29/08/2011 08:05 GMT+7

Cầu thủ thực dụng, có phải lỗi chỉ ở cầu thủ?

THẮNG THẢO MINH
THẮNG THẢO MINH

TTO - Loạt bài Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Thu nhập cao, chất lượng thấp của Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của bạn đọc, mổ xẻ về vấn đề này. TTO xin trích đăng.

GzBSlrOF.jpgPhóng to
Lượng khán giả bình quân trong một trận đấu ở V-League liên tục giảm - Đồ họa: Vĩ Cường

“Cầu thủ bây giờ thực dụng quá!”Không tiền, đừng mong thành tích caoCà phê pha loãng

* Cũng nên trách những người làm quản lý bóng đá

Là một người làm quản lý bóng đá, xin ông Trường hãy nhìn nhận khách quan hơn về cầu thủ. Họ thực dụng thật, nhưng cái thực dụng của họ là hoàn toàn hợp lý.Trình độ học vấn của họ chắc chắn không thể cao hơn người quản lý, ông bầu của mình được. Họ đá hay trước hết phải nhờ tập luyện, dìu dắt của cả tập thể và nhờ đãi ngộ của các nhà tài trợ, các ông chủ.

Hiện nay, tình trạng cầu thủ đá theo "chỉ đạo buông" hay "tình cảm cá nhân" dẫn đến các vụ dàn xếp tỉ số đang trở thành một vấn nạn khiến người hâm mộ rất bức xúc, tẩy chay V-League.

Nếu trách, ông hãy tự trách những người làm quản lý bóng đá như mình đã quá vì thương hiệu, vì giá trị tiền bạc mà không có cơ chế quản lý phân minh, vì tinh thần thể thao mã thượng để sẵn sàng có những trận đấu "sạch".

* Nếu làm bóng đá cũng chỉ là làm kinh tế

Theo như bầu Trường của Vissai Ninh Bình nói: "Cầu thủ giờ cũng thực dụng lắm". Điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Thử hỏi đời cầu thủ có bao nhiêu đâu. Khi dấn thân vào bóng đá, họ đã chấp nhận hi sinh rất nhiều thứ. Chính vì vậy cũng thật dễ hiểu khi ai trả lương cao, chế độ đãi ngộ tốt thì tôi đá cho họ. Điều đó là sòng phẳng thôi.

Còn việc bỏ ra hàng trăm tỉ đồng mà chẳng thu lợi gì từ bóng đá là do đã đầu tư không đúng hướng. Tiền có thể mua được rất nhiều thứ nhưng không có nghĩa là tiền sẽ mang lại danh hiệu và đẳng cấp cho một câu lạc bộ. Thay vì bỏ tiền ra mua những cầu thủ đắt giá mà không đem tiền đầu tư cho việc phát triển những tài năng trẻ, khâu đào tạo trẻ. Đó mới chính là nền tảng của sự thành công và xây dựng nên đẳng cấp của một câu lạc bộ.

Có thể họ yêu bóng đá nhưng họ không hiểu được bóng đá cần gì ở họ. Vì lẽ đơn giản họ đang làm kinh tế.

Cầu thủ VN thường có cái nền (giáo dục) ban đầu không cao lắm mà đã thực dụng như vậy, thế thì các ông là các nhà kinh tế giỏi, liệu có thực dụng không? Hay không nói cũng biết ai mới là người thực dụng hơn.

* Liệu còn ai dám tiếp tục đầu tư cho bóng đá?

Trước khi đội bóng Gạch Đồng Tâm Long An đang ở trên bờ vực thẳm xuống hạng, bầu Thắng đã rất trăn trở sợ mình không còn đủ nhiệt huyết để theo đuổi bóng đá.

Giờ đây đọc những dòng tâm sự của bầu Trường về những cái thu được sau những bốn năm theo đuổi bóng đá tôi thấy lo cho nền bóng đá VN nói riêng và nền thể thao nước nhà.

Xã hội hóa thể thao mấy năm gần đây đã đem lại cho các cầu thủ và một số vận động viên môn khác một cuộc sống "dễ thở" hơn nếu không muốn nói là sung túc. Vâng, nếu không có những bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường,... thì tôi không biết mấy năm qua bóng đá VN thế nào.

Thế mà họ không thu được lợi còn thêm bực mình vì sự cư xử không đúng của các cầu thủ, là nạn nhân của các "cò" đẩy giá cầu thủ lên cao ngất ngưởng. Đạo đức cầu thủ là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu ở các câu lạc bộ.

Giáo dục đạo đức cho cầu thủ là điều không dễ vì các cầu thủ đã ở tuổi trưởng thành. Lấy tiền để khống chế họ ư? Không thể được vì các cầu thủ đá hơi hay một tí đã "chảnh" và họ sẵn sàng ra đi.

Ở nước ngoài, các cầu thủ thu nhập cao vì có cổ động viên đông. Tiền bán vé, bán quần áo, vật dụng cho cổ động viên hay bán bản quyền truyền hình đã dư sức chi cho bóng đá. Hay nói cách khác lấy bóng đá nuôi bóng đá có lãi.

Còn ở ta, các doanh nghiệp nuôi bóng đá bằng tiền kiếm được từ sản xuất, từ mồ hôi, nước mắt của công nhân lao động,...

Doanh nghiệp làm bóng đá họ chỉ tính số tiền đó để quảng cáo cho doanh nghiệp mình nhưng liệu có quảng cáo được hay không khi số lượng khán giả đến ngày càng ít, khán giả xem tivi cũng ít dần chưa kể có những trận cầu "bốc mùi khét" làm hoen ố hình ảnh doanh nghiệp.

Tiền của doanh nghiệp không phải trên trời rơi xuống và số tiền kiếm được ngày càng khó khăn hơn. Chắc chắn họ không thể bỏ tiền ra để mang tiếng xấu. Với đạo đức của cầu thủ như hiện nay còn mấy người dám đầu tư cho bóng đá? Bóng đá VN bao giờ lên chuyên nghiệp đúng nghĩa và thoát khỏi "cái ao làng"?

THẮNG THẢO MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên