17/09/2021 15:10 GMT+7

Cầu Trần Hưng Đạo ngàn tỉ mang phong cách cổ điển ‘xứ Đông Dương’ đã đúng chưa?

QUANG THẾ - THIÊN ĐIỂU
QUANG THẾ - THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong tờ trình gửi UBND TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cho biết phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển ‘xứ Đông Dương’ đạt số điểm cao nhất. Vì sao dư luận lại bàn tán?

Cầu Trần Hưng Đạo ngàn tỉ mang phong cách cổ điển ‘xứ Đông Dương’ đã đúng chưa? - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển ‘xứ Đông Dương’ - Ảnh: L.T.

'Nên có một cuộc thi cho cả đơn vị quốc tế tham gia'

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, trong 3 phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải đề xuất, phương án 3 đã được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn, có điểm số cao nhất.

Qua đó, Hà Nội chấp thuận cho nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, chiều dài toàn tuyến dự kiến 5,5km, tổng mức đầu tư 8.938,6 tỉ đồng. Trong đó Nhà nước góp 50% vốn, nhà đầu tư BOT 50%, thời gian xây dựng đến năm 2025 và thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm.

Ngày 17-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, KTS Ngô Trung Hải, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nhận định theo Luật kiến trúc, đối với công trình quan trọng của thành phố thì phải thành lập các cuộc thi, quy định, bài bản. "Hà Nội có cả quy chế đối với các công trình kiến trúc quan trọng ngoài hội đồng thi thì phải đưa ra cả Hội đồng kiến trúc thành phố".

"Tùy vào quy mô để quyết định thành phần, nên có một cuộc thi cho cả đơn vị quốc tế tham gia, công ty không chỉ chuyên về làm cầu mà phải có cả công ty kiến trúc kết hợp để cùng làm.

Tôi từng trong ban giám khảo chấm thiết kế một cây cầu ở phía Nam thấy quy chế tổ chức chặt chẽ, có rất nhiều phương án, tôi nghĩ Hà Nội cũng nên như thế. Cầu Trần Hưng Đạo gắn với phố cổ, rất quan trọng và là một công trình để đời, nên thận trọng" - KTS Hải nói.

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết đây là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt, nên theo Luật kiến trúc, cần phải thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia. "Chứ không phải là cuộc 'tuyển chọn' với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập" - KTS Tùng nói.

Kiến trúc sư nói gì về thiết kế cầu Trần Hưng Đạo?

Về phương án thiết kế, KTS Hải cho rằng nhà đầu tư, bên tư vấn, hội đồng đã bỏ thời gian, công sức ra để có tác phẩm như vậy là rất đáng trân trọng. Về kiến trúc, "không thể mới nhìn mà khẳng định ngay đẹp hay xấu, mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra hay chưa". 

"Với góc độ cá nhân, tôi thấy phải hài hòa được kiến trúc cổ sẵn có nhưng phải mang hơi thở thời đại, tài năng của người kiến trúc sư là vậy. Không nên chỉ theo phong cách của người Pháp để lại", ông Hải nói.

KTS Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng kiến trúc cầu cần được xem xét lại. "Đơn giản nhất là về chiều cao so với mặt nước, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11m so với mặt nước thì cầu Trần Hưng Đạo rất thấp, chỉ 4,75m. Cầu thấp thì rất khó đảm bảo lưu không để tàu, bè qua lại".

Ngoài ra, theo KTS Ánh, về thiết kế có cảm giác hơi "chắp vá", giả cổ, trong khi cầu Trần Hưng Đạo có tác động lớn tới kiến trúc cảnh quan trung tâm nội đô lịch sử…

Cầu Trần Hưng Đạo ngàn tỉ mang phong cách cổ điển ‘xứ Đông Dương’ đã đúng chưa? - Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng - Ảnh: L. T.

"Gọi là ‘xứ Đông Dương’ là sai rồi"

Theo KTS Tùng, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, ông cho biết rất ngạc nhiên khi lấy "xứ Đông Dương" cho kiến trúc của một cây cầu hiện đại. Ông cho rằng sai lầm về "nhận thức" đối với việc chọn ý tưởng thiết kế kiến trúc bởi không có kiến trúc "xứ Đông Dương" mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do một KTS người Pháp sáng lập.

KTS Đoàn Thanh Hà, Văn phòng kiến trúc H&P, cho biết "kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương" dùng để giới thiệu cầu Trần Hưng Đạo thực sự như chuyện hư cấu.

"Nếu xác định cần một biểu tượng văn hóa thì nên tổ chức một cuộc thi rộng rãi chứ không nên gượng gạo ‘nhét’ một câu chuyện văn hóa vào một thiết kế nào đó", KTS Hà đề xuất.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm thì nhận định: "Gọi là ‘xứ Đông Dương’ là sai rồi, không ai dùng ‘xứ’ cả. Theo phong cách Đông Dương có nghĩa là kết hợp phong cách hiện đại của Pháp gắn với yếu tố đặc thù văn hóa Thăng Long. Ví dụ như các công trình trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam…".

TS.KTS Nghiêm cho biết thêm: "Quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo đã đặt ra từ những năm 1998 nhưng vướng mắc là làm thế nào để hài hòa với nội đô lịch sử, ban đầu là đề xuất làm ngầm. Cầu Nhật Tân của Hà Nội được đánh giá cao vì sau khi có ý kiến của chuyên gia còn có nhiều góp ý tại triển lãm, của nhân dân... để tham khảo".

Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội để làm rõ hơn những vấn đề, ý kiến đang được nhiều KTS đặt ra, tranh luận, tuy nhiên đến chiều ngày 17-9 vẫn chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, ngày 1-9, UBND TP Hà Nội có văn bản số 2880 chấp thuận cho Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

QUANG THẾ - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên