự lễ thắp nến, bày tỏ:

“Lễ thắp nến và dâng hương tại đây đã thành một nghi thức thiêng liêng, diễn ra nhiều dịp trong năm và các đoàn viên đều tham gia nhưng lần nào cũng thấy vẹn nguyên sự xúc động.

Nhìn những nấm mộ của các chú các bác với dòng chữ ghi năm sinh, năm mất, khi ngã xuống chỉ bằng tuổi của chúng tôi bây giờ, chúng tôi mới thấm thía sự mất mát, cái giá phải trả cho ngày hòa bình.

Bởi thế, cứ mỗi lần tham dự lễ thắp nến như thế này chúng tôi như được thêm một lần nhắc nhở, được làm mới cảm xúc và suy nghĩ”.

Không riêng gì Thiện, một nhóm bạn nữ khi dâng hương ở khu vực mộ các anh hùng liệt sĩ, khi thắp nến lên mộ nữ anh hùng Nguyễn Thị Nhạ, dường như các bạn chợt sững lại khi nhìn trên bia mộ người nữ anh hùng lúc ngã xuống cũng đang lứa tuổi như các bạn bây giờ:

Chị Nhạ sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1966 và hi sinh một ngày cuối năm 1967, mới 22 tuổi!

Những ngọn nến cuối cùng được thắp lên trên những ngôi mộ ở khu vực xa trung tâm cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống, hơn một vạn ngọn nến trong khuôn viên trở nên lung linh và ấm áp hơn trong màn đêm giữa núi rừng tây Quảng Trị.

Và cùng với sự lấp lánh của cả vạn ngọn nến, những giàn đèn sân khấu cũng rực sáng, bắt đầu cho chương trình âm nhạc Câu chuyện hòa bình.

Những năm tháng bom đạn giữa Trường Sơn từng có những truyền kỳ vẫn được nhắc nhớ đến hôm nay. 

Đó là những đêm binh trạm giữa rừng, trước hàng trăm thương binh được chuyển ra từ chiến trường, trong đó có cả thi hài những người lính hi sinh, những đội văn nghệ trên đường ra tiền tuyến đã dừng lại. 

Họ đã hát những bài hát Trường Sơn biểu diễn cho các thương binh đang nằm đau trên võng, biểu diễn cho cả những thi hài người lính đang đợi đưa về tuyến sau...

Những đêm nhạc giữa rừng ấy, những bài ca bi tráng ấy, giờ đây lại vang lên và trong ánh nến bập bùng kia, dường như cả vạn liệt sĩ cũng đang lắng nghe tâm tình tri ân của những người đang sống...

Rất khác với nhiều chương trình nghệ thuật khác, đã không có bất kỳ một tiếng vỗ tay nào sau các tiết mục trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ để giữ sự tôn nghiêm cho 10.263 ngôi mộ tại nghĩa trang...

Không phải ngẫu nhiên các ca sĩ tham gia chương trình đều chọn trang phục biểu diễn là màu trắng...
Không phải ngẫu nhiên các ca sĩ tham gia chương trình đều chọn trang phục biểu diễn là màu trắng...


Tái hiện những cuộc hành quân

Tổ khúc Trường Sơn với các ca khúc: Bước chân trên dãy Trường Sơn, Bài ca Trường Sơn, Bài ca trên cánh võng, Đường Trường Sơn xe anh qua với phần thể hiện của Quốc Thiên, Đông Hùng và nhóm Oplus mở màn đêm nghệ thuật đặc biệt để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại Trường Sơn này.

Tiết mục tái hiện những cuộc hành quân qua dòng sông Bến Hải, qua cầu Hiền Lương. Tuyến đường Trường Sơn lịch sử đã gắn bó với biết bao huyền thoại về những người con của dân tộc, những người “xuyên sơn phá thạch”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”...

Và những câu chuyện về Trường Sơn tiếp tục với Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây qua tiếng hát của chị Hồng Nhạn, anh Minh Nghĩa (Hội cựu chiến binh), ca sĩ Dương Hoàng Yến và Đông Hùng, Những bông hoa trên tuyến lửa qua tiếng hát của Dương Hoàng Yến, Ngọn lửa tuổi 20 qua phần thể hiện của ca sĩ Đông Nhi, Đường tôi đi dài theo đất nước qua phần thể hiện của tốp ca nữ.

Ca sĩ Hồng Nhung - giọng hát đã năm lần tham gia Câu chuyện hòa bình - chia sẻ chị đã không ít lần hát ở những sân khấu linh thiêng, nhưng tại một nơi linh thiêng như Nghĩa trang Trường Sơn thì chưa từng.

“Linh thiêng ở đây là từ rừng, đất, những ngôi mộ thật... Những chương trình nghệ thuật có ý nghĩa đẹp thì nhiều nhưng lại không nhiều chương trình có ý nghĩa tốt đẹp mà vẫn đảm bảo được tính mỹ thuật, chất lượng nghệ thuật như Câu chuyện hòa bình.

Vừa ý nghĩa vừa hay mới chạm được đến trái tim người xem. Đó là lý do mà tôi luôn dành cho chương trình tình cảm lớn nhất và tham gia dù có bận rộn đến đâu.

Và lần này, tôi đã chọn một ca khúc rất hay và hợp với không gian này - Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...”.

Và câu chuyện về những người mẹ đã thành huyền thoại, với chiếc khăn trên vai lau nghìn giọt nước mắt được ca sĩ Tấn Minh tiếp nối bằng Người mẹ của tôi. Giọng ca trầm ấm của NSƯT Tấn Minh quyện cùng hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng trên màn hình sân khấu khiến khán giả cay cay nơi khóe mắt...

Ca sĩ Phương Linh thổ lộ: “Buổi chiều khi chúng tôi ra sân khấu để chạy chương trình thì trời mưa xối xả.

Chúng tôi đã vô cùng âu lo, nhưng rất may là sau đó trời đã quang, mây đã tạnh, các anh đã đồng ý cho chúng tôi được đến đây để hát, để nhớ về các anh.

Và chúng tôi bỗng cảm giác rằng mình không chỉ được đến đây để hát mà còn được trò chuyện”. Có lẽ vì thế mà khi Hát về anh, mắt Phương Linh long lanh, ngấn lệ.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải trình diễn ca khúc Về đây đồng đội ơi - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhạc sĩ Trương Quý Hải trình diễn ca khúc Về đây đồng đội ơi - Ảnh: Q.ĐỊNH

 

Không chỉ hát mà còn được trò chuyện

Không chỉ Phương Linh, hầu hết ca sĩ hát tại Khát vọng hòa bình đều ướt mi.

Người lính - nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự trước khi cùng ca sĩ Đông Hùng hát ca khúc Về đây đồng đội ơi do chính ông sáng tác:

“Chiều nay, khi thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm xuống tại Trường Sơn, tôi đã xin phép các chú, các anh cho tôi được tưởng nhớ đến các đồng đội của tôi đã ngã xuống ở Vị Xuyên, Hà Giang.

Và giờ đây, tôi cảm giác là các đồng đội của tôi đang ở đây, ngay tại sân khấu để cùng mọi người nhớ về tuổi mười tám, đôi mươi, ra chiến trường với một khát khao hòa bình”.

Ca sĩ Thanh Lam - ca sĩ duy nhất từng hát tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - thổ lộ: “Mỗi lần đến Trường Sơn là mỗi lần tôi nhớ về những kỷ niệm với cha mình, nhạc sĩ Thuận Yến và cũng là một người lính của Quân khu 2.

Tôi chọn Màu hoa đỏ cho một ngày đặc biệt thế này là vì vậy. Và việc đến đây để hát với tôi không chỉ để tri ân các anh hùng đã nằm xuống, mà còn là trách nhiệm của nghệ sĩ chúng tôi trong việc dìu dắt, truyền cảm hứng và tình yêu quê hương đất nước đến thế hệ mai sau”.

Những clip tư liệu kể về những cuộc hành quân, chuyện may và giữ lá cờ Tổ quốc luôn đẹp đẽ, tung bay trong thời chiến, chuyện về đội văn công... xen lẫn với các tiết mục đã lật lại những trang sử đẹp của dân tộc cùng những ký ức không thể xóa nhòa.

Trên sân khấu đầy cảm xúc, toàn thể ca sĩ, nghệ sĩ, sinh viên tỉnh Quảng Trị đã cùng thể hiện ca khúc Linh thiêng Việt Nam như lời chia tay đến các liệt sĩ và cũng là lời cảm ơn và biết ơn sâu sắc đến những anh hùng lực lượng vũ trang, những người lính vẫn đang ngày đêm chiến đấu để gìn giữ hòa hình cho dân tộc.

“Một vòng tay nối hết anh em, mẹ già, trẻ thơ, ta sống với cơn mơ hòa bình / Một vòng tay nối hết yêu thương, chẳng còn vấn vương, ta sống với quê hương hòa bình”

Điệp khúc quen thuộc của Tình yêu hòa bình (Hồ Hoài Anh - Cao Trung Hiếu), ca khúc được viết riêng cho chương trình Câu chuyện hòa bình, qua phần thể hiện của toàn thể anh chị em nghệ sĩ tham gia chương trình đã khép lại đêm nghệ thuật trong nhiều quyến luyến của khán giả có mặt tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Trao học bổng cho các sinh viên con gia đình thương binh, liệt sĩ... có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trao học bổng cho các sinh viên con gia đình thương binh, liệt sĩ... có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình - Ảnh: Q. ĐỊNH


Trao 70 suất học bổng

Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 5 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Viet Vision sản xuất cùng sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.

Tại chương trình, ban tổ chức trao 70 suất học bổng (10 triệu đồng/suất, tổng trị giá 700 triệu đồng) dành cho sinh viên là con em các gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngoài ra, ban tổ chức còn tặng 50 phần quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.

Nhắc lại 4 chương trình Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình đã được thực hiện tại TP.HCM, Hà Nội, Tokyo (Nhật Bản) với mong muốn gửi đi thông điệp khát khao, yêu chuộng hòa bình của tuổi trẻ Việt Nam, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết vì một thế giới hòa bình của sinh viên, thanh niên trong và ngoài nước, ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ:

“Đêm nay, cũng trong mạch nguồn ấy, chương trình là sự tri ân với những liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh vì Tổ quốc, tri ân những gia đình đã gánh chịu bao mất mát, hi sinh để có một Việt Nam hòa bình, thống nhất hôm nay.

Hiểu và trân quý hơn giá trị của hòa bình mà hôm nay chúng ta đang có cũng là sự nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, học tập và cống hiến hết mình cho đất nước để xứng đáng với hi sinh của các thế hệ cha anh”.

Phát biểu tại chương trình, anh Lê Quốc Phong - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN - cũng gửi gắm: “Mong thế hệ thanh niên, sinh viên hôm nay ý thức rõ hơn về giá trị của hòa bình để cống hiến xây dựng và phát triển Tổ quốc”.

TẤN LỰC

LÊ ĐỨC DỤC - QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên