08/11/2022 10:10 GMT+7

Chặn 'nguồn cơn' khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 2: Thu hồi đất, Nhà nước cũng 'kêu trời'

TRUNG TÂN - TIẾN LONG
TRUNG TÂN - TIẾN LONG

TTO - Chính cơ quan nhà nước cũng thừa nhận nhiều bất cập trong việc định giá bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất đai dành cho những dự án công.

Chặn nguồn cơn khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 2: Thu hồi đất, Nhà nước cũng kêu trời - Ảnh 1.

Giải tỏa đất tại khu vực xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột để thực hiện nút cuối đại lộ Đông Tây - Ảnh: THẾ THẾ

Từ đó, các cơ quan này đang phải mất quá nhiều thời gian để giải quyết khiếu nại, khiếu kiện.

Nơi ở mới có tốt hơn?

Dù quy định chính sách của Nhà nước luôn đặt mục tiêu để người dân bị thu hồi đất được tạo lập nơi ở mới "đảm bảo đủ điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" nhưng thực tế làm điều này không dễ.

Chẳng hạn, dự án đại lộ Đông Tây, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vừa thông tuyến đầu tháng 9-2022 sau nhiều năm ách tắc. Đường thông nhưng việc đền bù, giải phóng mặt bằng bằng biện pháp bắt buộc khiến nhiều gia đình... chưa thông.

Ông Võ Huy Chương (46 tuổi, nhà ven quốc lộ 27, xã Hòa Thắng) có căn nhà rộng 258,9m2 (60m2 đất ở) nằm ngay mặt tiền quốc lộ, vừa ở và kinh doanh ổn định hàng chục năm nay. Nhà nước thu hồi trắng và chỉ bồi thường tổng cộng hơn 1,8 tỉ đồng (hơn 1,2 tỉ đồng tiền đất - PV).

Trong khi, nếu mua một lô đất 220m2 trong khu tái định cư cách đó 1km, ông phải bù thêm gần 550 triệu đồng mới đủ. "Nhà tôi ở mặt đường quốc lộ, đang làm ăn rất tốt, nay biết lấy gì để làm nhà ở khi riêng tiền đất còn phải bù hơn nửa tỉ đồng?", ông Chương bức xúc.

Cũng trong dự án này, anh chị em ông Chương có khoảng 3.000m2 đất với chiều dài 62m theo quốc lộ nên cùng chung bức xúc. Giá đất ở theo giá thị trường ven quốc lộ 27 tại khu vực xã Hòa Thắng (đối diện với đường vào sân bay Buôn Ma Thuột) dao động từ 25 - 30 triệu đồng/m2 nhưng giá Nhà nước bồi thường cao nhất chỉ hơn 13 triệu đồng/m2.

Chưa kể, do không được chuyển đổi mục đích sử dụng (để phục vụ dự án) nên phần lớn diện tích đất thu hồi của người dân đều là đất trồng cây lâu năm, chỉ được bồi thường từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/m2.

Với mức bồi thường này, bị thu hồi hàng ngàn mét vuông đất mặt tiền quốc lộ nhưng họ không đủ mua một lô đất tái định cư phía trong mặt đường quốc lộ.

Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết hiện chính sách thu hồi đất thực hiện các dự án đang gây bức xúc rất lớn cho người dân. Theo đó, khi có thông báo về việc thu hồi đất, người dân không được sửa chữa, cầm cố tài sản cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được chuyển nhượng, mua bán.

Trong khi nhiều dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân khiến người dân bức xúc. Như dự án đại lộ Đông Tây tại TP Buôn Ma Thuột bắt đầu khởi công năm 2016 nhưng sau đó không có kinh phí, mãi đến năm 2019 mới bố trí vốn.

Từ đó TP mới tập trung làm công tác giải phóng mặt bằng và gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, đó cũng là cái bất cập.

Không có "giá thị trường" để định?

Khó khăn của cơ quan nhà nước còn ở chỗ quy định giá đền bù phải sát thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra: "Giá nào là giá thị trường?".

Trực tiếp giải quyết nhiều khiếu nại của người dân, ông Thạch Cảnh Tịnh - phó chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) - thấu hiểu cái khó của cả dân và chính quyền. "Quy định giá đất bồi thường phải theo sát giá thị trường nhưng thực tế có rất nhiều điểm vênh.

Ở các TP lớn đã hình thành các sàn giao dịch bất động sản, có thể xem là giá thị trường chuẩn. Còn các TP nhỏ phải thông qua việc mua bán công chứng, nhưng giá thị trường mà người dân khai cũng không đúng thực tế", ông Thịnh nói.

Ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cũng thừa nhận việc thu hồi, giải phóng mặt bằng làm dự án ở địa phương có nhiều vướng mắc.

"Thế nào là giá thị trường trong điều kiện bình thường? Không có thị trường chúng ta phải dùng phương pháp so sánh với lô đất liền kề. Điều này dẫn đến việc không chính xác trong dữ liệu, gây thất thoát ngân sách, mâu thuẫn giữa lợi ích Nhà nước và quyền lợi của người bị thu hồi đất dẫn đến khiếu kiện kéo dài...", ông Yên phân tích.

Theo ông Yên, cần kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi việc phân cấp, ủy quyền trong xây dựng giá đất cho UBND các huyện, xã.

UBND cấp xã, huyện họ mới biết thửa, khu vực đất nào giá trị ra sao để xây dựng bảng giá đất, có như vậy việc bồi thường mới sát thực tế và UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện công tác giám sát, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện theo quy định.

"Đối với các dự án đô thị nên có quy định để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân. Các dự án liên quan đến nhiều tỉnh nên áp dụng một chính sách chung có lợi nhất cho người dân để tạo ra tính thống nhất, đồng thuận cao", ông Yên nói.

Ông Bùi Xuân Thống - phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - nhận định thị trường đất luôn có hai giá, một giá Nhà nước ban hành, một giá thị trường.

Vì vậy, khi chính quyền áp giá thị trường là hết sức khó khăn bởi có thực trạng không kê khai giá chính xác. "Đây là một nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi đất kéo dài, khiếu kiện", ông Thống nói.

* PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (phó chủ tịch hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội):

Mấu chốt là xác định giá đất sát thị trường

Dù ý tưởng của các nhà soạn Luật đất đai 2013 mong muốn giá đền bù sát với giá thị trường nhưng khi thiết lập quy định cụ thể vẫn chịu tác động chi phối của UBND cấp tỉnh.

Vì thế, dự thảo Luật đất đai lần này bỏ khung giá đất, giao cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất nên để tránh tình trạng lợi ích nhóm khi phân cấp, phân quyền quản lý đất đai, trung ương phải tăng cường giám sát việc các địa phương định giá đất.

Cần làm rõ trung ương giám sát theo hình thức, phương pháp nào, không thể nói chung chung được. Mặt khác, cần tăng cường thành viên có năng lực, trình độ chuyên môn định giá đất và đại diện các hiệp hội như hội thẩm định giá, hiệp hội bất động sản vào hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh.

Số lượng thành viên hội đồng thẩm định giá đất có chuyên môn ít nhất phải chiếm 2/3 thành viên hội đồng. Như vậy sẽ bảo đảm tính chuyên môn khi thẩm định giá đất. Mấu chốt vẫn là giá đất, làm tốt định giá đất sẽ khắc phục tình trạng hai giá đất trên thị trường hiện nay, giảm số cán bộ vướng vào vòng lao lý liên quan tới quản lý đất đai như hiện nay.

B.NGỌC - Q.THẾ

Chưa lượng hóa được chuẩn "nơi ở mới"

1cb2dc075a379c69c526a 1(Read-Only)

Nhiều người dân tại khu vực nút cuối đại lộ Đông Tây buộc phải dọn nhà dời đi để thông tuyến nhưng trong lòng chưa thông vì cho rằng giá bồi thường quá thấp - Ảnh: THẾ THẾ

Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết trong nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương ghi rõ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Ông Chiến nêu, nếu để thỏa thuận thì có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhưng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao.

Lý do là khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp. Sau đó doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở chênh lệch nhiều lần nên cũng tạo ra vướng mắc, chưa công bằng.

Chúng tôi đã phản biện nội dung đó, nhưng trong dự thảo luật vẫn ghi là "Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng bao gồm rất nhiều điểm, trong đó có điểm h là dự án đô thị".

Ông Chiến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ lưỡng để xem xét điểm này có phù hợp với nghị quyết 18 hay không. Nếu thấy việc thu hồi đất của dự án đô thị là cần thiết, phải báo cáo lại với cơ quan có thẩm quyền.

Ông Chiến cũng bày tỏ băn khoăn việc dự luật ghi "trong trường hợp phải bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất thì người bị thu hồi đất đến nơi ở mới phải có cuộc sống bằng, hoặc cao hơn nơi ở cũ" nhưng chưa lượng hóa được cụ thể, do vậy tổ chức, cá nhân chưa thể giám sát được.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) thì cho rằng việc "đảm bảo điều kiện bằng và tốt hơn" chỉ là nói trên ước lệ và chủ trương, còn nếu đưa vào luật mà chỉ nói như thế này thì có lẽ không khả thi và cần phải có nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể hơn thì mới giải quyết vấn đề.

Chặn Chặn 'nguồn cơn' khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 1: Kẻ khóc, người cười quanh việc thu hồi đất

TTO - Đất đai thường chiếm khoảng 70% số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Nguồn cơn mâu thuẫn từ đâu và cần chặn đứng bằng những giải pháp nào trong lần sửa đổi Luật đất đai mà dự thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV?

TRUNG TÂN - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên